Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giáo dục kỹ năng xã hội cho học sinh THPT: Còn bỏ ngỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Thực trạng về kỹ năng sống (KNS) của học sinh, sinh viên hiện rất yếu và làm thế nào để thu hút được giới trẻ đến với những lớp học về kỹ năng thực hành xã hội. Đó là những trăn trở mà các giáo viên, nhà quản lý nêu ra tại buổi tọa đàm “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho học sinh THPT do Thành đoàn tổ chức vừa qua.
Từ năm 2001, Bộ GD-ĐT đã thực hiện kế hoạch giáo dục KNS cho học sinh THPT thông qua dự án “Giáo dục sống khỏe mạnh, KNS cho trẻ vị thành niên” với sự hỗ trợ của UNICEF tại Việt Nam. Các em được rèn luyện KNS thiết thực để ứng phó với những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, kế hoạch vẫn còn bỏ ngỏ. Minh chứng cho điều này là việc học sinh THPT nghiện thuốc lá, uống rượu, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục sớm hay thậm chí là tự sát khi gặp vướng mắc trong cuộc sống, trong học tập đang ngày càng phổ biến.    
Hầu hết học sinh, sinh viên đều chú ý đến tầm quan trọng của kiến thức (kỹ năng cứng), đặc biệt là ngoại ngữ và vi tính, trong khi các kỹ năng ứng xử dường như không được quan tâm. Theo ông Quách Hải Đạt, Giám đốc TTHTSV TP.HCM thì việc đào tạo kỹ năng thực hành xã hội trong học sinh chưa mang lại hữu ích vì Bộ GD-ĐT chưa ban hành bộ chuẩn về giáo dục KNS thực hành xã hội cho HS để định hướng chung vì thế nhà trường mỗi nơi dạy mỗi kiểu. Việc giáo dục KNS tại các trường mới chỉ dừng lại ở các tiết học về giáo dục công dân hoặc lồng ghép vào từng bộ môn như ngữ văn, các tiết chào cờ nên kết quả đạt được chưa cao; phụ huynh cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học kỹ năng nên thờ ơ và chưa có sự đầu tư cho con em mình. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng học sinh sau khi đào tạo ra và khả năng ứng dụng vào thực tế. Còn ông Lý Trường Chiến – Giám đốc khu vực phía Nam Báo Khuyến Học Dân Trí cho rằng: “Để việc tham gia rèn luyện KNS của học sinh được hiệu quả, cần hội tụ 4 yếu tố: bản thân các em, gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình phải thương yêu, định hướng, hỗ trợ tạo điều kiện nhưng không bắt ép các em, cha mẹ cần dành nhiều thời gian lắng nghe con mình hơn. Với nhà trường, quan tâm đào tạo và lồng ghép tích cực để tạo cơ hội cho học sinh sinh viên rèn luyện KNS, nên mở rộng hợp tác, chủ động tổ chức nhiều chương trình tại các trường vào dịp cuối tuần và khuyến khích học sinh, phụ huynh tham gia”.
Thái Khuê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)