Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy nghề và hướng nghiệp cho người khuyết tật: Còn nhiều băn khoăn!

Tạp Chí Giáo Dục

 

Những người khuyết tật này tìm việc làm rất khó khăn (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).  Ảnh: K.N

Theo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, hiện cả nước có 2,5 triệu lao động khuyết tật rất cần có việc làm. Chính vì vậy, công tác dạy nghề và hướng nghiệp cho người khuyết tật (NKT) đang đứng trước nhiều băn khoăn.
Luật và chính sách quá bất cập
Vấn đề được đặt ra là: doanh nghiệp nhận NKT làm việc như thế nào, tỷ lệ và chính sách ra sao khi hiện nay Việt Nam có tới 36% NKT không biết chữ và chỉ có 2% được đào tạo nghề. Theo đánh giá của Bộ LĐTB-XH, đa số NKT chưa có việc làm phải sống dựa vào gia đình, người thân, trợ cấp xã hội. Còn theo kết quả đánh giá của Ủy ban các vấn đề xã hội thì tỷ lệ NKT được học nghề hiện nay đã cao hơn, chiếm 12,1% nhưng có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn (NKT được học nghề chủ yếu là ở thành phố). Một điểm đáng chú ý là, đa số NKT vẫn đang làm nông, chỉ 5% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, buôn bán, một số ít khác làm trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và hành chính sự nghiệp. Chủ yếu NKT vẫn phải tự kiếm việc làm để tồn tại. Bên cạnh đó, NKT còn bị phân biệt đối xử, chưa được ưu tiên trong quá trình tiếp cận những việc phù hợp với họ. Nếu NKT và người bình thường có thể làm tốt một công việc nào đó thì khả năng NKT được nhận vào làm luôn thấp hơn. Các doanh nghiệp thường đưa ra lý do, Bộ luật Lao động quy định thời gian làm việc của NKT không được vượt quá 7 giờ/ngày hoặc 42 giờ/tuần nên không thể bố trí cho họ làm việc theo ca 8 giờ/ngày. Đây chính là sự bất cập trong Luật NKT hiện hành.
Theo ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thì trong thời gian qua, các chính sách của Nhà nước cũng như các cấp, ngành đã có những hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho NKT còn khả năng lao động nhưng chưa được nhiều. Bên cạnh đó, còn nhiều băn khoăn như việc đặt cơ sở dạy nghề ở đâu, dạy như thế nào cũng là vấn đề đặt ra cho Luật sửa đổi NKT lần này.
Ông Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ: “Trước đây, chúng ta từng có trường riêng dành cho NKT. Đó là hai trường dạy nghề người tàn tật trung ương 1 và 2. Rồi sau đó, có quan điểm nên cho họ học hòa nhập, nên hai trường này không còn. Nhưng giờ thì việc học hòa nhập cũng có cái khó bởi mỗi NKT bị một tật khác nhau, trình độ tiếp thu không giống nhau, và xu hướng học nghề cũng khác nhau”.
Đồng tình với băn khoăn trên, ông Liêu cho rằng: “Thời gian để NKT học một chương trình cần được tăng thêm, chứ không phải cố định như hiện nay. Chẳng hạn, chương trình cần được hoàn thành trong 3 tháng thì với NKT có thể kéo dài đến 4 tháng. Trong quá trình học, NKT sẽ được học thêm mỗi ngày 1-2 tiếng”.
Tam giác “đào tạo – việc làm – thu nhập”
Hướng nghiệp cho NKT cần phải chú ý tới tam giác “đào tạo – việc làm – thu nhập”. Hướng giải quyết của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi là hỗ trợ cho đơn vị giúp NKT học nghề rồi giữ họ lại làm việc. Đây là hướng đi rất mới bởi hiện Nhà nước mới chỉ hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề kinh phí hướng nghiệp. Theo ông Liêu: “Nếu NKT học ở trung tâm thì mỗi tháng Nhà nước trợ cấp cho họ 540 nghìn/người. Còn như thí điểm của hội chúng tôi thì hỗ trợ mỗi cơ sở 2 triệu, họ sẽ giúp NKT học nghề và sau đó làm việc tại cơ sở ít nhất 1 năm. Bên cạnh đó, với tổng số tiền tài trợ của Úc khoảng 2,5 tỷ đồng, mô hình xã sinh kế cho NKT và trẻ mồ côi đang được hội thực hiện khá hiệu quả. Hiện, chúng tôi đang thực hiện thí điểm dự án xã sinh kế cho NKT tại 22 xã, trải dài từ Bắc vào Nam.
Thiên Lam

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)