Ngày 5-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường.
Chính phủ đề nghị đưa xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn) vào đối tượng chịu thuế, vì đây là các sản phẩm có chứa một số chất hóa học như chì, lưu huỳnh… ngay cả khi chưa sử dụng. Các chất chứa trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Xăng dầu có phạm vi sử dụng rộng rãi, với lượng lớn 15 triệu tấn/năm, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng diễn ra trên diện rộng.
Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay xăng dầu phải chịu nhiều loại thuế, phí, nếu tiếp tục thu thêm thuế bảo vệ môi trường sẽ tạo áp lực nặng nề lên chỉ số giá tiêu dùng.
Tờ trình của Chính phủ giải thích khi Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (dự kiến đầu năm 2012) sẽ không tiếp tục thu phí xăng dầu nữa. Vì vậy mức thuế tối thiểu được quy định là bằng với mức phí xăng dầu hiện hành để không gây tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng. Mức thuế tối đa trong khung quy định là 4.000 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít dầu (tương đương khoảng 25% giá bán hiện hành).
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên giải thích hiện tại trong giá xăng dầu bán lẻ có thuế nhập khẩu và phí sử dụng, nhưng tới đây (gắn với thời gian Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực) khi thực hiện cam kết WTO thì thuế nhập khẩu bằng 0, cho nên chúng ta chuyển nguồn thu từ thuế nhập khẩu vào thuế nội địa, “cộng lại thuế nội địa với phí xăng dầu chuyển sang hình thức thu thuế để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và không tăng giá, không ảnh hưởng đến đối tượng sử dụng xăng dầu”.
Trước đó, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính và ngân sách cho rằng biên độ khung thuế đối với xăng dầu như tờ trình của Chính phủ là rộng, mức trần 4.000 đồng là cao. Hiện nay trong giá xăng dầu đã bao gồm nhiều loại thuế, phí và chiếm tới 40% giá của một lít xăng; riêng phí là 1.000 đồng.
Nếu áp dụng mức thuế suất đối với xăng dầu như quy định của dự thảo luật, cho dù có trừ phí xăng dầu thì giá bán vẫn sẽ tăng, dẫn đến tăng giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ có sử dụng xăng dầu. Vì vậy, cần tính toán hợp lý để tránh gây tác động đến đời sống, giá thành sản phẩm, kiềm chế lạm phát, duy trì cân đối kinh tế vĩ mô.
“Có nhiều bất hợp lý khi mức thuế cho xăng tới 4.000 đồng/lít, dầu 2.000 đồng/lít trong khi xăng ít ô nhiễm hơn. Than cũng là loại nhiên liệu thải khí CO2 rất nhiều mà thuế suất chỉ bằng 1% giá bán, trong khi xăng dầu chịu thuế tới 25% giá bán” – đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nói. Đại biểu Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) đặt vấn đề xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, vì vậy Quốc hội cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Thuốc lá gây hại cho môi trường nên đáng phải chịu thuế môi trường – Ảnh: T.Thắng Đề nghị đưa thuốc lá vào diện chịu thuế Bên cạnh mặt hàng xăng dầu và than, dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường còn đưa ba nhóm hàng hóa lớn khác vào diện chịu thuế, gồm: môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (dung dịch HCFC), túi nhựa xốp (túi nilông), thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và nhiều đại biểu khác cho rằng quy định như nêu trên vẫn chưa bao quát được hết các loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, cần phải rà soát để bổ sung vào dự thảo luật, ví dụ như thuốc lá. |
V.V.THÀNH (Theo TTO)
Bình luận (0)