Người nhặt “ve chai chạy” trong giờ chờ xe đến |
Lần đầu tiên, tôi được biết thế nào là nghề nhặt “ve chai chạy”. Một ngày phơi mình ngoài nắng mới thấy hết nỗi khổ của cái nghề tốn nhiều mồ hôi và cũng lắm nước mắt này.
Theo chân đoàn xe đạp ngược về hướng tây huyện Bình Chánh, TP.HCM, chốc chốc tôi phải rồ ga vượt qua mặt một tốp phụ nữ đang tranh đường nhau. Kè theo một người nữ để hỏi thăm, chị cho biết đang đi nhặt “ve chai chạy”. Tôi khá ngạc nhiên khi nghe tên một loại nghề khá đặc biệt như thế. Người phụ nữ sợ mất thời gian nên bỏ mặc tôi với câu hỏi “ve chai chạy” là gì, chị bặm môi, gồng mình lấy trớn để đuổi kịp tốp đầu.
Chạy bở hơi tai
Dù đã chạy hơn 10km, tốp xe đạp vẫn đều đều lăn bánh. Cuối cùng, họ dừng lại ở một khu đất trống cách trung tâm xã Lê Minh Xuân không xa. Trước mặt là một bãi xà bần to và cao hơn ba mét. Mọi người xuống xe lau mồ hôi, uống ngụm nước và chuẩn bị đồ nghề.
Tôi chú ý người phụ nữ với thân hình mảnh khảnh, nước da rám nắng, tuổi trạc 40. Trông chị nhanh nhẹn, hoạt bát qua động tác dùng móc sắt cào xà bần. Sau 5 phút quan sát, tôi thấy bao của chị không có gì ngoài hơn chục cây đinh cùng vài cây sắt vụn ngắn củn. Hỏi mới biết, chị tên Nguyễn Thị Thắm (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). “Lúc trước, tôi làm nghề nhặt ve chai ở khu vực Gò Vấp. Nghe người quen giới thiệu, tôi mới chuyển qua đây được năm ngày và gia nhập nhóm ve chai… chạy”. “Sao phải gọi là ve chai chạy?”, tôi hỏi chị Thắm. Chị vừa cười vừa nói: “Anh không thấy nãy giờ tụi tui chạy sao? Quần nát chỗ này lại chạy sang chỗ khác. Một ngày phải di chuyển đến nhiều nơi, không chạy là gì?”.
Đang cắm cúi đào bới, nghe tiếng động cơ gầm rú, âm thanh còi xe đang to dần, ai nấy cũng chuẩn bị cho mình tư thế để chạy. Chiếc xe ben đi đầu đang tiến dần vào bãi, tên lơ xe mở cửa nhảy phóc xuống dọn đường: “Tránh ra xa, đá lớn không đấy”. Vừa dứt lời, chiếc ben nâng lên đổ xà bần xuống. Ben chưa hạ, ngay lập tức hơn chục người đã bu quanh đào bới, đâu đó có tiếng chửi thề vì giẫm chân nhau, xô đẩy nhau để tìm kiếm phế liệu. Xe vừa ra khỏi cổng cũng là lúc đống xà bần bị quần nát, chỉ còn lại mấy cục bê tông to nằm yên vị. Trong số gần 30 người đang “hành nghề”, có một thanh niên kiếm được nhiều phế liệu nhất. Người thanh niên này cho biết, mỗi ngày anh kiếm khoảng 10kg sắt, bán cũng được gần 100 ngàn.
Giẫm đạp nhau để mưu sinh
Lần lượt từng chiếc xe ra, vào bãi, mọi người hì hục làm việc khiến tôi có cảm giác họ đang dần đuối sức. Trời nắng như đang trút giận xuống những thân phận nghèo khó. Giữa khu đất trống bạt ngàn, không có một bóng cây. Không còn cách nào khác, tôi đành “ké” bóng mát của chiếc xe đạp có treo hai cái bao phía sau. Có lẽ cũng không chịu nổi cái nắng rát da kia, một người đàn ông loay hoay tìm chỗ tránh nắng. Tôi khép mình lại, chừa một khoảng trống nhỏ để anh ta vào ngồi. Anh cho biết mình tên Hoàng Văn Thiết, từ Ý Yên, Nam Định vào TP.HCM lập nghiệp. Anh tâm sự: “Coi vậy chứ trong này dễ kiếm tiền hơn ngoài Bắc. Tội nghiệp mấy đứa con tôi ngoài quê, phải làm việc từ sáng sớm đến chiều tối. Mới học hết lớp 5, lớp 6 đã phải nghỉ học để làm bạn với nương rẫy. Tôi đau lòng lắm”. Tôi gợi ý như để xua tan không khí nặng nề đang bao trùm: “Sao anh không đưa các con vào đây tìm việc gì làm, bán vé số chẳng hạn?”. Không may, câu nói vô tình của tôi khiến anh gắt gỏng: “Thân này còn chạy chỗ này chỗ kia được, tụi nó nhỏ quá mà làm được gì?”.
Theo “lịch trình” của nhóm nhặt “ve chai chạy”, ngày hôm đó họ phải đi đến 4 điểm. Trong đó, điểm xa nhất là xã Lê Minh Xuân của huyện Bình Chánh, ba điểm còn lại đều nằm trên quốc lộ 1A, đoạn tiếp giáp với con lộ dẫn vào đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Nhặt “ve chai chạy” – cái nghề buồn nhiều hơn vui. Chị Thắm kể: “Ngày đầu tiên đi làm, tôi bị không ít người dằn mặt. Cũng may anh, chị, em đồng hương của tụi tui đoàn kết, đứng ra bênh vực nên họ mới thôi”. Nhưng không phải ai cũng gặp may như chị Thắm. “Mới chân ướt chân ráo vào thành phố kiếm sống, biết tôi hành nghề nhặt “ve chai chạy”, thằng Khảng, người đồng hương của tôi đòi đi theo. Kết quả, nó bị “ăn đòn” nằm viện hơn một tuần. Tôi đâu có dám kháng cự, năn nỉ gãy lưỡi tụi nó mới bỏ qua đấy chứ”, chị Thắm nhớ lại.
Bài, ảnh: Tuy An
Người nhặt ve chai chạy ngày một đông, đồng nghĩa với việc miếng ăn phải chia năm xẻ bảy. Từ đó nảy sinh chuyện tranh giành, cãi vã, thậm chí giẫm đạp lên nhau để sống. |
Bình luận (0)