Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

TP.HCM – nơi hội tụ và giao thoa văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 9 năm 2023 đã khởi đầu bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc với thông điệp về một TP.HCM – nơi hội tụ và giao thoa văn hóa, một điểm đến an toàn, sống động, thân thiện và tràn đầy hứng khởi.


Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 9 năm 2023 chính thức khai mạc

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9 năm 2023 với chủ đề “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức đã khai mạc vào tối 3-3 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Những bộ sưu tập gắn với văn hóa – du lịch

Sự kiện đã giới thiệu 21 bộ sưu tập theo các chủ đề của các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng trong nước và quốc tế: “Áo dài trong lòng thành phố”, “Áo dài hội nhập cùng thế giới”, “Áo dài – Tinh hoa ngàn năm”… cùng sự tham gia biểu diễn của hàng trăm diễn viên và người mẫu.

Các bộ sưu tập độc đáo gắn với đặc trưng văn hóa – du lịch của TP.HCM như bộ sưu tập áo dài “Sài gòn ơi” (Áo dài với những công trình của thành phố) của NTK Trisha Võ, bộ sưu tập áo dài “Thành phố đi lên, đất lành chim đậu” của NTK Việt Hùng (biểu diễn bởi 100 văn nghệ sĩ thành phố và các đại sứ lễ hội).

Hay bộ sưu tập “Áo dài trên sông Sài Gòn” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam với 20 mẫu thiết kế áo dài lộng lẫy, tái hiện lại vẻ đẹp lung linh, hiện đại, đầy sức sống của một thành phố ven sông mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một thành phố từng một thời được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Bộ sưu tập có kỹ thuật thêu đính thủ công truyền thống tinh xảo đến từ các làng nghề  ở Thường Tín, Chương Mỹ – Hà Nội.


Hoa hậu H’Hen Niê là một  trong những đại sức Lễ hội Áo dài năm nay

Bộ sưu tập áo dài “Nếp màu tự nhiên” của NTK Nguyễn Đức Huy – thương hiệu cổ phục Đông Phong với các mẫu thiết kế áo cổ phục như tứ thân, ngũ thân, nhật bình, phượng bào được may ghép với lối nhuộm màu, dệt vải tự nhiên bằng các loại cỏ cây thiên nhiên như thuốc bắc, vỏ củ nâu, lá ngải cứu, gỗ tô mộc… tái hiện lại trang phục truyền thống gắn với bảo tồn, duy trì, ổn định đời sống các làng nghề dân tộc.

Bộ sưu tập “Non nước Việt Nam” của nghệ nhân Trung Đinh được nhuộm màu thủ công và thiết kế trên nền lụa Việt Nam (làng lụa Bảo Lộc). Với 18 tác phẩm áo dài thể hiện danh lam thắng cảnh nên thơ, hùng vĩ hay các nét văn hóa, tập quán của các vùng miền trong cả nước cùng các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc đã mang đến cho lễ khai mạc những sắc màu mới lạ. Không chỉ là sự kiện chính thức mở đầu cho Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 9 năm 2023 mà còn là chương trình nghệ thuật đặc sắc truyền tải thông điệp về một TP.HCM đậm đà bản sắc văn hóa, thân thiện, năng động, an toàn và tràn đầy hứng khởi. 

Đặc biệt, chương trình khai mạc còn có NTK có hoàn cảnh đặc biệt và các tiết mục biểu diễn áo dài của những cá nhân, tập thể có hoàn cảnh đặc biệt. Hay tiết mục trình diễn áo dài của người dân thành phố, các doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành đoàn thể và các em thiếu nhi của thành phố. Đây là thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tình yêu áo dài là không giới hạn, áo dài có thể tôn vinh cho vẻ đẹp và tâm hồn của bất kỳ ai yêu quý áo dài. TP.HCM cũng thế, cũng là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa, vùng đất hào sảng và cởi mở luôn chào đón và tạo điều kiện cho cư dân khắp mọi miền.

Đặc trưng của thành phố

Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh – áo dài là một trong những trang phục đặc trưng, gắn với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước, sự gia nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế, hình ảnh chiếc áo dài trở nên quen thuộc và trở thành một trong các biểu tượng của Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới. Không chỉ biểu trưng cho nét đẹp của người Việt Nam, áo dài còn gợi nhớ đến một đất nước Việt Nam xinh đẹp, thân thiện, hiền hòa; gợi nhớ một điểm đến đậm đà bản sắc trong lòng du khách quốc tế. Sức mạnh nội sinh đó của áo dài chính là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế, văn nghệ sĩ trên cả nước sáng tạo để cùng thành phố tạo nên những kỳ lễ hội áo dài ngày càng hấp dẫn, luôn được người dân, du khách mong đợi mỗi dịp tháng 3.


Bộ sưu tập áo dài với đặc trưng văn hóa – du lịch của TP.HCM được trình diễn trước công chúng

“Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài TP.HCM đã trở thành sự kiện du lịch văn hóa thường niên, đặc trưng của thành phố. Không chỉ nhằm nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu áo dài, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà lễ hội còn giới thiệu đến bạn bè quốc tế và du khách về điểm đến TP.HCM hiện đại, giàu bản sắc, sống động, an toàn, thân thiện và duyên dáng. Nơi du khách có thể tìm thấy những trải nghiệm độc đáo và những cung bậc cảm xúc đáng nhớ thông qua các sự kiện đa dạng, tương tác trực tiếp với du khách”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Lễ hội còn là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc, nêu cao tinh thần và ý chí kiên cường, bất khuất bên trong vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam khi gắn với kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Trong bối cảnh ý nghĩa năm 2023, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9 năm 2023 tiếp tục đầu tư về qui mô và đổi mới về nội dung, hình thức nhằm thể hiện khát vọng khôi phục mạnh mẽ và sẵn sàng tăng tốc để phát triển của thành phố mang tên Bác trong giai đoạn mới cũng như thể hiện tình cảm và sự trân trọng các mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng với bạn bè trong khu vực và quốc tế.

Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 9 năm 2023 sẽ diễn ra cho đến hết tháng 4.

Hồ Trinh

Bình luận (0)