Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người thầy không biên chế: Kỳ cuối: Lớp học ở “khu phố không bình yên”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Đỏ nói: “Vì cuộc sống, nhiều lúc tôi muốn bỏ lớp nhưng lại không đành”

Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố, một đảng viên gương mẫu, cô Nguyễn Thị Đỏ kiêm luôn công tác xóa mù chữ tại địa phương. Dù cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn những đứa trẻ nheo nhóc không được cắp sách đến trường, cô không thể bỏ lớp học tình thương…
Trong khi chờ cô Đỏ đến lớp, chúng tôi có dịp trò chuyện với người dân ở khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM. Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Đỏ, ai cũng có chung một câu nói: “Ở đời tìm người tốt như cô Đỏ thì quả là hiếm. Khu phố này, nếu không có cô Đỏ thì không những lũ trẻ mà cả người lớn đều dốt”. Người dân địa phương còn gọi cô bằng cái tên khá dài mang hàm ý kính trọng: Cô Đỏ xóa mù chữ.
Cô Đỏ xóa mù chữ
Có người gọi khu phố 5 là “khu phố không bình yên”. Họ gọi thế cũng không quá đáng chút nào. Nằm trong khu vực cảng Bến Nghé ồn ào, náo nhiệt, nơi tập trung lao động từ khắp nơi, tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội… Lớp học tình thương do cô Đỏ mở ra chính thức hoạt động từ năm 1996. Lớp học từng gián đoạn vì những lý do khách quan và mãi đến năm 2006 lớp mới hoạt động trở lại. Cô Đỏ đến với lớp học này cũng hết sức tình cờ, nói như cô là do duyên nợ. Lúc ấy, mỗi đêm cô dạy con học trước hiên nhà. Lũ trẻ trong xóm đi nhặt ve chai, bán vé số thấy rồi cứ đứng ngoài hàng rào nhìn vào chẳng chịu rời nửa bước. Sự thèm khát được đi học hiện rõ trên những khuôn mặt lam lũ. Biết gia đình không có điều kiện đưa các em đến trường. Bản thân cô cũng nghèo, chỉ có thể cho các em cái chữ. Cô Đỏ dạy các em mà không nhận bất cứ một khoản thù lao nào. Phụ huynh trong khu phố hay tin cũng đưa con đến gửi cô Đỏ dạy ngày một đông. Năm 1999, Hội phụ nữ của phường Tân Thuận Đông mở lớp xóa mù chữ cho người lớn và nhờ cô đứng ra dạy. Có lớp học, cô Đỏ có điều kiện nhận dạy nhiều trẻ hơn.
Từ đó, lớp học tình thương của cô giáo Đỏ đặt tại trụ sở dân phòng khu phố 5. Những ngày đầu, lớp học gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Nhờ vào sự quan tâm của địa phương, từ một không gian học chật chội, ẩm thấp, nhếch nhác, thiếu thốn đủ thứ giờ đã có hình hài của một lớp học. Những bộ bàn ghế được đóng từ ván cốt pha phế liệu ở các công trình xây dựng cũng đã được thay mới. Cô Đỏ hồ hởi khoe: “Mái tôn phía trước vừa được mạnh thường quân đóng góp lợp lại. Mùa mưa năm nay, cô và trò không còn phải vừa tắm mưa vừa học”.
Nghèo tiền chứ không đói chữ
Học trò của lớp học tình thương hầu hết là con em lao động nghèo nhập cư đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Do tính chất của công việc, nay làm công trình này mai làm công trình khác, cha mẹ chúng chuyển nơi làm việc cũng đồng nghĩa với việc chúng bỏ lớp. Thương làm sao, bọn trẻ vừa biết được mặt chữ lại phải ngược xuôi theo gia đình mưu sinh. Có khi 5, 7 tháng sau mới trở lại lớp, coi như phải học lại từ đầu.
Cô Đỏ nói: “Các em đều sinh ra trong những gia đình nghèo. Đã nghèo mà không biết chữ là một thiệt thòi lớn. Bằng mọi cách phải cho các em cái chữ”. Mỗi em đều có mỗi công việc, dù thu nhập không quá 700 ngàn đồng/ tháng nhưng cũng đã tự nuôi sống bản thân mình. Nói về các học trò của mình, cô Đỏ chia sẻ: “Các em theo cha mẹ đi làm xa thì không nói, các em ở đây, làm gì thì làm nhưng đúng giờ là đến lớp. Hôm nào tôi bận việc gia đình đột xuất không đến lớp được, các em không chịu ra về mà đứng đợi dù các anh dân phòng đã thông báo. Vì cuộc sống, không ít lần tôi muốn nghỉ dạy nhưng nhìn lũ học trò mà thương, bọn trẻ khát khao được đi học thì mình làm sao bỏ được. Thái độ học tập của các em cũng là nguồn động viên cho tôi”.
Lớp học lúc đông học sinh nhất có sĩ số 33 em, lúc vắng khoảng 15 em. Hàng năm, cô Đỏ đều giới thiệu các em đi kiểm tra kiến thức để chuyển các em vào trường phổ thông. Việc làm của cô Đỏ được chồng ủng hộ ngay từ đầu. Khi anh đảm nhận công tác Trưởng khu phố 5, công việc của cô Đỏ thuận lợi hơn. Hàng ngày anh đến từng tổ để tìm hiểu cuộc sống của bà con và vận động con em nghèo ra lớp.
Các em ở lớp học tình thương có nhiều độ tuổi khác nhau, lớn nhất cũng 16, nhỏ nhất là 6 tuổi. Trò ở đây đều có những điểm chung: nghèo; chưa một lần được cắp sách đến trường và vừa học vừa làm. Như Bích Tuyền đang phụ việc ở một công trình xây dựng; bạn Thu Thảo ngày ngày làm bạn với chiếc xe đẩy bán cá viên chiên. Là đàn chị trong lớp, Mỹ Hoàng giúp việc ở quán cơm. Cậu học trò bẽn lẽn, ít nói Hoàng Linh theo cha mẹ vào cảng để may bao. Còn hai anh em Hùng và Phước tuổi đã lên 9, lên 10 nhưng “đẹt” nhất lớp, hai em phải dậy từ 2 giờ sáng để ra chợ phụ mẹ bán cá. Nhiều em từng học ở lớp học tình thương này giờ đã lớn, có người lập gia đình sinh con đẻ cái. Không ít bạn nổi tiếng bướng bỉnh, kết thân với bạn xấu thường xuyên quậy phá giờ đã nên người, có công việc làm ổn định.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Anh Nguyễn Quốc Thông, Trưởng khu phố 5 (chồng cô Đỏ) cho biết: “Khu phố 5 có 5 tổ dân phố, bao gồm 343 hộ với 1.069 nhân khẩu. Đây là địa bàn “nóng” về tệ nạn xã hội. Trẻ con thường xuyên chứng kiến những cuộc “trò chuyện” bằng dao, mã tấu của người lao động nhập cư. Đến với lớp học tình thương, các em còn học được nhiều bài học đạo đức, tránh xa tệ nạn xã hội, xóa dần mặc cảm, tự ti…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)