Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gần chục tấn kẹo trộn bột đá đang trôi nổi ngoài thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Kẹo bột đá được bán ra thị trường với những nhãn mác như: kẹo đậu đỏ, khoai môn, sữa dừa, Happy wedding… Theo các nhà khoa học, bột đá vào cơ thể sẽ dễ làm viêm loét dạ dày, gây hại cho niêm mạc đường ruột.

Một trong những mẫu kẹo thu tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Phong Lan. Ảnh: VTV.

Cận kề với trung thu, các đại lý, cơ sở sản xuất bánh kẹo ở xã La Phù và Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) tung ra thị trường gần chục mẫu bánh, kẹo cân khác nhau với giá thành 15.000-40.000 đồng một kg. Một chủ cửa hàng ngoài 30 tuổi ở xã La Phù tiết lộ, kẹo cân có thể pha bột đá để tăng trọng lượng, còn bánh chỉ trộn được bột sắn và bột mỳ.

Theo ông chủ Phúc Thành Khang, một trong 3 cơ sở sản xuất bánh kẹo trộn bột đá ở xã Minh Khai vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, với tỷ lệ pha gần 40% bột đá vào trong kẹo, giá thành sản phẩm sẽ giảm đáng kể. Khẳng định không biết bột đá gây nguy hại cho người, nhưng ông chủ hồn nhiên nói không bao giờ ăn kẹo do mình sản xuất.

Ông chủ Phúc Thành Khang thừa nhận, từ Tết Nguyên đán năm 2007 đến nay, cơ sở đã sản xuất hơn 10 tấn kẹo và đã tiêu thụ 7 tấn. Các đại lý đến mua kẹo, sau đó đưa đến một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền núi phía Bắc, như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái…

Một cơ sở sản xuất bánh kẹo gia công ở xã Minh Khai. Ảnh: Hà Anh.

Hai cơ sở Thanh Xuân, Phong Lan cùng xã Minh Khai cũng thừa nhận với đoàn kiểm tra liên ngành là đã bán gần 2 tấn kẹo mềm có pha bột đá, nhưng chưa biết các đại lý đưa đi tiêu thụ ở đâu. Chủ các cơ sở cho biết, mỗi cân bột đá được mua với giá gần 2.000 đồng. Kẹo bột đá được bán ra thị trường với những nhãn mác như: kẹo đậu đỏ, khoai môn, sữa dừa, Happy wedding…

Một chủ cửa hàng kinh doanh nước giải khát gần cơ sở sản xuất Phúc Thành Khang cho biết, chất lượng kẹo của các cơ sở sản xuất trong xã chưa biết ra sao, nhưng từ nhiều năm nay người dân nơi đây không ai dám ăn. Tủ bánh kẹo của nhiều cửa hàng trong xã cũng không bán sản phẩm của xã mình.

Người tiêu dùng cũng cảnh giác hơn với kẹo gia công của La Phù và Minh Khai. Chủ cửa hàng bánh kẹo Hoài Nam (xã La Phù) cho biết, các đại lý đến từ Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn giờ chỉ dám nhập bim bim, bánh nướng, bánh dẻo và bánh quy để phục vụ trung thu năm nay. Các loại kẹo cân không rõ nguồn gốc xuất xứ giờ đã bị tẩy chay.

Nhấc túi kẹo trái cây vỏ màu vàng không ghi địa chỉ nơi sản xuất, chỉ ghi dòng “Kẹo trái cây bốn mùa, thành phần gồm đường sữa, mạch nha…” cất trong góc nhà, chủ cửa hàng Hoài Nam cho biết trước đây các xe về nhập ồ ạt, giờ chẳng có ai. Nói xong, vị chủ quán quay sang khách xởi lởi: “Cứ yên tâm đi, ăn loại kẹo này không vấn đề gì đâu. Không tin, em có thể bóc ăn thử. Có làm sao thì bắt đền chị luôn…”.

Khệ nệ bưng thùng bánh xốp ra ôtô, một dân buôn đến từ Hưng Yên cho biết, sau khi công an phát hiện bột đá trong kẹo, nhiều đám cưới trong huyện chê… kẹo cân.

Các cửa hàng kẹo gia công ở xã La Phù luôn tấp nập. Ảnh: Hà Anh.

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Y tế, Cục cảnh sát môi trường, Cục Vệ sinh y tế dự phòng đã họp xem xét những vi phạm tại 3 cơ sở sản xuất bột kẹo tại xã Minh Khai, Hà Nội. Kết quả kiểm tra của Viện dinh dưỡng cho thấy, hàm lượng bột đá (CaCO3) trong kẹo mềm, một trong những thành phẩm của cả 3 cơ sở này dao động 33-38%. Trong đó, có một sản phẩm kẹo của cơ sở Thanh Xuân có hàm lượng CaCO3 là 11,95%.

Trao đổi với chúng tôi, GS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng nghiên cứu ung thư (Bệnh viện K) cho biết, hiện nay chưa có tài liệu nào công bố ăn bột đá gây ung thư. Nhưng bột đá vào cơ thể sẽ dễ dàng hấp thụ axit trong dạ dày và gây phản ứng hóa học làm viêm loét dạ dày. Ngoài ra, bột đá còn gây hại cho niêm mạc dạ dày, đường ruột.

Theo quy định của Bộ Y tế, CaCO3 là chất phụ gia được dùng trong sản xuất thực phẩm với vai trò điều chỉnh độ axit, nhũ hóa, chống đông vón. Qua kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng và ý kiến của các thành viên trong cuộc họp, 3 cơ sở trên đều vi phạm nghiêm trọng quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ và con người…

Bên cạnh đó, việc cả 3 cơ sở này sử dụng CaCO3 là thành phần không có trong danh mục nguyên liệu đã công bố để sản xuất kẹo là vi phạm quy định và có dấu hiệu phạm tội. Thanh tra Bộ Y tế, Cục cảnh sát môi trường, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm… đã thống nhất chuyển hồ sơ vụ việc sang Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) để tiếp tục điều tra.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Hà Anh (Theo Vnexpress)

Bình luận (0)