Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đời chợ dạo… Bài 2: Chở chợ… chở cả giấc mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân khu chế xuất Linh Trung mua sắm sau giờ tan ca. Ảnh: T.TMặc dù hiện nay UBND TP đã ra chủ trương cấm bán hàng rong trong thành phố, nhưng trên nhiều tuyến đường, trong các ngõ hẻm, khu dân cư, hay trước các khu công nghiệp vẫn cón khá nhiều người bán hàng dạo, với đủ các thứ hàng. Họ không chỉ chở… chợ xuống phố mà còn chở theo cả những kỳ vọng, giấc mơ nhỏ nhoi về tương lai.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

> Đời chợ dạo… – Bài 1: Chở… chợ về xóm trọ

  Mỗi người mỗi chợ 

Ngồi lọt thỏm đằng sau chiếc xe ba gác đạp treo đầy hàng, với quần áo, găng tay, áo đi mưa, kính mắt, khẩu trang, kẹp cài các loại, chị Vân (quê ở Bình Định) vừa gồng mình đạp xe, vừa rao hàng. Lộ trình hàng ngày của chị bắt đầu từ sáng sớm ở những con chợ nhỏ tự phát trên đường Kha Vạn Cân, hay trước chợ Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM), chị nói: “Vì là chợ tự phát nên cũng mấy phen bị “rượt”. Biết việc mình làm là vi phạm quy định của thành phố nhưng hiện nay tôi cũng chưa tìm được việc làm gì khác nên cũng đành…”. Đến gần trưa, khi chợ đã vãn thì chị lại đẩy xe dạo qua các khu dân cư để bán. Buổi trưa, tấp vào một quán cơm bình dân ven đường ăn tạm một miếng rồi lại đạp xe đi bán tiếp, hành trình của chị cứ lòng vòng như thế đến hết ngày.

Cùng bán hàng dạo với chị Vân là chị Nguyễn Thị Bé (28 tuổi, quê ở Tuy Hòa, Phú Yên). Mỗi ngày, trên chiếc xe đạp của chị Bé là những mặt hàng từ rổ rá đến chổi lông gà, chổi tre, chổi nhựa… “Những thứ này tuy cồng kềnh nhưng nhẹ nhàng và dễ bán, lại không sợ bị hư hao gì, cũng không bị khách mua kì kèo trả giá như những thứ khác”. Nói rồi, chị gạt chân chống, dựa xe vào bức tường của một tiệm sửa xe đã đóng cửa ven đường, ngồi bệt xuống lôi trong túi áo ra chai dầu gió, xoa bóp hai chân. Chị bảo đây là vật bất ly thân của chị. Chị bị đau khớp mà lại hay đạp xe, dắt bộ mỗi ngày mấy chục cây số nên chân cẳng tê nhức không chịu nổi…

Vào thành phố gần 5 năm thì đã có hơn 3 năm anh  Mai Quốc Trung, 37 tuổi, quê Hưng Yên  hành nghề bán dạo. Ban đầu anh bán rau củ, trái cây các loại, sau chuyển sang bán giày dép, túi xách, mũ nón cho công nhân. Hằng ngày anh cùng chiếc xe ba gác đạp chở đầy hàng rong ruổi qua các con đường, có hôm cũng dừng lại bán trước những khu chợ tự phát, nhưng điểm “tập kết” chủ yếu của anh thường là trước khu chế xuất Linh Trung vào tầm tan ca của công nhân. Nên trên chiếc xe ba gác đạp của anh lúc nào cũng có thêm tấm bạt ni lông, cứ đến chiều qua trước cổng các công ty là anh lại trải bạt, bày hàng ra đó, nếu hôm nào lực lượng trật tự văn minh đô thị ra tay thì chỉ việc túm hàng lại để trên xe rồi chạy…. Đoạn đường dài khoảng 1km trước con đường dẫn vào cổng chính khu chế xuất Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) từ lâu đã trở thành một cái chợ, một điểm dừng chân chính của những người bán dạo. Điều này đã tạo nên một sự lộn xộn và mất trật tự ở những khu đông dân cư như vậy. Tuy nhiên họ lại là những người cung cấp kịp thời và duy trì phục vụ cho những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của công nhân ở đây từ đồ ăn thức uống đến các mặt hàng tiêu dùng. Đơn giản vì giá cả rẻ hơn những nơi khác, giá các mặt hàng phải chăng, dễ lựa chọn, phù hợp với túi tiền và lối sinh hoạt của công nhân. Chị Quỳnh, công nhân may của Công ty Happy Eagle (khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân, TP.HCM), cho biết: “Suốt ngày mình làm việc trong công ty, lại tăng ca miết, nên đâu có thời gian mà đi ra chợ, hay siêu thị, nhà sách để sắm sửa những đồ dùng cá nhân, sinh hoạt hàng ngày. Thế nên mình thường mua trước cổng công ty vừa tiện, lại vừa rẻ nữa, phù hợp với những người có thu nhập thấp như mình”.

Buôn bán theo kiểu chợ xổm như thế này họ không phải đóng thuế và một số phí như: phí vệ sinh, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, tiền thuê mặt bằng,… chính vì vậy, mới có thể tích cóp được đồng tiền đủ trang trải cuộc sống và gửi về quê mỗi tháng để phụ giúp gia đình, cho con ăn học. Và cũng đồng thời với việc họ chấp nhận mưu sinh trong cái tâm lý lo lắng, bất an, lang thang cả ngày ngoài đường giữa nắng mưa, khói, bụi…

… Củng cố đời con

Phải tới gần 10 giờ đêm khi công nhân đã tan ca về hết thì họ mới dọn hàng về nghỉ. Căn phòng trọ khoảng 9m2 có gác được lợp bằng mái tôn của chị Vân cùng với chị Bé, anh Tú và một người em nữa nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Xí (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Khu này cũng tập trung toàn những người bán hàng dạo, mua ve chai, mà hầu hết là người miền Trung. Mọi người kiểm lại hàng hóa và sau đó xúm lại bên rổ khoai vừa mới luộc. Chị Vân vừa đi chợ lớn lấy hàng về, giờ đang soạn hàng kiểm lại. Chị nói: “Mỗi tháng chị thường qua Chợ Lớn lấy hàng khoảng 2, 3 lần. Qua bển mua với giá sỉ về bán thì mới có lời, cuộc sống bây giờ khó khăn quá em ạ, phải tích cóp tằn tiện lắm mới đủ tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Ở quê cũng đâu làm gì ra tiền ngoài làm ruộng, dệt chiếu, miền Trung lại hay bão lụt,… nên thôi xa gia đình, xa mấy đứa nhỏ vào Sài Gòn tìm việc may ra mới lo nổi cho tụi nó được đi học với người ta”. Ngoài quê chồng chị là thương binh, mất sức lao động mà phải lo ba sào ruộng với hai đứa nhỏ, một đứa học lớp 9, một đứa học lớp 5. Đầu năm học vừa rồi chị phải dành dụm tiền gửi về cho con sắm sửa quần áo, cặp sách và lệ phí đến trường, “mình có mệt một tí cũng không sao, chỉ tội hai đứa nhỏ ở nhà không được mẹ chăm sóc…” chị Vân than thở. Không biết là vì mệt sau một ngày đi bán rồi đi lấy hàng, hay vì nhớ nhà, nhớ con mà thấy mắt chị ươn ướt…

Hoàn cảnh của chị Bé thì khác, là chị lớn trong gia đình với hai đứa em trong tuổi ăn học, bố bị tai biến nằm liệt một chỗ, mẹ ở nhà suốt ngày vừa chăm chút cho bố vừa chăm vườn rau, nuôi gà và mấy sào ruộng. Mẹ chị cũng đã có tuổi nên đau ốm luôn, chị theo người quen vào Sài Gòn kiếm việc, ban đầu vào làm công nhân học việc cho công ty may, nhưng lương thấp, chị lại theo chị Vân sắm chiếc xe đạp rồi bán hàng dạo, tối về chị nhận hàng của mấy công ty may tư nhân về làm, cắt chỉ, kết nút, kết cườm để kiếm thêm tiền. Cố gắng làm như thế mà mỗi tháng cũng chỉ được hơn một triệu rưỡi, không đủ lo cho gia đình, buồn hơn là em Tú phải bỏ học vào Sài Gòn đi làm phụ chị. Vào đây rồi Tú cũng chỉ biết đi phụ hồ, bán băng đĩa dạo. Bây giờ chỉ còn mỗi bé Hạnh là được đi học. Tôi quay sang Hạnh đang chăm chú phụ chị kết cườm, Hạnh tâm sự: “Nhiều lúc thấy anh chị vất vả quá em cũng muốn bỏ học đi kiếm việc nhưng cả nhà nhất quyết không cho, bảo có cực thế nào cũng phải cố học, hai anh chị có thể lo cho em được”. Bây giờ Hạnh đã là sinh viên năm cuối của khoa Kế toán của Trường Cao đẳng Tài chính Kế toán 4 (Cao đẳng Tài chính Hải quan). Hạnh bảo mong sớm ra trường kiếm được việc làm để nhà đỡ vất vả…

Gia đình của anh Mai Quốc Trung (quê ở Hưng Yên) cũng khó khăn không kém. Nhà anh quá nghèo, vợ anh vào Sài Gòn theo một đường dây ra nước ngoài đi xuất khẩu lao động rồi bặt vô âm tín, không thấy liên lạc gì về nữa. Còn anh ở nhà làm thân gà trống nuôi con, ở nhà cũng không làm gì ra tiền, tù túng, nhớ vợ, thương con không có mẹ, anh quyết định vào Sài Gòn tìm việc làm và tìm vợ của mình. Tới bây giờ cũng hơn 5 năm anh sống ở đất Sài Gòn, trầy trật với đủ thứ nghề rồi mới quay qua bán hàng dạo, anh nói: “Kể ra đàn ông con trai mà đi bán hàng dạo thế này cũng bất tiện lắm, nhưng được cái tự do, mỗi khi nhớ con quá thì nghỉ bán mấy hôm về thăm cho đỡ nhớ. Được cái hai đứa nhỏ ở nhà cũng ngoan và học giỏi lắm”. Bao nhiêu thời gian ở cái đất Sài Gòn này là bấy nhiêu thời gian anh bươn chải đủ thứ nghề để kiếm được đồng tiền gửi về cho hai con ăn học. Anh bảo phải ráng lo cho chúng được học hành để sau này cuộc sống tốt hơn bố mẹ chứ.

Như Sương

Bình luận (0)