Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Luyện thi đại học cấp tốc vào mùa: bài 2: Bát nháo ở các lò luyện…

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh đang ngồi chờ để vào học ở Trường Nông lâmHiện nay, khi mà kỳ thi tốt nghiệp phổ thông kết thúc, cũng là lúc các trung tâm luyện thi “chạy nước rút” cùng với sĩ tử. Các trung tâm luyện thi cấp tốc (LTCT) nở rộ, với nhiều khóa học được mở ra đan xen nhau. Năm nay, thí sinh đổ về ghi danh tại các trung tâm ở vùng ngoại thành khá đông.

Cháy lớp luyện thi khối A

“Nhanh chân không là hết chỗ”, người mướt mồ hôi vì phải chen lấn ghi danh, Nguyễn Văn Toàn (Tây Ninh) thở phào nhẹ nhõm nói với chúng tôi khi thoát khỏi dòng người tại trung tâm LTCT thuộc Trường ĐH SPKT. Còn một tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh nên  lượng thí sinh từ các tỉnh đổ về thành phố ôn thi cấp tốc ngày một đông, nhất là các trung tâm LTCT ở ngoại thành, nơi tiếp giáp với các tỉnh như Thủ Đức, ngã tư An Sương…

Sáng 4-6, tại Trường ĐH Nông lâm, chúng tôi ghi nhận điểm ghi danh LTCT ở đây rất nhộn nhịp, lượng thí sinh đến đăng ký học tăng theo tỷ lệ thuận với thời gian. Do lượng thí sinh đăng ký thì đông, trong khi khoảng trống để ghi danh chỉ là một ô cửa sổ, nên thí sinh phải chen lấn, xếp hàng chờ đợi phía sau rất nhốn nháo. Nhân viên ghi danh liên tục hỏi thông tin, vừa ghi biên lai không ngớt tay. Mới gần 9 giờ sáng, hai xấp biên lai đã được xé cho thí sinh gần hết. Trung tâm mở ba khối A, B, D, nhưng khối A chiếm gần nửa số thí sinh đến đăng ký. Sĩ tử Trần Huyền Trang (Đồng Nai) vừa cầm biên lai đi nhận tài liệu học cho biết: “Nghe bạn bè nói ôn ở thành phố “chắc” hơn, nên em lên thành phố được ba ngày cùng với hai cô bạn, nhờ các anh chị sinh viên tìm được phòng trọ, nay đến đây đăng ký học khối A, tiện thể đăng ký khối D cho bạn luôn”. Hết đợt thí sinh này ra, thí sinh khác lại tới, cùng với những thí sinh đang ngồi chờ  đến giờ vào học (thí sinh đã đăng ký học từ 1-6) nên trung tâm rất huyên náo. Đông nhất vẫn là những thí sinh ở gần thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu…

Dù đến gần 10 giờ trưa, nhưng tại điểm ghi danh LTCT thuộc Trường SPKT vẫn còn nhiều thí sinh đến đăng ký. Tuy nhiên có không ít thí sinh thất vọng ra về khi  được cô nhân viên ghi danh cho biết là khối A đã hết lớp từ hôm qua, chỉ còn khối D. Tuy nhiên cô cũng cảnh báo “Nếu không đăng ký bây giờ, xem chừng không có lớp để học, vì chỉ còn ít chỗ”. Lượng thí sinh đến đăng ký vẫn còn tiếp tục kéo tới, trong khi suất học đã hết, nhiều thí sinh “vò đầu bứt tóc” không biết đi đâu để tìm nơi học. Nhiều thí sinh gặng hỏi nhân viên, “những ngày tới có mở thêm lớp không”, cũng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn “không biết”. Em Nguyễn Trung Nghĩa (Vũng Tàu) giãi bày: “Nghe chị em chỉ đến đây ôn khối A, nhưng bây giờ hết lớp, không biết tính sao nữa. Ôn thi Trường Nông lâm thì xa quá vì em ở trọ gần đây”. Nhiều thí sinh không đăng ký khối A được ở Trường SPKT, đành phải đến trung tâm Nguồn Sáng (số 1 Đặng Văn Bi – Thủ Đức) để ghi danh. Và tại đây, lượng thí sinh cũng không hề thua kém các trường khi số lượng đăng ký ngày một đông, dù học phí có cao hơn so với hai điểm học trên (học phí 780 ngàn đồng cho một khóa học).

Chất lượng của “cấp tốc”?

Dù được phát lịch học, nhưng nhiều thí sinh tại trung tâm LTCT Trường Nông lâm, vẫn bị “hỏa mù” không hiểu, đành phải hỏi lại nhân viên ghi danh rồi ghi cẩn thận vào giấy mới biết. Bởi lịch học được xếp theo giờ và phòng học đan xen nhau chứ không theo khối. Ví dụ, đến giờ học môn toán, thì khối B, A, D đều có thể học chung một phòng, chung giờ. Thậm chí lớp đã khai giảng học trước cũng có thể ngồi vào phòng học của khóa sau. Nếu không chú ý là nhầm buổi, nhầm môn như chơi. Tại ĐH Nông lâm, điểm ghi danh nằm sát tường với các phòng học đã khai giảng trước, thí sinh đến ghi danh, thí sinh ngồi chờ vào lớp cứ nháo nhào, khiến nhiều sĩ tứ trong phòng học không thể tập trung để học.

Về phòng học ở những trường trên thì khỏi phải nói. Thí sinh đông, trong khi diện tích phòng có hạn, nên nhiều phòng nhét trên 50 người chật ních. Có nhiều thí sinh phải ngồi sát với cửa ra ngoài dù cố gắng lắm chỉ nghe câu được câu mất. Còn giáo viên giảng bài thì cứ “thao thao bất tuyệt” một mình độc diễn, nghe không mặc bay. Hết giờ thầy về. Có chán nghỉ học cũng không biết phải làm sao vì đã lỡ đóng tiền để học. Thí sinh Mạnh Hùng đang học tại SPKT bày tỏ: “Nếu muốn ngồi bàn đầu cho dễ tiếp thu bài thì phải đi thật sớm, đến muộn phải ngồi cuối lớp. Dù giáo viên có giảng bằng micro nhưng vẫn khó nghe, bởi ai nghe được thì nghe, ai không nghe được thì ngồi “tám”.

Một điều dễ nhận thấy là không chỉ có học sinh các tỉnh, mà ngay cả học sinh thành phố cũng đến với “lò luyện” cấp tốc như một phong trào. Em Trần M.H (Q.9) kể: “Thi tốt nghiệp xong, ở nhà cũng khó ôn tập nên em xin ba mẹ đến trung tâm luyện. Và nghe các anh chị đi trước nói đến trung tâm để tổng hợp lại kiến thức cho chắc hơn”. Không biết các sĩ tử có “ôn luyện” được gì từ những phòng học đông người, ồn ào như thế khi mùa thi đã đến gần. Nhưng chắc chắn các trung tâm thì “ăn nên làm ra” và chừng nào còn có thí sinh đến luyện thi thì chừng đó các trung tâm vẫn còn “bé”’.

Nguyên Hảitc "Nguyeân Haûi"

Bình luận (0)