Nguyễn Tấn Hiền trên xe lăn |
Chỉ còn một ngón tay cử động, song Nguyễn Tấn Hiền đã làm nhiều người phải bái phục vì tài vẽ tranh của mình.
Sáu năm trước, đường đời dường như rộng mở với Nguyễn Tấn Hiền (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk). Khi vừa xuất ngũ, anh đã thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đăk Lăk, nào ngờ, học được đúng 26 ngày, thì tai họa đã ập tới. Hiền vẫn còn nhớ cái ngày định mệnh đó.
Số phận nghiệt ngã
Khoảng 20 giờ đêm ngày 27-10-2002, từ nhà, Hiền đạp xe lên trường. Trên đường đi, có hai xe tải qua mặt nhau, nhưng do đường hẹp nên hai chiếc xe kia đã ép xe đạp của Hiền văng vào lề, anh lọt thỏm xuống hố ga. Được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, nhưng chấn thương quá nặng (gãy cột sống cổ) Hiền phải chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn). Từ một chàng trai khỏe mạnh, trong phút chốc, Hiền trở thành người tàn tật, chân dần teo tóp. Chín ngón tay cứng đơ, chỉ còn một ngón trỏ của bàn tay phải là cử động, co duỗi được. Về quê với thân hình tê dại, Hiền tâm sự: “Nhiều lúc muốn chết đi để giảm gánh nặng cho mẹ già. Nhưng cuối cùng, vẫn không thể vì mình nghĩ làm vậy không phải là thương mẹ”. Anh nằm nhà suốt ba năm. Một ngày kia, có đoàn từ thiện đến thăm và đưa Hiền đến điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (phường Mỹ An, Ngũ Hành Sơn). Đó là năm 2006. Hiền nhớ lại: “Lần đầu đến Đà Nẵng, đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ lòng cứ thao thức mãi. Mong sao mình có thể đi đứng bình thường để chạy ào vào lòng biển khơi. Phần vì nhớ nhà, phần vì thương bản thân một mình nơi đất lạ, nước mắt cứ chảy dài”. “Mình bắt đầu vẽ từ năm 2007, ban đầu vẽ bằng bút chì, với những bức tranh phác họa phong cảnh làng quê, mẹ già và những người thân trong gia đình. Chỉ là vẽ để đỡ nhớ nhà mà thôi”. Rồi một ngày, có một người phụ nữ ở nước ngoài hoạt động từ thiện đến thăm bệnh viện. Bà ta bỏ tiền mua một vài bức tranh, như để động viên nghị lực của Hiền. Sau đó, bà kể hai câu chuyện về đất nước và sự đùm bọc yêu thương của một gia đình, rồi yêu cầu Hiền “chắt lọc chi tiết đắt giá” vẽ lại bằng tranh. Nhìn hai bức tranh của Hiền, bà ưng ý ngay và còn cho biết Hiền sẽ chiến thắng được bệnh tật nhờ vào “nghiệp” cầm cọ. Có được chút tiền bán tranh cho bà, Hiền nhờ người mua khung, mua vải, mua hộp màu… rồi cặm cụi vẽ. Những bức tranh đủ cỡ, màu sắc tươi sáng lần lượt ra đời từ “xưởng” vẽ vốn là nơi Hiền nằm điều trị trong bệnh viện.
Tình yêu tiếp thêm nghị lực
Hiền kể: “Mỗi lần vẽ xong, mình thử đưa tranh vào Hội An và vài điểm bán tranh tại Đà Nẵng nhờ người ta bán giúp. Mình rất vui khi số lượng tranh bán ra cũng kha khá. Tại Hội An bán được 6 bức, ở Đà Nẵng được 3 bức. Chưa kể một số người đến bệnh viện thăm thân nhân cũng đã mua tranh của mình”. Nhưng niềm vui này, theo Hiền cũng “bình thường” so với niềm hạnh phúc lớn mà anh có được từ tình cảm chân thật của một người con gái. Đó là chuyện tình đẹp như cổ tích giữa cô kỹ thuật viên phục hồi chức năng Nguyễn Thị Lý với “chàng họa sĩ” tật nguyền này. Năm 2006, Lý vào bệnh viện thực tập, tiếng sét ái tình từ đó dội xuống hai trái tim trong trẻo và tình yêu đến với hai người nhẹ nhàng song cũng đầy trắc trở từ đây. Khi nghe tin con gái mình yêu một người tàn tật, gia đình Lý cấm đoán và buộc cô phải chấm dứt ngay mối tình bởi theo họ, nếu tiếp tục “chỉ có khổ cho con mà thôi”. Thế nhưng, suốt 3 năm qua, hai người vẫn tìm đến với nhau. Mỗi ngày, sau giờ làm việc, Lý đều cố thu xếp thời gian “chạy” qua bệnh viện nơi “chàng” điều trị thăm nom một tí rồi về. “Chứ bản thân mình, đi tiêu, đi tiểu còn vất vả, muốn di chuyển phải nhờ xe lăn làm sao đến nhà thuê của người yêu được. Trừ ngày mưa to gió lớn, Lý mới không đến” – Hiền trải lòng.
30 tuổi, chỉ với một ngón tay cử động, nhưng niềm tin và nghị lực vẫn bùng cháy rạng ngời trong đôi mắt sáng của Nguyễn Tấn Hiền.
Bài, ảnh: Điền Gia
Từ tấm gương vượt qua số phận của bệnh nhân Nguyễn Tấn Hiền, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định chọn Hiền làm “chuyên gia tâm lý” mỗi khi có bệnh nhân mới nhập viện nhằm động viên, khích lệ để họ sớm vượt qua bệnh tật, trở thành người sống có ích, có lý tưởng. |
Bình luận (0)