Ông Nguyễn Thanh Vân cùng con diều rồng dài 100m (dài nhất Việt Nam) |
60 tuổi đời, ông đã có 53 năm lăn lộn với con diều, thăng trầm cùng thú chơi tao nhã này và cố giữ lại những nét văn hóa cho diều Việt. Ông là nghệ nhân dân gian Nguyễn Thanh Vân.
U70 với trò chơi con trẻ
Tuy mái tóc nay đã lốm đốm bạc nhưng suốt ngày ông Vân vẫn “vui chơi” với những cánh diều. Ngắm bộ sưu tập diều với nhiều gam màu sặc sỡ, ông vui vẻ kể lại: “Tôi biết chơi diều từ năm lên bảy, lúc đầu thì nhờ người anh làm, sau đó tự làm lấy để rồi mê nó luôn, không dứt ra được”. Từ đó, chiều nào ông cũng mê mẩn, chạy lon ton khắp phố Sài Gòn và lớn lên, già đi cùng những cánh diều “mơ ước”. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, lưới điện giăng dày đặc, nhà cao tầng mọc lên san sát, cái khoảng không gian dành cho việc thả diều ắt hẳn sẽ hẹp lại, nhưng không vì thế mà cái “máu” mê diều trong ông ngừng chảy. Ông tìm đến các vùng ven, ngoại thành để tiếp tục theo đuổi thú vui của mình. Rồi cũng như duyên số, năm 2000, ông cùng một số bạn chơi diều thành lập nên Câu lạc bộ diều Phượng Hoàng do Trung tâm Văn hóa Thông tin Q.8 làm chủ quản. Thế là từ đó, ông đã có nơi để “đi về”.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: “Đừng nghĩ có tiền là có thể chơi diều được. Bỏ tiền ra mua nhưng không biết điểm yếu, điểm mạnh của con diều, không biết lựa hướng gió để thả thì coi như không”. Để có được một con diều sặc sỡ tung bay trên bầu trời xanh cao, người thợ, người chơi phải trải qua nhiều công đoạn khó khăn, vất vả. Trước tiên phải mua tre về vót, chuốt sao cho đều để cánh diều không bị nghiêng khi thả, tiếp đó sẽ đến công đoạn dán vải dù và trang trí diều. Và nét độc đáo nhất chỉ có ở diều Việt Nam đó là sáo, sáo được gắn trên thân diều, khi diều bay lên sẽ tạo ra những âm thanh trầm bổng nghe rất vui tai.
Ông hồ hởi nói tiếp: “Sắp đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội rồi, tôi và các anh em cũng đã làm một dây diều dài 1.000m với 320 con diều được gắn trên đó”. Nói đến đây ông cười thật tươi, nụ cười của một công dân Việt đã góp phần nhỏ bé vào kỷ niệm 1.000 năm văn hiến.
Đưa diều vào… trường học
“Nhìn các cô cậu nhỏ bây giờ chỉ biết lia ngón tay trên bàn phím, dán mắt vào màn hình máy tính để thỏa sức chơi điện tử, chơi trò chơi trực tuyến, tôi rất buồn” – ông Vân nói. Quả đúng như vậy, không ít bạn trẻ bây giờ thích lao vào các trò chơi bạo lực, vô bổ trên máy tính; có ít, rất ít những cô, cậu học trò thả tuổi thơ theo cánh diều no gió. Với mong muốn gìn giữ thú vui tao nhã mang đậm tính trẻ thơ, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân đã cho ra đời kế hoạch Đưa diều vào trường học. Với dự án này, ông đã có được những thành công ban đầu khi kết hợp với các trường để dạy các em làm diều trong môn kỹ thuật. Nhìn các cháu nhỏ chạy quanh sân trường kéo những con diều tự tay làm được, ông sung sướng nói: “Như vậy là tụi nhỏ vẫn còn thích, còn mê chơi diều, điều đó chứng tỏ sẽ có những lớp kế cận cái thú vui tao nhã này”. Cứ đến dịp hè, câu lạc bộ của ông Vân sẽ kết hợp với các trường mở các lớp dạy làm diều, chơi diều để tạo sân chơi bổ ích cho các em HS và giúp các em phát huy những kỹ năng, năng khiếu của mình. Hiệu quả của hoạt động này đã thấy rõ nhưng ông Vân vẫn còn băn khoăn khi sân chơi cho thú vui này gần như không có, mà trẻ thơ thì thích thực hành hơn là học lý thuyết, đưa đi thả diều vài lần là mê ngay. Ông ước sao thành phố có những khoảng đất trống để ông và tụi nhỏ được thỏa thích chạy nhảy, ngắm nhìn những cánh diều bay vút lên trời xanh.
Nhìn những tấm bằng khen, kỷ niệm chương của ông Vân và Câu lạc bộ diều Phượng Hoàng, chúng tôi mong sao những cánh diều của ông ngày càng bay cao, bay xa mang theo những điều tốt đẹp đến với mọi người. Anh Nguyễn Vinh Quang – Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa Q.8 cho biết: “Chú Vân là người rất nhiệt tình, sáng tạo và nhất là đam mê chơi diều. Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa Q.8 thì từ khi chú Vân kết hợp với trung tâm mở CLB diều Phượng Hoàng đã thu hút được rất đông trẻ em, thanh, thiếu nhi đến tham gia. Không những vậy, chú còn có ý tưởng đưa diều vào trường học, đó là một ý tưởng rất hay và ý nghĩa và bước đầu đã khá thành công”.n
Bài, ảnh: Công Luận
Mấy chục năm trong nghề, ông Vân đã tham gia không biết bao nhiêu Festival, hội thi diều trong nước, quốc tế và đạt rất nhiều giải thưởng, nhưng điều ông tâm đắc nhất vẫn là: “chơi diều để tâm hồn sảng khoái, để giữ lại chút văn hóa truyền thống cho con cháu đời sau”. |
Bình luận (0)