Hội nhậpThế giới 24h

Thái Lan: Dự luật gây tranh cãi

Tạp Chí Giáo Dục

Dự luật sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ Thái Lan do đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền chủ trì vừa bị đình trệ sau khi Tòa án Hiến pháp nước này ra phán quyết bác bỏ vì có đơn khiếu nại cáo buộc rằng, việc sửa đổi Hiến pháp là âm mưu lật đổ Hoàng gia.

Tranh cãi nổ ra sau khi đảng Dân chủ đối lập (DP) và 4 cá nhân nghi ngờ tính hợp pháp trong hành động của chính phủ cũng như việc liệu Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền cấm Quốc hội (QH) thảo luận về sửa đổi Hiến pháp hay không?

Quốc hội Thái Lan phải hoãn họp vô thời hạn do lực lượng “áo vàng” biểu tình.

Tranh cãi trên bùng phát sau những bất đồng liên quan đến dự thảo Dự luật hòa giải dân tộc – vốn bị phe đối lập cáo buộc là tạo điều kiện cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở lại chính trường. Trước sự phản ứng quyết liệt của hàng nghìn người biểu tình "áo vàng" thuộc Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) ngày 30-5 vừa qua, Chủ tịch QH Thái Lan Somsak Kiatsuranont đã phải hoãn vô thời hạn phiên họp thứ hai về việc bỏ phiếu Dự luật sửa đổi Hiến pháp và thảo luận về 4 dự thảo Dự luật hòa giải dân tộc.

Dự thảo Dự luật hòa giải dân tộc do tướng Sonthi Boonyaratgalin – người đứng đầu cuộc đảo chính năm 2006 và hiện là thủ lĩnh đảng Matubhum đệ trình với chủ trương ân xá cho tất cả tội phạm chính trị, trong đó có cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ năm 2006 cũng như những người đứng đằng sau vụ giết 92 người trong cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" năm 2010. Ngay sau đó, các nghị sĩ đảng Puea Thai cầm quyền lần lượt đệ trình 3 dự luật riêng rẽ nhằm bổ sung vào dự luật của tướng Sonthi với hy vọng sẽ hàn gắn những chia rẽ trong xã hội Thái Lan. Tuy nhiên dự luật đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đảng đối lập, nhất là DP cũng như các thành viên phe "áo vàng". Thủ lĩnh của DP – Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho rằng, Dự luật hòa giải sẽ tạo ra sự chia rẽ nghiêm trọng về chính trị và xã hội. Tất cả các đảng phái chính trị trước đó đã nhất trí hòa giải thông qua các diễn đàn thảo luận cởi mở chứ không phải từng bên đệ trình dự luật riêng để lựa chọn. Nhấn mạnh rằng dự luật sửa đổi Hiến pháp và 4 phương án về Dự luật Hòa giải dân tộc không nằm ngoài mục đích ân xá cho cựu Thủ tướng Thaksin về nước sau hơn 5 năm lưu vong ở nước ngoài, DP khẳng định ông Thaksin là nguyên nhân của mọi xung đột và chia rẽ xã hội. Việc hòa giải dân tộc là điều cần thiết nhưng không được soạn thảo bất cứ dự luật nào có nội dung xóa tội cho ông Thaksin.

Ngay sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra yêu cầu QH phải ngừng việc xem xét dự thảo Dự luật hòa giải dân tộc và bỏ phiếu Dự luật sửa đổi Hiến pháp, đảng Puea Thai cầm quyền đang tích cực tập hợp chữ ký của các nghị sĩ để kiến nghị Chủ tịch QH mở lại phiên thảo luận về hai dự luật quan trọng này. Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho rằng, họ đã đúng khi vận dụng Điều 68 và 291 trong Hiến pháp để đưa ra yêu cầu QH ngừng họp, trong khi các nghị sỹ Puea Thai chiếm đa số trong QH cho rằng Tòa án Hiến pháp đã lạm quyền và QH không sai khi tiếp tục nhóm họp. Tình cảnh trớ trêu này khiến

Chủ tịch QH Somsak phải chịu sức ép về việc QH nước này có hay không họp tiếp vào hôm nay (8-6). Nếu tiếp tục triệu tập họp QH, ông Somsak sẽ sai khi chống lệnh của Tòa án Hiến pháp, nếu không triệu tập họp QH ông sẽ vi phạm Hiến pháp với tư cách là Chủ tịch Hạ viện kiêm Chủ tịch QH.

Đình Hiệp (HNM)

Bình luận (0)