Bất chấp việc qua đường khó khăn, nguy hiểm và trái luật, người dân vẫn ngại đi qua hầm đường bộ vì nhiều lý do, trong đó có một lý do là… muốn đi cũng không đi được vì hầm đã bị chiếm dụng làm việc khác.
Để xây dựng một hầm bộ hành, Nhà nước phải đầu tư công-của không hề nhỏ. Tính riêng trên đoạn đường từ Khuất Duy Tiến đến ngã tư Phạm Hùng – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu – Phạm Văn Đồng (Hà Nội) đã có trên 10 hầm đường bộ. Tuy nhiên, 6 năm kể từ khi hoàn thành (năm 2003), đến nay chỉ có 3-4 đường hầm được người dân sử dụng.
Tại ngã tư Phạm Hùng – Trần Duy Hưng, hầm đường bộ được dùng làm… hố rác. Mùa mưa, mùi hôi thối từ con hầm bốc lên nồng nặc. Không chỉ thế, hầm còn trở thành nhà vệ sinh “bất đắc dĩ” của những người qua đường và là nơi trú ngụ của các đối tượng tệ nạn.
Nhiều người dân sống gần hầm than nếu cơ quan chức năng không xử lý sớm, hầm sẽ trở thành ổ dịch nguy hiểm. Than là thế nhưng khi có rác không biết vứt đâu, dân lại vứt xuống hầm.
Hầm bộ hành ở ngã tư Phạm Hùng – Hồ Tùng Mậu “may mắn” hơn, được dùng làm “nhà ở”. Người dân thản nhiên dựng lán kinh doanh buôn bán ngay cửa hầm. Phía trong hầm là đủ loại xoong nồi, bát đĩa, giường ngủ, bếp ga… Khi chúng tôi đến cũng là lúc “chủ nhà” đang chuẩn bị bữa trưa.
Ổ điện và đồng hồ đo điện của "gia chủ" gắn ngay cửa hầm.
Văn Chương (dantri)
Bình luận (0)