Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Một ngày ở “phố đàn”

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Hồng ráp đàn guitar tại hiệu đàn của mình

Đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM) có chiều dài chưa đầy 1km, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến Điện Biên Phủ. Trong đó, “phố đàn” (PĐ) dài khoảng 150m, từ ngã tư Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Thị Minh Khai với gần 30 hiệu đàn lớn nhỏ. Nơi đây không chỉ làm và sửa chữa các loại đàn mà còn là điểm đến để hàn huyên về nghiệp đàn của các nhạc công.
Đến PĐ, ấn tượng đầu tiên là những dòng quảng cáo thương hiệu đàn được viết tay ngay trên thùng đàn treo lủng lẳng trước gió. Ở đây có nhiều thương hiệu đàn nổi tiếng từ trước thập niên 70 như hiệu đàn Đức Thịnh, nhạc cụ Cung Chiều, Đàn Sài Gòn N2, Ngọc Hồ… Theo người dân sống ở PĐ, từ khoảng những năm 80, ở đây chỉ lác đác vài cửa hàng bán đàn. Con số này đã tăng lên gấp đôi, gấp ba vào những năm sau đó.
“Hồn” của PĐ
Không chỉ làm và bán các loại nhạc cụ, các cửa hàng còn sửa chữa, phục hồi đàn cổ theo yêu cầu của khách. Nghệ nhân ở PĐ nhận đặt làm các loại đàn từ guitar, guitar classic, mandoline, đàn dân tộc, tranh, sáo, kìm, sến, tì bà, cò, gáo…
Có một đặc điểm khá đặc biệt so với các mặt hàng khác là người đứng bán đàn, tiếp khách phải là những người thật sự am hiểu về các loại nhạc cụ này. Nghệ nhân Hồng, chủ hiệu đàn Lạc Hồng cho biết: “Khách của PĐ là những nhạc công tên tuổi, người bán hàng không chỉ am hiểu về nhạc cụ mà ít nhiều phải biết đàn để chỉnh âm thanh. Ngày nay, người đàn giỏi họ đâu có làm việc cho mình nên hầu hết nghệ nhân phải ra cửa hàng vừa làm vừa bán hàng”.
PĐ là địa chỉ quen thuộc của các nhạc công, nhạc sĩ từ không chuyên đến chuyên nghiệp. Hôm ấy, tôi gặp một ông lão râu tóc bạc phơ lang thang ở PĐ. Hỏi mới biết ông đang đi tìm một cây mandoline để làm quà cho người bạn Pháp. Ông cho biết mình tên Thanh Trì, là nhạc công trước giải phóng, từng tham gia ban nhạc đồng quê và chơi nhiều năm ở ngoại ô thành phố Paris, Pháp. “Không phải cần mua gì thì mới đến PĐ mà thỉnh thoảng tôi đến đây để gặp lại những người bạn vong niên để hàn huyên về nghiệp đàn”, ông Trì nói.
Hai bên đường, các hiệu đàn nằm san sát nhau. Diện tích các cửa hàng cũng rất khiêm tốn. Có hiệu đàn chỉ khoảng 20m2, vừa đủ không gian để trưng bày nhạc cụ. Dù chật chội đến mấy, các cửa hàng cũng cố gắng sắp xếp một khoảng trống để nghệ nhân ngồi ráp đàn tại chỗ. Nghệ nhân Lý Hoàng, chủ cửa hiệu nhạc cụ Cung Chiều tâm sự: “Hình ảnh nghệ nhân ngồi ráp hoặc sửa chữa đàn tại cửa hàng là cái “hồn” của PĐ. Cũng như đến đây, thấy những chiếc đàn treo lủng lẳng trên đầu nhưng không hề gây vướng víu cho người bộ hành, càng không ảnh hưởng đến không gian vỉa hè. Có chăng là các ông Tây cao to nhưng cũng không làm họ khó chịu, nhiều ông còn thích chí đứng lại khảy khảy vài cái mới chịu đi. Tất cả những hình ảnh đó đã tạo nên góc PĐ nhẹ nhàng, tĩnh lặng giữa đô thị luôn ồn ào và náo nhiệt”.
Lời tự tình của nghệ nhân
Thử thả bộ qua PĐ, thỉnh thoảng tôi bắt gặp âm thanh nhẹ nhàng, trầm bổng và sâu lắng do khách đến mua và thử đàn. Hay những nghệ nhân trổ tài ngón nghề lúc cao hứng hoặc khi vắng khách. Khách hàng của PĐ không nhiều, cứ bình bình như vậy nhưng không vì thế mà số cửa hàng ít đi. Ngược lại nó càng tăng, tăng đến nỗi cứ vài ba tháng chủ nhà lại thông báo tăng tiền thuê mặt bằng.
Đến PĐ, tôi như đang đến kho tàng nhạc cụ vô cùng phong phú về chủng loại. Những ai muốn biết về nguồn gốc, xuất xứ các loại nhạc cụ, từ nhạc cụ dân tộc đến nhạc cụ Tây phương, các nghệ nhân PĐ sẵn sàng hầu chuyện hàng giờ. Lúc cao hứng, bạn cũng được nghệ nhân đàn tặng một bản romance lãng mạn hay một bài flamenco vồn vã, sôi động. Có thể nói, tôi là người may mắn khi được nghệ nhân Phương Trinh tặng một bản nhạc. Nói thế vì đã hơn 30 năm rồi, nghệ nhân Phương Trinh chỉ có “hứng” đàn hát một mình lúc nửa đêm, khi đã nạp vài ly rượu. Ông vừa đàn vừa nhảy điệu pasodop một mình giữa sàn nhà bề bộn đồ nghề. Ông dừng đàn khi vừa chuyển sang điệp khúc. Đưa tay vuốt mái tóc lốm đốm bạc, dài tới vai và bồng bềnh rất ư nghệ sĩ, giọng trầm ngâm: “Cũng vì đam mê đàn hát mà tôi đã đánh mất gia đình mình. Chán nản, tôi nói lời tạm biệt đất nước Nga về Việt Nam mở cửa hiệu đàn”. Nghe ông kể đến đây, ít nhiều tôi đã hiểu vì sao ông có “bệnh” đàn hát một mình lúc nửa đêm từ 30 năm qua. Dường như ông muốn giải tỏa điều gì đó chất chứa trong lòng. Ông còn “đề nghị” được tặng tôi bài Đôi bờ, lời Việt của bản nhạc nổi tiếngđến từ nước Nga xa xôi. Nghe ông đàn hát, người đàn ông trung niên bán vé số đi ngang qua cũng dừng lại làm khán giả bất đắc dĩ. Người này kể: “Một chiều mưa, tôi đi bán về ngang PĐ, văng vẳng bên tai tiếng đàn bản Nỗi buồn gác trọ từ trong một hiệu đàn bên kia đường mà thấy lòng nặng trĩu”.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Nhiều năm trước, làm và sửa chữa đàn là nghề “cha truyền con nối” nhưng gần đây dường như không còn. Nghệ nhân Hồng phân trần: “Tuổi trẻ bây giờ có điều kiện học hành cao, chạy theo các ngành nghề thời thượng, hiếm có ai theo nghề tỉ mẩn, lắm công phu của cha ông. Không chừng hết đời bố nghề lại bị mai một”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)