Thầy Đỗ Minh Hoàng Đức hướng dẫn học sinh và giáo viên dạy khiếm thị tại Mái ấm Nhật Hồng sử dụng phần mềm Vui học mầm non |
Khi được hỏi tại sao lại từ chối nhiều lời mời làm việc ở các công ty nước ngoài với mức lương hàng ngàn USD/ tháng, thầy Đức cười hiền: “Tôi lỡ thương học trò khiếm thị rồi, đi sao đành. Hơn nữa, ai cũng nghĩ đến thu nhập cao thì ai ở lại chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh?”.
Trong mắt học trò Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu – TP.HCM, thầy Đỗ Minh Hoàng Đức không chỉ là một người thầy đáng kính mà còn là một người anh, người bạn luôn hết lòng vì người khác.
Từ chối hàng ngàn USD/ tháng…
Người thầy giáo khả kính ấy vừa bước qua tuổi 35. Thầy Đức tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Có trong tay chứng chỉ kỹ sư hệ thống máy tính – Microsoft Certifield Systems Engineer (MCSE) loại giỏi, con đường đến với ngành công nghệ thông tin luôn rộng mở với thu nhập hàng ngàn USD/ tháng nhưng thầy Đức quyết chọn nghề dạy học. Với thầy, đó là một quyết định hết sức… tình cờ. Về trường năm 1997, thầy được phân công phụ trách dạy tin học cho học sinh khiếm thị chuyên biệt và hòa nhập bậc THCS tại Truờng Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Những ngày đầu về trường, thầy Đức đã đối mặt biết bao nhiêu khó khăn. “Mọi thứ với tôi đều ngỡ ngàng, mới mẻ. Lúc ấy, trong đầu tôi trống rỗng, chưa có một chút hiểu biết gì về người khiếm thị. Muốn dạy được phải tìm hiểu, khám phá và hòa mình vào thế giới của người khiếm thị. Không ngờ rằng mình thích nghi với môi trường giáo dục ở đây nhanh đến thế. Khi xung quanh mình trở nên bình thường cũng là lúc cảm nhận được học trò là một phần máu thịt của mình. Mình không thể nào đi đâu được nữa”, thầy Đức chia sẻ.
Mỗi ngày đến lớp là một niềm vui. Tiếp cận với trẻ khiếm thị là giai đoạn chuyển sang một bước ngoặt mới trong cuộc đời của một thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết. Mặc cho bao lời dị nghị, chê bai từ bạn bè, người thân rằng “hết việc rồi sao mà chui vào một môi trường chỉ toàn là bóng tối”. Thầy vẫn bỏ ngoài tai, âm thầm làm tốt công việc mà mình đã chọn. Thầy nói: “Với tôi hạnh phúc đơn giản là được ngày ngày ở bên các em”.
Lập gia đình, trách nhiệm của người thầy và bổn phận của người chồng, người cha thầy vẫn lo chu toàn. Với niềm đam mê công nghệ thông tin cũng như tình thương bao la dành cho người khiếm thị, những phần mềm, sản phẩm hữu ích cho người khiếm thị luôn được thầy đặt lên hàng đầu. Đưa ra ý tưởng rồi lên kế hoạch thực hiện, khi phần mềm hoàn thành thầy liên hệ với các mái ấm, hội người mù để tổ chức chương trình tập huấn và đưa phần mềm vào ứng dụng. Phải làm như vậy để phát hiện những lỗi, nhược điểm để khắc phục. Tôi có dịp đi cùng thầy đến Mái ấm Nhật Hồng (Q.Thủ Đức). Đó là lần thầy tổ chức tập huấn cho phụ huynh và giáo viên sử dụng phần mềm Vui học mầm non. Có chứng kiến thầy làm việc quên giờ giấc mới thấy hết cái tâm trong sáng của thầy dành cho người kém may mắn. Hôm ấy nhìn những đứa trẻ khiếm thị tay dò dẫm lên bàn phím, tai lóng ngóng nghe âm thanh phát ra từ chiếc loa vi tính, cười khoái chí tôi cũng vui lây. Thấy vậy, thầy cười, nói: “Thấy các em thích thú như vậy mình không thể không làm. Niềm vui của người khiếm thị là động lực để mình làm việc nhiều và ngày càng tốt hơn nữa”.
Không thể kể hết bao khó khăn khi thực hiện một phần mềm hay sản phẩm. Khó và mất thời gian nhất vẫn là khâu “đi thực tế” thu tiếng của các loài vật, âm thanh của thế giới tự nhiên… Phần mềm ra đời tốn đến chục triệu nhưng không làm thỏa mãn nhu cầu mà người khiếm thị cần thì cũng vô dụng. Chính vì thế, người thực hiện phải đặt mình trong hoàn cảnh của người khiếm thị để hiểu rõ những khó khăn mà họ đang gặp phải. Lúc sản phẩm chuẩn bị hoàn tất, thầy đều “thông báo” cho người thân như để nhận được từ mọi người sự sẻ chia về mặt tinh thần. Mỗi một phần mềm ra đời, tôi lại thấy thầy gầy đi nhiều nhưng trên khuôn mặt không bao giờ thiếu nụ cười hiền, nhẹ như bóng mây.
Vì người khiếm thị
Chi phí để đầu tư thực hiện là những đồng lương ít ỏi mà thầy dành dụm hàng tháng. Tốn kém là vậy nhưng tất cả các phần mềm của thầy làm ra đều được sao chép và cung cấp miễn phí cho các cơ sở, mái ấm dành cho người khiếm thị. |
Làm thế nào để học sinh tiếp thu kiến thức tin học một cách dễ dàng khi các em khiếm thị chỉ tiếp thu thông tin bằng thính giác và xúc giác? Đó là nỗi trăn trở trong những ngày đầu thầy đến với trẻ khiếm thị. Thời gian ấy, sau những giờ lên lớp, thầy dành hẳn thời gian còn lại để tìm tòi, nghiên cứu tài liệu với mong muốn làm một điều gì đó có ích cho người khiếm thị. Rồi những phát hiện, tìm tòi của thầy xuất phát từ thực tế mà thầy bắt gặp qua sinh hoạt, đi lại của học sinh ở trường mỗi ngày. Một lần đứng ở hành lang trường, một học sinh được mẹ đến đón đi ngang qua bồn hoa. Lúc ấy bác tưới cây vô tình làm văng nước lên người học sinh. Cậu học sinh nói với mẹ: “Trời mưa rồi mẹ ơi”. Người mẹ trả lời con: “Nước tưới cây chứ không phải nước mưa con à”. Học sinh khiếm thị không thể phân biệt đâu là nước mưa, đâu là nước tưới cây. Người mẹ chỉ giải quyết được mỗi câu nói ấy của con, khi gặp những tình huống khác, con cũng nói tương tự. Từ đó, thầy lại thức khuya dậy sớm để thực hiện phần mềm Nhận biết thế giới xung quanh thông qua âm thanh. Đây cũng là phần mềm được ứng dụng rộng rãi sau phần mềm Luyện chính tả cho học sinh khiếm thị.
Đến nay, người khiếm thị trong nước đã có những phần mềm hỗ trợ cho việc đọc màn hình bằng tiếng Việt (duyệt internet, soạn thảo văn bản…). Tuy nhiên, vẫn chưa có phần mềm vi tính hỗ trợ cho việc tiếp cận và tham khảo các tài liệu của bộ môn lịch sử nói riêng và xã hội nhân văn nói chung trong bậc học THCS. Chương trình Vui học lịch sử dành cho người khiếm thị mà thầy cùng cộng sự thực hiện sẽ là một đóng góp nhỏ cho người khiếm thị có thể nghe được âm thanh của các bài giảng, những chuyện kể lịch sử. Năm 2009, phần mềm này đã được gửi tham dự cuộc thi Sáng tạo giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức. Ngoài việc hỗ trợ học sinh mù và nhìn kém học tập môn lịch sử, phần mềm này ứng dụng cho cả học sinh mù và học sinh sáng trong môi trường hòa nhập lẫn môi trường chuyên biệt còn giúp học sinh sáng mắt học môn lịch sử. Giúp học sinh nhìn kém phối hợp tay và mắt nhờ vào việc sử dụng chuột máy tính hoặc phím tắt trong khi thao tác trên máy tính với các công cụ phóng lớn màn hình, thay đổi độ tương phản, âm thanh. Đây là một trong 23 đề tài được Bộ GD-ĐT chọn để tiến hành thực hiện và mở rộng ứng dụng. Phần mềm Vui học mầm non 1.0 cũng đã thuyết phục được Ban tổ chức và giành giải nhất cuộc thi Làm đồ dùng dạy học toàn quốc dành cho các trường khiếm thị do Viện Khoa học Giáo dục tổ chức năm 2008. Thầy Đức còn là tác giả của phần mềm Đọc trang web tiếng Việt dành cho người khiếm thị đã đạt giải thưởng Sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tổ chức vào năm 2004. Thầy còn được mời tham gia nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Từ điển và bộ dịch chữ nổi dành cho người khiếm thị” của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Gần 15 năm gắn bó với học sinh khiếm thị, thầy nghiệm ra rằng: “Dạy học cho người khiếm thị không khó mà cái khó chính là người dạy không có cái tâm, thiếu tình yêu thương con người”. Nhiều năm nay, thầy Đức là thành viên chủ chốt của diễn đàn Dạy học intel. Đây là diễn đàn lớn dành cho giáo viên trên toàn quốc mà ở đó các đồng nghiệp có thể chia sẻ cảm xúc, những băn khoăn và phương pháp giảng dạy tốt nhất…
Công sức mà thầy đã dành cho người khiếm thị không hề nhỏ nhưng thầy luôn khiêm tốn, không thích ai ca tụng mình quá lời. “Những gì mình làm cho người khiếm thị là mong xóa được khoảng cách giữa người khiếm thị với người sáng mắt. Đó là làm thế nào để người kém may mắn thấy rằng mình cũng có thể làm bất cứ điều gì mà người sáng mắt đã làm”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Với những cống hiến thầm lặng cho ngành giáo dục nói chung và người khiếm thị nói riêng, năm 2008, thầy Đức là giáo viên trẻ nhất trong 96 gương mặt được bình chọn giải thưởng Võ Trường Toản. Năm 2009, thầy được công nhận là giáo viên tiêu biểu của TP.HCM. Ngoài ra, thầy còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM, UBND TP.HCM, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM và Việt Nam. |
Bình luận (0)