Mộ phần nằm trong khuôn viên hàng trăm m2, thiết kế như biệt thự với cột đá, bình phong… giá hàng tỷ đồng. Các nghĩa trang dành cho "đại gia" đang được nhân rộng ở Hà Nội sau khi thành phố chủ trương xã hội hóa.
Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì, Hà Nội) là nghĩa trang đầu tiên theo hình thức xã hội hóa do Công ty cổ phần Ao Vua đầu tư. Trên quả đồi rộng 20 ha đã phủ kín những ngôi mộ được xây dựng kiên cố. Nhiều mộ ốp đá xanh, lập miếu thờ, bình phong khổng lồ với hoa văn tinh xảo. Gần đỉnh đồi, một khu mộ đang xây dựng hoàng tráng như ngôi chùa.
Trong khi tại khu vực nghĩa trang của thành phố, các mộ phần phải nằm sát nhau, khoảng cách chỉ 40 cm, thì các mộ phần tại khu "đại gia" rất rộng rãi. Từng ngôi nằm trong khuôn viên, có hệ thống cây xanh, thảm cỏ, cổng ra vào, tường bao… như những khu biệt thự. Có khu mộ phần còn được gia chủ xây dựng thêm chiếu nghỉ với đầy đủ bàn ghế. Một số lô đất rộng cả trăm m2 nhưng chưa có mộ nên được xây tường bao như để dành.
Các khu mộ phần đang được xây dựng khá hoành tráng. Ảnh: Đoàn Loan. |
Tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, hằng ngày có khá nhiều người đến tìm hiểu thông tin, giá cả mua đất để dành. Chị Tuyết, một người dân ở phố Lý Thường Kiệt, cho biết mặc dù các cụ trong nhà vẫn khỏe mạnh, song vẫn yêu cầu con cháu đi tìm đất nghĩa trang để chuẩn bị.
"Đất ngày càng ít, giá cả ngày càng tăng nên các cụ không yên tâm. Tôi đã ra xem khu nghĩa trang của thành phố song thấy khá đông đúc, chật chội nên nghiên cứu mua mảnh đất riêng dành cho các cụ", chị Tuyết cho hay.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng ban quản lý Vĩnh Hằng, cho biết nghĩa trang đưa vào khai thác từ năm 2003 với diện tích 20 ha song đến nay đã không còn chỗ trống. Giá đất 18 triệu đồng cho mỗi mộ an táng một lần và 11 triệu đồng cho mộ cải táng (diện tích 1×2 m). Doanh nghiệp bán đất vĩnh viễn cho người dân, còn việc thiết kế, xây dựng là do các gia chủ tự quyết định.
Theo tìm hiểu của PV, thông thường các gia đình mua từ 100 đến 300 m2, giá trị mỗi lô đất dao động 300-500 triệu đồng tùy theo vị trí. Cộng với chi phí xây dựng thì giá trị của những khu mộ này lên đến vài tỷ đồng.
Trong khi đó, theo nhiều người dân xã Yên Kỳ, Vật Lại thuộc huyện Ba Vì, giá đất tại khu vực này chỉ khoảng 60 triệu đồng cho mỗi m2 mặt tiền và chạy dài tới 60-70 m, thấp hơn giá đất dành cho người chết.
Nhiều mộ phần đã được mua trước để giữ đất. Ảnh: Đoàn Loan |
"Mặc dù nghĩa trang Vĩnh Hằng đã hết đất song vẫn có nhiều người hỏi mua. Vì thế chúng tôi đầu tư khu mở rộng với 16 ha, trong đó dành lại cho thành phố Hà Nội 8 ha để tiếp nhận hung táng thay thế nghĩa trang Văn Điển. Diện tích còn lại sẽ tiếp tục bán vào cuối năm", ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng ban quản lý nghĩa trang Vĩnh Hằng, cho hay.
Xu hướng xây dựng công viên nghĩa trang theo hình thức xã hội hóa đang được nhiều doanh nghiệp tham gia. Nhiều dự án nghĩa trang quanh Hà Nội đang triển khai như Thiên Đường (xã Minh Phú, Sóc Sơn), Yên Kỳ mở rộng, Kỳ Sơn – Lạc Hồng Viên (Hòa Bình)… Các nghĩa trang xây dựng theo hình thức xã hội hóa không yêu cầu có hộ khẩu Hà Nội như các nghĩa trang của thành phố.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, nếu trong tương lai, khi nhiều nghĩa trang được xây dựng theo hình thức xã hội hóa thì sẽ gây khó khăn cho người thu nhập thấp và trung bình.
Phối cảnh một khu mộ gia tộc trong nghĩa trang Kỳ Sơn – Lạc Hồng Viên. |
Ông Hoàng Thành Thái, Trưởng ban phục vụ lễ tang Hà Nội, nhận xét, khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nghĩa trang thì họ sẽ thu tiền đất khá cao, người dân phải chi phí hàng chục triệu cho mỗi mộ phần. Do vậy, nghĩa trang vẫn cần được nhà nước đầu tư như một hoạt động công ích, để người dân có thu nhập thấp và trung bình được yên tâm.
Theo một chỉ đạo mới đây của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, các nghĩa trang được đầu tư theo hình thức xã hội hóa phải xây dựng quy chế quản lý, không được lợi dụng dự án để bán đất cho cá nhân tự ý xây dựng không theo quy định. Đặc biệt phải có quy định cụ thể về quy cách mộ chí, đảm bảo công bằng cho mọi người dân có nhu cầu, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người dân, tránh tình trạng tùy tiện trong thiết kế, lãng phí trong sử dụng đất. |
Đoàn Loan (VnExpress)
Bình luận (0)