Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Xóm… ni lông”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày ngày họ vẫn giặt bao ni lông bên “dòng sông chết”

Mặc kệ cho nước sông đen ngòm, hôi thối và những căn bệnh về da, đường hô hấp nhưng họ vẫn miệt mài với công việc của mình để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Đối với họ, dường như để có việc làm nơi thành phố này đã là may mắn lắm rồi, những thứ khác không còn quan trọng nữa.
Cứ vào khoảng 5 đến 9 giờ sáng, hàng chục con người lại cùng nhau ngâm tay, chân của mình dưới dòng nước không thể nào đen hơn được nữa của con sông Vàm Thuật, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM để giặt bao ni lông. Nam có, nữ có và phần lớn họ là những dân nghèo ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh rời quê hương vào thành phố lập nghiệp. Công việc của họ rất đơn giản nhưng cũng rất “hiếm” trong thành phố này – giặt bao ni lông.
Những mảnh đời bên “dòng sông chết”
Đối với nhiều người, bao ni lông cũ, rách là rác rưởi, là đồ bỏ đi, nhưng ngược lại, đó là tiền ăn, tiền học của con cái, là miếng cơm manh áo của những người nghèo khổ chọn thành phố làm nơi để mưu sinh.
Các đôi tay trần thoăn thoắt xé toạc và nhúng chìm các bao ni lông xuống dòng nước đen ngòm rồi nâng lên, giũ giũ vài cái cho ráo nước. Sau đó, họ buộc hai, ba cái bao lại với nhau cho dễ móc lên cái sào để phơi. Các động tác được thực hiện một cách gọn, nhanh mặc kệ cho dòng sông bốc mùi hôi thối. Hầu hết, các loại bao ni lông cũ này được mua lại với giá rẻ từ các xe thu gom rác hoặc các bãi rác thải trong thành phố. Sau đó, họ đem về giặt lại kiếm tiền lời. Chị Hoa, quê ở Thanh Hóa tâm sự: “Tụi tôi sáng phải dậy thật sớm để phơi lại bao ni lông giặt chiều tối hôm qua, sau đó đạp xe ra tận quận Bình Thạnh, quận 12 mua bao ni lông từ mấy xe rác. 11 hay 12 giờ trưa về tới nhà, cả bọn đem ra bờ sông giặt để phơi cho kịp nắng. Phơi xong cũng đã 2 giờ chiều, chúng tôi ăn vội chén cơm rồi đi mua bao ni lông về giặt kẻo tối. Công việc cứ thế quần quật suốt ngày”.
Rời miền quê Vĩnh Phúc xa xôi, vợ chồng anh Nguyễn Văn H., Lê Thị T. vào Sài Gòn lập nghiệp. Ban ngày, anh H. đi phụ hồ còn chị T. thì đi mua bao ni lông về giặt rồi bán lại cho chủ vựa. Bao ni lông trắng đã giặt có giá 10 đến 12.000đ/kg, còn bao ni lông màu thì khoảng 6.000đ/kg. Mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được gần 200 ngàn đồng. Họ vừa làm vừa tích cóp dần dần để có vốn liếng lo cho con ăn học sau này.
Sống được nhờ… bao ni lông
Dọc theo bờ sông Vàm Thuật là dãy căn nhà gỗ chật chội, có phần lụp xụp chứa đầy bao ni lông đã phơi khô chờ đem bán. Những căn nhà ấy được thuê với giá từ 400 đến 500 ngàn đồng/ tháng, tiền điện, nước tính giá riêng. “Chủ yếu là để trú mưa, trú nắng với lại lúc bệnh tật có chỗ mà ngả lưng chứ ở đây nhà nào nhà nấy đều toàn là bao ni lông cả”, anh H. cho biết.
Ở đây, dường như ngày nào người ta cũng mang bao ni lông ra sông giặt rồi đem ra bãi đất trống gần đó phơi, phơi khô thì bỏ vào bao mang đi bán. Do đó, nhiều người vẫn thường gọi xóm trọ này với cái tên quen thuộc – “xóm ni lông”. Mọi hoạt động, cử chỉ của tất cả cư dân ở đây đều gắn với ba chữ “bao ni lông” và tất cả các loại tiền chi tiêu cũng nhờ vào các mớ phế liệu mà họ mua đi bán lại.
Chị T. thật thà: “Thời gian trước tôi cùng chồng đi phụ hồ nhưng sức khỏe yếu nên chuyển sang nghề giặt bao ni lông này. Vừa hôi, vừa nhọc nhưng làm riết cũng quen”. Cô Tâm đang giặt bao ni lông dưới sông, nói với lên: “Nhiều người đủ ăn, con cái của họ có tiền vào đại học cũng nhờ nghề này đấy. Cái nghề này không trở thành tỉ phú nhưng có đồng vào, đồng ra còn hơn ở quê không biết làm gì”.
Vừa bán xong 43kg bao ni lông được 202.000đ, cô Chung vội quay đầu chiếc xe Phượng Hoàng cũ kỹ mang từ quê vào để tiếp tục đi khui hộp xốp. Cô nói: “Nghề này nhọc lắm, có khi 3, 4 giờ chiều mới được ăn trưa. Ai làm không quen sẽ bị ngứa tay, lở chân vì nước sông ô nhiễm, hoặc chóng mặt, hoa mắt vì nắng nóng”.
Gần 1 giờ trưa, giữa cái nắng như thiêu đốt, tôi men theo con đường nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn ra bãi đất trống – nơi mọi người đang phơi bao ni lông. Mặc cho cái nóng “hấp chín”, họ vẫn miệt mài trở mặt, nhồi, cắt tỉa bao ni lông. Thời gian nghỉ ngơi của họ là những giấc ngủ muộn sau một ngày làm việc mệt nhọc. Cứ thế, bỏ qua mặc cảm đời thường, mặc kệ những lời khinh khi, chế giễu, họ cần mẫn làm việc để có tiền cho con ăn học, để chúng không phải ngày ngày giặt bao ni lông bên dòng sông đen ngòm như cha mẹ chúng.
Hoàng Thuận – Tiểu Di
“Xóm ni lông” đã có không ít người “giã từ” để về quê sống với ông bà, con cái. Các phận đời đến rồi đi như mảng bèo trên sông, dạt vào bờ được một thời gian rồi cũng bị con nước cuốn trôi. Cũng không ít người bám víu lại với nghề. Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn điện họ ngồi bên đống bao ni lông cắt cắt, tỉa tỉa những phần xấu để có thể bán “sản phẩm” của mình với giá cao.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)