Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay. Ảnh: T.A |
Ra đời sau Collège Chasseloup-Laubat (1874) và Collège de Jeunes Filles Indigèges (1915), Trường bậc trung học thứ 3 Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký ra đời dưới sự quản lý của chính quyền thuộc địa Nam Kỳ tại Sài Gòn.
Vì sao có tên Trường Petrus Ký?
Kiến trúc sư người Pháp Hebrard de Villeneuve được giao nhiệm vụ vẽ thiết kế một ngôi trường tại Chợ Quán vào năm 1925. Đến năm 1927, toàn quyền Dông Dương Alexandre Varenne ra nghị định thiết lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup-Laubat và lấy tên là Collège de Cochinchine. Trường được xây dựng vào năm 1928, kể từ mùa tựu trường 1928-1929 (khai giảng vào ngày 1-10-1928) một trường cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ chuyển giao phân hiệu tạm thời với 200 học sinh của Trường Collège Chasseloup-Laubat vào trường này, đồng thời có sáp nhập một hệ trung học đệ nhị cấp bản xứ (Lycée). Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chính thức đặt tên trường là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký nhân dịp khánh thành tượng đồng nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Trường còn có tên gọi khác là Petrus Ký.
Năm học 1928-1929, trường đã được dư luận xã hội quan tâm qua một bài báo đăng trên tờ La Tribune indochinoise ra ngày 4-1-1929 với nội dung Lycée Petrus Ký dành cho học sinh bản xứ được đối xử như người bà con nghèo. Sau bài báo, vào tháng 8-1929 giáo sư Paul Valencot được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng thay Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Sainte Luce Banchelin. Niên khóa 1931-1933, ông André Neveu làm Hiệu trưởng thay ông Valenco. Sau đó, ông Valenco trở lại làm Hiệu trưởng từ năm 1931. Từ năm 1938-1944, ông Le Jeannic làm Hiệu trưởng thay ông Valenco mất vì tai nạn máy bay. Năm học 1944-1947, Hiệu trưởng là ông Taillade. Kể từ sau đó, Hiệu trưởng của trường là người Việt Nam, theo thứ tự là: Lê Văn Khiêm (1947-1951); Phạm Văn Còn (1951-1955)… Duy nhất một nữ Hiệu trưởng là bà La Thị Hạnh (1977-1991). Thầy Võ Anh Dũng làm Hiệu trưởng từ năm 2005 đến nay.
Những sự kiện lịch sử đáng nhớ
Câu lạc bộ Học sinh Trường Petrus Ký được thành lập vào năm 1940 với các hoạt động phong trào như văn nghệ, thể dục thể thao. Năm 1941, học sinh Mai Văn Bộ (sau này là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Hà Nội-Pari: Hồi ký ngoại giao) cũng sinh hoạt ở câu lạc bộ này và đã viết bài La Marche des Étudiants dựa trên nền nhạc bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước. Bài này được Tổng hội Sinh viên Đông Dương chọn làm bài hát nghi lễ. Hoạt động được một năm, chính quyền thực dân nhận thấy câu lạc bộ hoạt động tuyên truyền yêu nước nên ra lệnh cấm. Gián đoạn một thời gian dài, mãi đến năm 1942, câu lạc bộ tiếp tục hoạt động nhưng theo phong trào của học sinh, sinh viên Hà Nội. Cũng trong năm 1942, trường tạm thời di chuyển về Sở Sư phạm Sài Gòn và hoạt động lại ở sở cũ không lâu sau đó. Đến năm 1945, trường lại chuyển về Tân Định vì sở cũ bị trưng dụng làm doanh trại của quân Nhật. Sau khi Pháp tái chiếm Nam bộ, ngày 1-4-1946, trường dạy tại chủng viện Lucien Mossard. Một năm sau, trường lại mở cửa tại cơ sở cũ.
Ngày 10-9-1949, học sinh các trường cùng các trí thức đưa yêu sách yêu cầu Bộ Giáo dục bãi bỏ chế độ thi hà khắc, kềm kẹp học sinh và bãi khóa trong một tháng. Học sinh Trường Petrus Ký đã đứng dậy mở đầu phong trào đấu tranh đòi “Dạy và học bằng tiếng Việt”. Lúc bấy giờ Giám đốc Nha học chính Nam phần ra lệnh đóng cửa Trường Petrus Ký (cùng với Trường Áo Tím Gia Long), đến cuối năm 1949 thì cho học sinh đi học lại.
Trường Petrus Ký là nơi tổ chức lễ tang trọng thể của liệt sĩ học sinh Trần Văn Ơn. Ngày 9-1-1950, học sinh các trường Petrus Ký, Áo Tím Gia Long… tổ chức biểu tình ở trụ sở Nha học chính. Trần Văn Ơn hy sinh vì bị cảnh sát bắn khi tham gia đoàn biểu tình 50 ngàn người đòi thả các học sinh bị bắt. Ba ngày sau, học sinh ở khắp nơi như Hà Nội, Huế, Mỹ Tho… kéo về Sài Gòn, mang theo khẩu hiệu ghi tên trường và phản đối chính quyền xuống đường đưa tang Trần Văn Ơn. Toàn thành phố đình công bãi thị, hơn 1 triệu người xuống đường đưa tang. Ngày 1-5-1955, Ủy ban Cứu tế nạn nhân hỏa hoạn do chiến sự gây ra được học sinh Petrus Ký thành lập.
Năm 1961, trường trở thành Trường Trung học Đệ nhị cấp theo hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Năm 1970, học sinh trường tổ chức từ bãi khóa đến xuống đường tham gia biểu tình, đánh chiếm tòa đại sứ Campuchia, phản đối hành động Lon Nol tàn sát Việt kiều ở Campuchia. Đêm 5-9-1970, học sinh Petrus Ký cùng học sinh sinh viên các trường tổ chức đêm không ngủ đấu tranh đòi tự do dân chủ ở miền Nam. Năm 1972, cựu học sinh Petrus Ký Nguyễn Thái Bình du học ở Mỹ đã công khai công kích chính quyền Mỹ trên diễn đàn nước Mỹ. Chính phủ Mỹ đã trục xuất anh khỏi nước Mỹ, và khi về đến Việt Nam, Nguyễn Thái Bình đã bị bắn chết trong “vụ án không tặc Nguyễn Thái Bình”.
Ngày 30-4-1975, sau khi Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Sài Gòn, Ban Quân quản thành phố do tướng Trần Văn Trà đứng đầu đóng tại trường sở. Trường Trung học Petrus Ký tạm thời đóng cửa đến tháng 7-1975 thì mở cửa lại. Cuối tháng 9-1975, học sinh Petrus Ký niên khóa 1974-1975 được dự thi bằng Trung học Đệ nhất cấp và bằng Tú tài.
Chương trình giáo dục mới được bắt đầu áp dụng từ năm học 1975-1976 (khai giảng vào ngày 19-10-1975). Trường đổi tên thành Trường Trung học cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Từ năm học 1976-1977, trường không nhận học sinh vào lớp 6 (đệ thất cũ) và các lớp đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ cũ lần lượt chấm dứt theo cuốn chiếu đến năm 1979. Năm học 1980-1981, trường chính thức mang tên Trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong và mở lớp 10 chuyên toán đầu tiên tại trường. Đến năm 1990, trường đổi tên thành Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong. Từ năm 1994-1995, trường được chọn làm Trung tâm Chất lượng cao phía Nam.
Trần Tuy An (tổng hợp)
Petrus Ký còn là cái nôi đào tạo những thế hệ học trò như Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, giáo sư Trần Văn Khê, giáo sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Nguyễn Thành Giung, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng Trương Tấn Sang, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước… |
Bình luận (0)