Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi thăm hỏi học viên lớp hoa đất sét |
Chấp nhận làm việc ở trung tâm đồng nghĩa với việc bằng lòng một mức lương thấp. Có không ít cán bộ, giáo viên tâm huyết, ít nhất một lần đã nghĩ đến chuyện thôi việc nhưng dứt hoài không ra…
Lương chỉ đủ đổ xăng
Trung tâm Dạy nghề Người tàn tật và Trẻ mồ côi TP.HCM ở ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, nằm tách biệt với khu dân cư. Cảnh quan trong trung tâm thoáng đãng, giữa các dãy nhà đều có không gian rộng và những khoảng trống trồng cỏ và cây xanh. Ai đi ngang qua lần đầu đều nghĩ rằng đây là thiên đường resort hiện đại ở một vùng quê yên bình. Chính vì nằm khá xa trung tâm thành phố nên việc tuyển dụng người vào làm việc tại đây hết sức khó khăn. Thế nhưng, đường sá xa xôi chưa phải là lý do chính đáng mà quan trọng là vì đồng lương.
Đội ngũ những người sáng lập trung tâm rất tâm huyết. Trung tâm ra đời cũng là lúc những mái đầu bạc thêm, già nua vì lo lắng. Người có công sức lớn nhất trong việc vận động các mạnh thường quân xây dựng trung tâm là Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè. Để trung tâm hoạt động hiệu quả rất cần những người có chuyên môn làm công tác quản lý, giảng dạy. Có như vậy mới thu hút được sự quan tâm, đóng góp kinh phí và công sức của nhiều tổ chức, cá nhân.
Trung tâm hoạt động vì mục đích từ thiện nên đồng lương trả cho CB-GV-CNV khá khiêm tốn. Người làm việc ở đây phải là người có tâm huyết với nghề, yêu thương người khuyết tật và đặc biệt là có cái tâm làm việc thiện. Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi, nguyên là Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận 12, cô được mời về làm Phó giám đốc phụ trách đào tạo tại trung tâm này khi đã tuổi hưu. “Ban đầu tôi chỉ nghĩ về để sắp xếp, phụ trách chuyên môn đào tạo một thời gian ngắn cho ổn định rồi nghỉ ngơi, nhưng đến giờ này tôi không thể bỏ. Nhìn những cảnh đời kém may mắn rất cần những người như mình, nghỉ sao đành. Dù còn nhiều khó khăn nhưng được cùng tập thể làm công việc này, tôi thấy ấm lòng vì mình đã làm được điều gì đó có ích cho xã hội”.
Theo tìm hiểu, đồng lương lãnh đạo của trung tâm không đủ tiền ăn sáng và đổ xăng. Lương của Giám đốc Trung tâm hiện là 1,5 triệu đồng/ tháng, còn Phó giám đốc thấp hơn 100 ngàn. Cô Hỏi giãi bày: “Ở đây mà nghĩ đến lương thì không làm gì được. Trung tâm được người ta cho hai chiếc xe cũ loại 7 và 9 chỗ nhưng chỉ đủ tiền thuê một tài xế. Xe chỉ sử dụng đưa học viên đi bệnh viện khi ốm đau, ngoài ra không dám sử dụng vào mục đích khác, phải tiết kiệm tuyệt đối”.
Những tấm lòng…
Cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Hiền dạy lớp ghép gỗ mỹ thuật ở trung tâm được ba năm rồi. Cô Hiền thừa hưởng gen di truyền hội họa của cha – họa sĩ Nguyễn Văn Hùng. Trước đây, họa sĩ Hùng cũng có thời gian gắn bó với học viên của trung tâm. Hiện nay, ông đã thành lập xưởng ghép gỗ mỹ thuật và nhận học viên của trung tâm về làm việc. Cái tâm làm việc thiện của họa sĩ Hùng đã hướng cô con gái biết sống vì người khác, đặc biệt là những người kém may mắn. Mỗi tiết dạy, thù lao cô Hiền nhận được là 20 ngàn đồng. Số tiết trong tuần, trong tháng còn phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của học viên. Có tháng thu nhập không quá một triệu đồng nhưng cô Hiền vẫn xem dạy nghề cho học viên khuyết tật là việc làm có ý nghĩa. Để cải thiện thu nhập, một buổi đi dạy, buổi còn lại cô bán chè. Cô Hiền kể lại những ngày đầu đến với học viên khuyết tật: “Các em mới học nghề không hiểu gì hết, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Trong quá trình dạy nghề, giáo viên luôn lồng ghép những bài học xã hội để “mềm hóa” việc học của các em. Mới vào học viên nào cũng mặc cảm, giáo viên phải tạo mọi điều kiện để các em hiểu biết xã hội, gần gũi, chia sẻ giúp các em chóng hòa nhập với môi trường”.
Cũng có không ít giáo viên ở TP.HCM tình nguyện về đây dạy nghề cho học viên. Cô Hỏi tâm sự: “Để giáo viên, nhân viên ở xa đến làm việc nhận đồng lương khiêm tốn chúng tôi ái ngại lắm, nhưng không còn cách nào khác”.
Cô y sĩ 24 tuổi Nguyễn Thị Mỹ Tiên (huyện Củ Chi, TP.HCM) sau khi học xong Trường Trung cấp Quân y 2 (quận Thủ Đức) liền xin về đây công tác. Tiên chia sẻ: “Lúc còn học, nghe người quen nói ở trung tâm đang cần y sĩ. Sau khi tốt nghiệp, mình quyết định về nơi này công tác”. Do ở xa nhà cộng với tính chất công việc, đêm đến y sĩ Tiên được bố trí giường ngủ gần khu ký túc xá của học viên để tiện bề chăm sóc người bệnh khi cần. Vì trung tâm không có khả năng nên chỉ tuyển một y sĩ, chính vì thế, bất kể giờ giấc nào cũng chỉ mình cô xoay xở. Từ việc học viên đau bụng, nhức đầu đến sổ mũi… chỉ mình cô Tiên đảm trách. Y sĩ Tiên trăn trở: “Tôi mong muốn đem kiến thức mình học được phục vụ cho các em. Khó khăn lớn nhất hiện nay là trung tâm đang thiếu nhiều loại thuốc cần thiết để điều trị những bệnh thông thường cho học viên”.
Đóng góp cho sự thành công của trung tâm còn có những gương mặt học viên thân thuộc. Như Nguyễn Vắt Út, hiện đang học nâng cao và quản lý lớp ghép gỗ mỹ nghệ khi cô giáo bận. Hay chị Huỳnh Thị Sậm, quản lý thư viện; Huỳnh Trọng Nghĩa, thủ kho… Họ nguyện hết lòng cống hiến cho trung tâm như là một cách sống để trả ơn đời, ơn người.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
“Những ngày mưa gió, đến được trung tâm thì áo mưa của giáo viên cũng rách tả tơi nhưng họ vẫn tươi cười, làm việc rất có trách nhiệm trong khi đồng lương chẳng đáng là bao”. (Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi). |
Bình luận (0)