Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Theo chân “thợ săn… cua”

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Triều đã “diệt” được một chú cua sau một hồi tìm kiếm và đào bới

Sau một đợt triều cường, hàng chục người với những chiếc giỏ nhựa, móc sắt dài khoảng chừng 1 mét lục đục kéo nhau vào khu đầm lầy ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM để săn…cua.
Lên thành phố để… bắt cua
Theo sự giới thiệu của một người bạn, tôi gặp được anh Nguyễn Văn Triều (thường gọi Sữa), một “sát thủ” của cua ở vùng sình lầy huyện Nhà Bè. Anh Triều quê ở xã Vĩnh Tây, Cần Giuộc, Long An, nơi còn nhiều ruộng đất, nhưng anh và những người bạn lại chọn thành phố là nơi hành nghề bắt cua để kiếm sống. Theo anh Triều thì vùng sình lầy của huyện Nhà Bè là “nhà” của các “cư dân cua”, vì ở đây chịu ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Triều lên, cua theo nước lớn vào sình kiếm ăn, đến khi nước xuống, cua lại vào hang, hốc trú ngụ, do đó cua ở vùng này không bao giờ hết. Dụng cụ hành nghề của những thợ săn cua chỉ gồm một thanh sắt dài chừng 1 mét bẻ cong một đầu tạo thành hình cái móc, một cái thuổng rất sắc, một giỏ nhựa.
Nghề bắt cua cũng lắm khó khăn, gian khổ bởi người ta phải đợi đến khi nước xuống mới có thể lội sình bắt cua. Nói là bắt cua nhưng “thợ săn” phải theo dấu đi ăn của cua mà tìm hang, hốc của chúng. Nước lớn, cua thường ra khỏi hang để ăn còng, cá… và để lại những “dấu hiệu” cho “thợ săn” biết ở đó có cua. Với những hang sâu, người “thợ săn” sẽ dùng móc để thọc vào hang, bằng cảm giác nghề nghiệp, họ sẽ biết hang đó có cua hay không.
Năm nay mới 36 tuổi nhưng anh Triều đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc bắt cua, anh cho biết: “Bắt cua điều quan trọng là phải có sức khỏe, tinh mắt, thêm một chút kiên trì nữa, vì có khi đi cả tiếng đồng hồ mà không gặp được một hang cua nào”. Đúng như lời anh Triều, tôi và anh lội sình hơn nửa giờ đồng hồ, mồ hôi tươm ra ướt cả áo, chân đã mỏi rời mà giỏ cua thì vẫn trống không. Bỗng anh gọi nói là tìm thấy một hang, tôi vội vã chạy lại, anh chỉ tay về hướng có hang nói một cách đầy kinh nghiệm: “Con cua này cũng nhỏ thôi, vì miệng hang bé tí mà”. Và thật sự là như vậy, sau 3 phút lúi húi thọc cây vào hang, tôi thấy anh lôi ra được một chú cua chừng bằng nửa bàn tay người lớn, anh bảo: “Cua này chỉ bán được khoảng 100 ngàn/ kg, cua to gấp đôi con này mới bán được giá cao”.
Suốt buổi “săn”, người “thợ săn” phải dầm mình dưới nước và sình, việc di chuyển, đi lại rất khó khăn. Một buổi đi săn cua, “thợ săn” phải lội bộ hơn 7km.
Quyết giữ nghề
Hiện nay, chất lượng cua nuôi không thua kém gì cua tự nhiên, có khi còn to hơn. Nhưng với những người sành ăn, cua nuôi không thể sánh được với cua tự nhiên. Cua tự nhiên nước thường ngọt hơn, thịt chắc hơn, đôi khi theo mùa, cua còn có gạch son rất ngon. Còn cua nuôi dù to, mập nhưng thịt không thơm, nước không ngọt bằng. Vì vậy, nghề bắt cua vẫn còn có cơ hội để “sống”.
“Ai cũng muốn con cái mình ăn học thành tài, nhưng một khi tụi nhỏ học không nổi nữa thì thôi ở nhà làm nghề với mình cũng được, cũng đủ để sống mà chẳng bị ai la rầy như đi làm thuê cho người khác” – anh Triều cho biết. Và như vậy, bắt cua đã trở thành nghề “cha truyền con nối” của gia đình anh. Năm 13 tuổi, anh Triều đã biết lội sình, bắt cua. Đến bây giờ, khi con trai lớn của anh, Nguyễn Thái Hoàng mới 16 tuổi đã có 4 năm trong nghề. Hoàng cho biết: “Lúc nhỏ em thường được ba cho đi theo chơi, riết rồi quen chứ cũng chẳng có “bí quyết” nghề nghiệp gì”.
Bắt cua không chỉ là cái nghề để mưu sinh mà đó còn là thú vui của cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Tộ, năm nay đã ngót nghét 60 nhưng đôi mắt vẫn còn đủ nhạy để phát hiện hang cua, đôi chân còn đủ khỏe để lội sình, đôi tay còn đủ chắc để nắm những cái càng cua mập mạp. “Từ lúc nhỏ tôi đã theo cha đi bắt cua nên nghề này đã ăn sâu vào máu, nó như là thú vui khi tuổi đã về chiều, nhiều hôm tôi bắt cua về chỉ để làm món nhấm lai rai vài xị đế” – ông Tộ nói vui.
Mặt trời đã tắt, người cũng đã mệt nhừ, anh Triều và tôi mới lờ đờ bước ra khỏi đầm lầy, toàn thân lem luốc sình, áo quần ướt đẫm nước rạch lẫn với mồ hôi, anh đưa tay áo quệt ngang những giọt mồ hôi trên mặt rồi cất tiếng: “Chiều nay như vậy là đạt chỉ tiêu rồi, bây giờ về dọc đường ai hỏi mua thì bán còn không thì đem về bỏ cho thương lái, có bao nhiêu thương lái lấy bấy nhiêu”.
Bài, ảnh: Công Luận

Ở xóm của anh Triều cũng có người nuôi con ăn học thành tài nhờ nghề bắt cua này. Ông Lê Văn Thật, năm nay 50 tuổi, đã dốc hết sức vào nghề để nuôi cô con gái hoàn thành xong chương trình học ngành kế toán tại Trường Cao đẳng bán công Công nghệ & Quản trị doanh nghiệp (Q.7).

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)