Sau bữa cơm tối với cá hồng nấu canh chua và chiên giòn, gia đình bà Lê Thị Hồng Loan ở thôn La Hà (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) khó thở, nôn ói, tiêu chảy, chân tay rã rời… .
Các bác sĩ xác định nguyên nhân là do ngộ độc cá hồng.
Chiều 26/8, bà Loan nấu bữa tối cho gia đình từ cá hồng. Khoảng 3 giờ sau, cả gia đình 5 người chân tay mỏi nhừ, bụng đau từng cơn, da nổi mẩn đỏ.
Tuy nhiên, do ăn cá hồng nhiều nhất nên bà Loan bị ngộ độc nặng, chân tay co giật, tiêu chảy liên tục, toàn thân run rẩy, ngực khó thở và đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tư Nghĩa. Tại đây, các bác sĩ dùng máy thở oxi, truyền dịch tiếp nước chữa trị cho bà Lành.
Với những triệu chứng này, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Trung tâmYy tế huyện Tư Nghĩa – khẳng định bà bị ngộ độc cá hồng. Sáng nay, sức khỏe bà Loan tạm thời qua cơn nguy kịch.
Theo các chuyên gia y tế, trên cơ thể cá hồng thường xuyên có nhiều loại vi khuẩn cư trú, nhất là ở lớp nhớt ngoài da, trong mang và ruột.
Khi cá còn sống, do có khả năng bảo vệ và miễn dịch, các vi khuẩn không phát triển được. Nhưng khi cá chết, sức đề kháng không còn, vi sinh vật sẽ phát triển mạnh làm cá hỏng nhanh chóng.
Trong quá trình phân huỷ, những chất đạm của cá sẽ tạo thành các axit hữu cơ có mùi hôi khó chịu, làm biến đổi màu sắc và tạo ra các chất độc. Chất đạm này chuyển hoá thành histamin có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Histamin chịu được nhiệt, nên thực phẩm đã nấu chín vẫn còn và người ăn phải vẫn bị ngộ độc.
Triệu chứng chính của ngộ độc histamin là nôn mửa, nổi mẩn ngứa, tiêu chảy, đau đầu, tụt huyết áp…, nhất là khi ăn phải cá ngừ, cá thu, cá hồng, cá nục, cá trích… đã bị ươn.
Theo VnExpress
Bình luận (0)