Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bệnh nhân mắc lừa bác sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Một chuyện thật như đùa đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật tại một bệnh viện (BV) cấp tỉnh, khi bác sĩ (BS) trưởng khoa và cả ê-kíp phẫu thuật đã lừa bệnh nhân lên bàn mổ để thực hiện ca phẫu thuật “theo kỹ thuật mới”. Trong khi đó, Luật Khám, chữa bệnh được Quốc hội thông qua phải đến tháng 1.2011 mới có hiệu lực và trong 9 chương 91 điều cũng chưa tiên liệu đến tình huống này.

Chuyện xảy ra vào ngày 12.7 vừa qua, khi bệnh nhân Nguyễn Mạnh Tùng được người nhà đưa vào khoa Ngoại tổng hợp – BV Đa khoa Hà Tĩnh, để điều trị triệu chứng tắc đường tiết niệu, bí tiểu. Sau khi khám, xét nghiệm, bệnh nhân Tùng được chẩn đoán sỏi tiết niệu đạo, phải phẫu thuật. Lúc đó, với tư cách là Trưởng khoa, BS Trần Phan Thiều gọi người nhà bệnh nhân ra gặp riêng, nói rằng BV mới đưa về thiết bị mổ nội soi và có BS phẫu thuật từ Hà Nội về, đảm bảo mổ nhanh chóng, an toàn, không gây đau đớn và chỉ trong vòng một ngày có thể ra viện.

Bệnh nhân Nguyễn Mạnh Tùng trên giường bệnh tại BV Đa khoa Hà Tĩnh -Ảnh: T.H
BS Thiều cũng nói rõ, đây là mổ dịch vụ nên mọi chi phí gia đình phải chi trả 100%, trọn gói là 3 triệu đồng. Lo cho sức khỏe của người thân, gia đình bệnh nhân chỉ biết nghe theo lời BS và nộp trực tiếp 3 triệu đồng cho BS Thiều theo thỏa thuận.
Biến bệnh nhân thành vật thí nghiệm
Khoảng 8 giờ sáng ngày 14.7, bệnh nhân Nguyễn Mạnh Tùng được đưa lên bàn mổ. Nhưng sau một hồi loay hoay với “kỹ thuật mới” không được, ê-kíp mổ phải mau chóng chuyển sang mổ banh mà không thông báo cho gia đình bệnh nhân biết.
Sau khi biết sự thật là bệnh nhân Tùng hoàn toàn không được phẫu thuật bằng nội soi, cũng chẳng có “BS Hà Nội” nào có mặt tại BV như lời hứa ban đầu mà chỉ có một chiếc máy của ông BS trưởng khoa mới nhập về với kế hoạch biến ông Tùng thành “vật thử máy”, người nhà ông Tùng đã lập tức phát đơn tố cáo.
Nhận được đơn tố cáo của gia đình bệnh nhân về việc BS Thiều, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, lợi dụng chức quyền, biến bệnh nhân Tùng làm vật thí nghiệm, ngay sau đó ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc BV Đa khoa Hà Tĩnh đã triệu tập một cuộc họp khẩn và quyết định tạm đình chỉ công tác đối với BS Thiều để tiến hành điều tra làm rõ các hành vi lừa bệnh nhân để làm vật thí nghiệm và đưa máy móc trang thiết bị vào BV mà không thông qua ban giám đốc cũng như khoa Ngoại tổng hợp, khiến tập thể y, BS trong BV vô cùng bức xúc.
Chi tiền mua sự im lặng?
Sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra về việc BS Thiều “tự ý đưa thiết bị mổ vào BV, thu tiền trái quy định của bệnh nhân”, Hội đồng kỷ luật của BV gồm 5 thành viên vừa tiến hành họp vào ngày 31.8, bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật đối với BS Thiều. Kết quả, 100% thành viên đều bỏ phiếu đồng ý cách chức vị trưởng khoa này. Ngày 1.9, Hội đồng kỷ luật chính thức đưa ra hình thức kỷ luật cách chức đối với BS Thiều.
Trong khi đó ở một hướng khác, người nhà bệnh nhân Tùng cho biết BS Thiều đã có một cuộc “gặp mặt bất đắc dĩ” với phía gia đình. Tại cuộc gặp, ngoài việc viện ra các lý do dẫn đến ca mổ không thành công, BS Thiều đã viết cam kết rằng toàn bộ chi phí điều trị cho ông Tùng đến khi phục hồi sức khỏe BS Thiều sẽ chi trả. Ngoài ra, BS Thiều thương lượng sẽ trả thêm một khoản tiền để gia đình bệnh nhân này rút đơn tố cáo. Nhưng gia đình bệnh nhân Tùng đã không đồng ý.   
Các chuyên gia y tế nói gì?
“Tất cả các loại dụng cụ, trang thiết bị dùng trong khám, điều trị cho người bệnh tại BV phải qua chuẩn chuyên môn của ngành, của Nhà nước. Cho dù đó là dụng cụ đặc biệt, chẳng hạn một số dụng cụ trong mổ bệnh cột sống, hay bệnh nào khác… thì cũng phải có sự cho phép của BV, của hội đồng chuyên môn”. (BS Trần Thanh Mỹ – Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM)
“Công cụ lao động và lực lượng lao động là do BV quản lý. Nghĩa là tất cả trang thiết bị, máy móc dùng cho người bệnh tại BV phải chịu sự quản lý của BV, nhằm đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng của dụng cụ, thiết bị sử dụng trên người bệnh. Cả BV tư nhân cũng vậy, BS không được tự ý đưa dụng cụ máy móc vào BV để mổ xẻ cho bệnh nhân. Việc tự ý là vi phạm về quy định của BV, là sai về quản lý trang thiết bị y tế và nảy sinh nhiều vấn đề khác rất phức tạp”. (BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc BV Đa khoa Hoàn Mỹ)
Với kinh nghiệm lâu năm của một người làm công tác quản lý, TS-BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ: “Vụ việc xảy ra ở BV Đa khoa Hà Tĩnh tôi chưa rõ thực chất vấn đề. Ở đây tôi nói chung về quy định sử dụng máy móc, thiết bị tại BV, đó là: các hoạt động bên trong BV phải chịu sự quản lý của BV. Tất cả các phương tiện đưa vào hoạt động trong BV, như đặt máy CT scan, máy nội soi, máy xét nghiệm… dưới hình thức liên doanh liên kết, hay xã hội hóa… cũng phải được công khai, rõ ràng. Cá nhân y, BS không được âm thầm đưa dụng cụ vào BV để sử dụng vì mục đích riêng (ngoại trừ một vài dụng cụ nhỏ như ống nghe, máy đo huyết áp… là những “đồ nghề” mà BS nào cũng sắm riêng).
Thanh Tùng (ghi)
Trương Hoa / TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)