Người bạn thân của “rồng” hơn 20 năm qua |
Với anh, tất cả chỉ là tình cờ, nhưng có lẽ cái duyên với cá sấu của anh quá sâu nặng. Bởi sau không ít lần chuyển hướng đi, anh lại phải quay về cùng nó. Và chính sự gắn bó keo sơn này đã tạo rất nhiều tiền đề cũng như cơ hội để anh đến với các dự án, kế hoạch mang tầm… vĩ mô về cá sấu. Anh chính là Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty TNHH cá sấu Hoa Cà – người làm bạn với loài “rồng đất” hơn 20 năm nay.
Bén duyên với nghề
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp năm 1981 – cái thời bao cấp còn ngổn ngang khó khăn, đang loay hoay tìm hướng vào đời, anh được nhận vào Tổ bò sát của Thảo cầm viên Sài Gòn làm việc. Tại đây, anh có điều kiện quan sát, làm quen với các loài bò sát như rắn, trăn và… cá sấu. Anh bắt đầu kết thân với “lũ bò sát” trên cạn, nhưng vẫn chưa thèm đoái hoài đến những “con rồng đất xấu xí” kia. Mãi đến năm 1986, sau khi gặp một chuyên gia về cá sấu của châu Âu, anh mới hiểu được giá trị đích thực của loài bò sát huyền thoại này. “Lúc này quay đầu nhìn lại, tôi mới ngậm ngùi nuối tiếc cho thời vàng son của cá sấu miền Nam. Câu ca dao: “Đồng Nai xứ sở lạ kỳ. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” ngày xưa nay đã trôi vào quên lãng khi con sấu Xiêm (loài cá sấu nước ngọt có nguồn gốc từ Thái Lan) cuối cùng cũng bị triệt hạ trên sông Đồng Nai vào năm 1987. Đau đáu trước nguy cơ tuyệt chủng của loài “rồng” gắn liền với lịch sử miền sông nước, tôi lập tức gom hết bạc tiền và cả vay mượn được một khoản kha khá để đầu tư nuôi cá sấu”, anh Hưng kể. Trời quả không phụ công người chịu thương chịu khó. Mẻ cá nào của anh cũng thắng đậm, kinh nghiệm nuôi sấu nhờ thế mà ngày một “dày” thêm. Khi thấy trại cá sấu của mình làm ăn tấn tới, anh hướng dẫn cho nhiều bà con cùng tham gia. “Làng cá sấu Hoa Cà” được hình thành từ đó với gần 30 hộ dân cùng góp sức. Sau mỗi lứa cá sấu bán đi, số tiền thu về không nhỏ (một con cá sấu thời đó có giá khoảng 5 chỉ vàng).
Khi có được nhiều vốn liếng, anh muốn mở rộng kinh doanh bằng cách lập trang trại nuôi nhiều loài vật khác, nhưng kết quả đều thất bại. Hăm hở xây chuồng nuôi bò sữa, chỉ sau 6 tháng, đàn bò nhiễm bệnh. Từ bò sữa phải bán đổ bán tháo theo giá bò thịt. Rồi anh quay sang nuôi chó bécgiê và nuôi cả nai lấy nhung, nhưng chẳng cái nào thành công. “Trắng tay, không còn cách nào khác, tôi đành quay về với cá sấu”, anh Hưng cười.
Năm 1997, khi đàn sấu khắp miền Nam được nuôi trồng với quy mô lớn thì cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á làm cho thị trường tiêu thụ bị khựng lại, người dân lao đao, mọi thứ rơi vào bế tắc. Trại cá sấu của anh cũng khốn đốn không kém. “Lúc đó mọi thứ rối tung cả lên, giá thịt cá sấu tụt dốc không phanh (từ 200.000 đồng/kg xuống còn 60.000 đồng/kg), tài sản của trại từ 1,5 tỷ đồng xuống còn gần 400 triệu đồng và tệ hơn vậy nữa. Tôi đã đặt một chân bên bờ vực thẳm, nguy cơ phá sản đang cận kề. Tới đường cùng, tôi quyết định liều một phen – dùng số vốn còn lại mở nhà hàng thịt cá sấu và xưởng sản xuất những sản phẩm làm từ da cá sấu Hoa Cà ở Bình Triệu với mong muốn kiếm được đồng nào hay đồng đó. Bởi “không có thực” sao có thể giúp cá sấu duy trì sự sống để chờ đợi thời cơ. Rồi còn cuộc sống của những hộ nuôi sấu nữa, mình không có cơm thì họ lấy đâu ra cháo lay lắt qua ngày?”, anh Hưng nhớ về chuyện xưa.
Hai lần thất bại ở châu Âu
Tìm đủ phương cách, nếm qua bao đắng cay, cuối cùng anh cũng đưa trại cá sấu Hoa Cà thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng và bước đầu định hình thương hiệu của mình trên thị trường không chỉ trong nước mà cả ngoài nước cũng biết đến. Đàn sấu của trại đến thời điểm này đã vượt số lượng 10 ngàn con. Không chỉ bán thô, những sản phẩm từ thịt và da cá sấu cũng rất được khách hàng (đặc biệt là khách nước ngoài) ưa chuộng. Đến lúc này, anh tự tin nghĩ rằng sản phẩm thuộc da của thương hiệu cá sấu Hoa Cà sẽ chinh phục được khách phương Tây. Vì thế, anh nhanh chóng đưa hàng của mình xuất ngoại.
Tưởng đã “xuôi chèo mát mái”, ai dè, cái khó, cái rủi chưa chịu rời khỏi anh. “Sau hai lần đi đi về về không thu được kết quả như mong muốn tại “Tuần lễ thời trang của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới” tổ chức ở Đức (năm 2006) và Ý (2007), tôi nhận ra đường phân phối hàng của mình chưa đúng hướng. Bởi ở đây, chúng tôi chỉ bán được hàng cho khách lẻ với giá không cao. Và khá nhiều “bạn hàng” than rằng, tuy rất thích nhưng mua hàng của chúng tôi về họ không bán được vì hai lý do. Thứ nhất, thương hiệu cá sấu Hoa Cà không thể cạnh tranh với Versace, Gucci hay Louis Vuitton… Thứ hai, cái giá quá mềm của những sản phẩm làm từ da cá sấu Việt Nam làm người mua lo ngại vì sợ mua trúng hàng dỏm.
Nghĩ đã đứt gánh nửa đường, nhưng không, tôi lại tìm ra hướng đi mới sau khi sang Nhật học về “Phương pháp tư duy đột phá” năm 2007. Từ đây, mọi định nghĩa xưa cũ trong tôi bị phá vỡ, tôi từng bước giúp 120 nhân viên của Công ty cá sấu Hoa Cà thay đổi tư tưởng, nhận thức và cùng nhau đề ra chiến lược xây dựng “thương hiệu tự nhiên”. Việc này được nhiều người ví là “đội đá vá trời” bởi tính rủi ro quá cao, nhưng tôi tin không gì là không thể nếu chúng ta cố gắng hết sức. Những gì tôi và các anh em trong công ty đang hướng tới là “thổi hồn” vào sản phẩm cá sấu Hoa Cà”, ông giám đốc giàu nghị lực chia sẻ.
Dự án cứu cá sấu nước ngọt
Trong một chuyến thực tế tại Vườn quốc gia Cát Tiên (VQGCT) vào giữa năm 1999, ông chủ Trại cá sấu Hoa Cà ngỡ ngàng khi nghe hung tin loài cá sấu đã bị tuyệt chủng ở vùng đầm lầy Nam Cát Tiên. Trong suốt chuyến đi, bao câu hỏi luôn quay cuồng trong đầu anh là tại sao ở nơi thiên nhiên hoang dã rừng nhiệt đới này loài sấu lại bị tuyệt chủng, đáng lẽ chúng phải sinh sôi, nảy nở đàn đàn đấy chứ? Bao giờ có thể tìm về cái ngày mà mắt sấu lấp lánh như bầu trời đêm trên rừng đầm lầy nước ngọt? Bàu Sấu giờ đây sao im ắng quá? Hơn bao giờ hết, anh mong đàn sấu siamensis (cá sấu nước ngọt) có thể trở về vương quốc của chúng để góp phần tạo nên sự hùng vĩ, thiêng liêng của núi rừng nơi đây. Và, “Dự án phục hồi cá sấu VQGCT” ra đời từ mong ước giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa đó. Năm 2001, Trại cá sấu Hoa Cà trao tặng cho VQGCT 25 con sấu đã qua huấn luyện để chúng nhanh chóng tái hòa nhập với thiên nhiên. Đến nay, dự án đã có những bước tiến đáng kể khi đàn sấu ngày một gia tăng về số và chất lượng. Đây được đánh giá là dự án phục hồi sấu lần đầu tiên tiến hành tại Việt Nam cũng như trong khu vực nên đã thu hút được sự quan tâm từ khá nhiều tổ chức hoạt động bảo tồn thiên nhiên hoang dã như: VQGCT, Trường Đại học Queensland (Úc), Viện Sinh thái và Tài nguyên TP.HCM… Dự án này không những sẽ hậu thuẫn các nỗ lực nhằm duy trì và tôn tạo tính đa dạng sinh học cho rừng nhiệt đới Việt Nam, mà còn minh chứng một cách thiết thực khái niệm “phát triển bền vững” trong nhu cầu khai thác nguồn tài nguyên và sinh học. Xa hơn, nó góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục về ý thức bảo vệ sinh thái và môi trường trong một giới hạn nhất định. Đến nay, khu bảo tồn cá sấu tại VQGCT đã khiến cho không ít đoàn du khách và học sinh, sinh viên say mê bởi tính độc đáo của nó. Tham quan khu bảo tồn này, các bạn trẻ sẽ hiểu và yêu thiên nhiên hơn, từ đó tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống.
Bài, ảnh: Mỹ Dung
Trải tầm mắt bao quát hết khuôn viên làng nghề, chúng tôi nhận thấy mọi thứ ở đây dường như đang chuyển động |
Bình luận (0)