Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Tôi muốn văn và tranh của mình làm đẹp thêm cuộc sống…”

Tạp Chí Giáo Dục

cuộc sống, cuoc song

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang (ảnh nhân vật cung cấp)
Đó là tâm sự của họa sĩ – nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang (sinh năm 1975 tại Bình Định), người đã có rất nhiều cuộc triển lãm tranh tạo được tiếng vang trong và ngoài nước. Không những thế, trên lĩnh vực văn chương chị cũng đoạt được rất nhiều giải thưởng danh giá. Nhân dịp đầu năm mới 2011, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện cùng chị…
PV: Hẳn chị còn nhớ sáng tác văn chương đầu tay của mình chứ?
Giữa năm học lớp 4, tôi đã tập tễnh viết vài truyện ngắn nhỏ. Ba tôi phát hiện gửi báo và được đăng, có nhuận bút. Biết tôi yêu thích văn chương nên từ đó, ba luôn khuyến khích tôi viết. Truyện ngắn đầu tay của tôi kể về một cô bé rất ham chơi và lười học, cô bé cứ lang thang ngoài đường và ước ao được bay nhảy, đi đây đi đó. Lời ước này đến tai một bà Tiên và bà Tiên đã hóa phép cho cô bé biến thành con bướm. Truyện giống như cổ tích Ngày xửa ngày xưa đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ, do ba tôi cắt lại và dán vào một quyển sổ. Có lẽ chính khởi sự này là một duyên nợ để bây giờ tôi gắn chặt với thiếu nhi. Hiện, ngoài vẽ và viết, công việc quan trọng nhất với tôi vẫn là làm biên tập viên cho NXB Kim Đồng, tìm kiếm những bản thảo hay cho các em thiếu nhi.
Năm 1993, chị thi đỗ thủ khoa ĐH Mỹ thuật TP.HCM và liên tục bật sáng từ đó cho đến nay?
Tôi không cho rằng mình tài năng, cũng không coi là may mắn mà tất cả đều bắt nguồn từ sự đam mê và khổ luyện hết mình. Thời học phổ thông, tôi đã từng đoạt nhiều giải thưởng truyện ngắn của các báo tuổi học trò. Nhưng có thể nói, trong những năm học ở Trường Đại học Mỹ thuật, tôi viết cực kỳ sung sức với những tập sách đều đặn được in như Đám cưới sao (NXB Kim Đồng), Biển trên núi (NXB Trẻ), Hạnh phúc mong manh (NXB Công an Nhân dân)… Đến lúc này, tôi mới thật sự biết mình đã tạo cho bản thân một phong cách viết nhẹ nhàng, nội tâm. Còn với hội họa, năm 1997, triển lãm tranh phong cảnh cá nhân đầu tiên tại Việt Nam Những ngôi làng cổ đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi.
Chị có thể chia sẻ “bước ngoặt” này được chứ?
Chính nhờ triển lãm này mà tôi được mời tham gia buổi giao lưu dành cho các tài năng trẻ. Và lần ấy, tôi đã gặp anh Tăng Thành Nam. Ngay từ lúc đầu, tôi đã có cảm tình với anh nghệ sĩ violon này rồi. Đến khi kết thúc, thấy tôi ra về, anh vội vã chạy theo ra xe, chỉ để tặng tôi… một cây viết. Tôi cũng tặng lại anh một quyển sách. Thế rồi sau đó điện thoại, hẹn hò, rồi yêu và rồi cả cách xa do điều kiện học tập. Là họa sĩ nhưng tôi vốn không thích những cuộc thi hội họa. Vậy mà năm 2001, tôi đã quyết định gửi bộ tranh Những gương mặt đến từ tương lai tham dự cuộc thi do Pháp và Việt tổ chức. Lý do đơn giản vì giải nhất cuộc thi là một học bổng tại Pháp, mà lúc đó anh Nam đang học cao học bên ấy. Và thế là tôi đã được toại nguyện. Chúng tôi được gặp nhau sau nhiều năm xa cách. Ba tháng du học Pháp kết thúc, chúng tôi quyết định đăng ký kết hôn ngay. Hiện, chúng tôi đã có hai con nhỏ cùng một mái ấm riêng tại quận 3, gần nhà của bố mẹ tôi.
Điều chị quan trọng nhất khi đặt bút vẽ và viết?
Với tranh, tôi quan trọng nhất là ý tưởng, nhưng trước hết phải gây được cảm xúc mạnh về màu sắc, nghĩa là bức tranh phải đẹp. Một tác phẩm hội họa hoàn hảo khi ý tưởng và màu sắc quyện chặt vào nhau, đặc biệt bức tranh càng sâu hơn khi người ta hiểu thấu ý tưởng của nó bằng những cảm xúc thân thiện nhất. Cũng vì thế mà tôi không vẽ tranh trừu tượng. Còn với văn, tôi không viết văn siêu thực mà đi vào những cái gì gần gũi với đời sống nhất. Tôi mong muốn văn và tranh của mình sẽ làm đẹp thêm cuộc sống của người khác.
Chị có suy nghĩ gì về các nhà văn trẻ hiện nay?
Tôi rất thích đọc văn của Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Hemingway. Riêng các cây bút trẻ, tôi thích văn của chị Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư… Tuy nhiên, tôi thấy những nhà văn trẻ bây giờ sống năng động, suy nghĩ nhạy bén và cũng cô độc hơn. Cô độc vì sống giữa xã hội hiện đại, người ta phải suy nghĩ nhiều về vấn đề kinh tế. Nếu chỉ sống thuần về tinh thần là một điều không tưởng. Nhưng khi lao vào làm kinh tế thì thật sự lạc lõng vì đó chắc chắn không phải là môi trường của mình…
Năm qua, gần như chị viết rất ít, có phải vì hội họa hấp dẫn hơn?
Năm qua tôi ít viết vì tôi dành thời gian để vẽ tranh. Tôi đang theo đuổi tranh lụa (trước tôi chỉ vẽ sơn dầu) nên có nhiều cái để học và tốn rất nhiều thời gian.
Chị có thể bật mí một số kế hoạch sẽ thực hiện trong “năm tuổi” của mình?
Công việc của tôi thì vẫn vậy, làm biên tập ở NXB Kim Đồng, chăm sóc gia đình và phần còn lại là sáng tác. Năm 2011, tôi sẽ thực hiện ba cuộc triển lãm cá nhân, nên bây giờ đang là giai đoạn nước rút để thực hiện kế hoạch này. Nếu được ước, tôi chỉ ước lòng mình được bình yên để làm việc cống hiến cho xã hội, cho đất nước.
Xin cảm ơn chị.
KHÔI NGUYÊN (thực hiện)

Bình luận (0)