TP.HCM đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp gameonline ngưng cung cấp dịch vụ cho tất cả các đại lý internet từ 22 giờ hôm trước đến 8 giờ hôm sau.
Nghĩa là các game thủ gameonline nếu muốn tiếp tục chơi từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau, họ chỉ có thể chơi ở nhà, hoặc một nơi nào đó ngoài các đại lý internet. Nhưng liệu cách quản lý này có thực sự hạn chế được bệnh nghiện game và các game mang yếu tố bạo lực như mong muốn?
Tại những đại lý như thế này, gameonline sẽ không thể chơi được từ 22h đến 8h sáng hôm sau… |
Cứ chơi trên máy tính là gameonline?
Nhiều người vẫn nhầm tưởng cứ game nào chơi trên máy tính đều là gameonline tuốt. Thực tế, rất nhiều game mang tính bạo lực đang được chơi ngập tràn ở Việt Nam lại là… gameoffline (loại game chỉ cần cài đặt vào máy, chơi không cần kết nối Internet). Ví dụ game Call of Duty: Black Ops lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam. Người chơi game này sẽ chọn cho mình một phe, bắn nhau thoải mái, tàn sát đẫm máu.
Dân chơi game vốn đã nhẵn mặt từ lâu với những gameoffline mang tính bạo lực (nếu xét theo chuẩn phân loại cấp độ bạo lực mà sở TT&TT TP.HCM vừa công bố) như: Red Alert, Commandos, Age of Empires… gần như mang tính kinh điển. Những game này chả cần kết nối Internet, cứ mua một bộ đĩa về cài đặt thẳng vào máy, chơi 24/24 cũng được, chả ai quản lý.
Chưa kể, dù có cắt net 100% ở các tiệm game, thì game thủ vẫn dễ dàng kết nối các máy trạm thành một mạng Lan, đối kháng trực tiếp.
Tại TP.HCM, cứ chạy xe dọc đường Bùi Thị Xuân (quận 1), người ta dễ dàng ghé bất kỳ tiệm đĩa nào, để tìm mua những game bạo lực quốc tế (có nhãn rating M+ hoặc AO-Adult Online), vốn tải trực tiếp từ mạng, chép vào đĩa.
Nếu các nhà quản lý xiết gameonline vì tính bạo lực, mà vẫn thả nổi mảng gameoffline, thì tận gốc rễ vấn đề vẫn chẳng được giải quyết rốt ráo. Có chăng, các con nghiện sẽ lại chuyển sang đánh đấm bằng gameoffline
Người có tóc bị nắm
Nhiều doanh nghiệp game đăng ký hoạt động chính thức vốn đã than thở vì bị cạnh tranh bởi vô vàn những gameonline lậu, nay càng thêm… méo mặt. Như Counter Strike (game bạo lực) và Texas Holdem (game cờ bạc) cũng là 2 gameonline hoạt động khá xôm tụ tại Việt Nam, mà chẳng phải thông qua một khâu kiểm duyệt hay cấp phép nào.
Thực tế, gameonline khi du nhập vào Việt Nam, nhanh chóng trở thành một phân khúc thị trường bùng nổ với doanh thu cực cao. Nhiều doanh nghiệp sớm nhận thấy điều này và nhanh chóng nhập game, phát triển kinh doanh. Các nhà phát hành gameonline đăng ký giấy phép đàng hoàng tại Việt Nam đều là những tên tuổi có máu mặt: FPT, VTC, VNG… Thậm chí, có nhà phát hành game đã cố gắng Việt hóa các phiên bản game, hoặc tự viết game Việt, nhằm đánh mạnh hơn mảng kinh doanh này. Nên cũng dễ hiểu khi dự thảo về các quy chuẩn quản lý gameonline đã khiến các doanh nghiệp này vừa lo, vừa… uất.
Xã hội: ông chủ và nạn nhân
Có một ví von khá bóng bẩy về game. Người ta gọi nó là món “bạch phiến số”. Nghiện game cũng là một cơn nghiện vật vã không kém cạnh gì các món gây nghiện khác. Nhưng không hẳn cứ gán chữ nghiện vào thì cái món nghiện ấy trở nên xấu xí.
Thực ra, chúng ta chưa có một cuộc điều tra xã hội quy mô lớn tại Việt Nam về đối tượng chơi game và cộng đồng game thủ. Vì nếu nghiêng ngó kỹ, có rất nhiều người chơi game, nghiện game là… người lớn, người trưởng thành. Chuyện game thủ bỏ từ vài chục đến vài trăm triệu cho một món đồ ảo hoàn toàn có thật. Mà những người bỏ tiền ấy cũng chẳng phải khờ khạo đến mức móc tiền túi quăng ra đường hoang phí.
Cũng không tránh khỏi những câu chuyện đáng báo động về nhiều trường hợp sa đà vào game mà quên mất cuộc sống thực tại. Những học sinh, sinh viên nướng thời gian, tiền bạc, tương lai… vào game; những vụ án mà lý do gây án hết sức ấu trĩ dính dáng đến game… Game trở thành một hiện tượng xã hội. Và nếu không lý giải, nhìn ngắm nó từ góc độ xã hội toàn diện, chúng ta sẽ chẳng thể biết chúng ta đang là ông chủ hay nạn nhân của game.
Hoài Tiêu Tiêu / Vietnamnet
Bình luận (0)