Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khán giả Hàn bực mình vì tiếp thị trên phim truyền hình

Tạp Chí Giáo Dục

Các bộ phim và chương trình truyền hình Hàn Quốc ngày càng dày đặc các hình thức quảng cáo tiếp thị lộ liễu khiến khán giả kêu ca, cho rằng những gì được phát sóng là một chuỗi quảng cáo không có điểm dừng.

Theo JoongAng, cuối năm 2010, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, đơn vị quản lý điều chỉnh các phương tiện truyền thông của nước này, đã nới lỏng luật quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên các chương trình truyền hình quốc gia.

Luật mới quy định tất cả chương trình truyền hình trừ tin tức, phim tài liệu, xã luận và các chương trình có tính chính trị được phép công khai tên các sản phẩm, nhãn hiệu xuất hiện trong chương trình. Luật quảng cáo, tiếp trị trên truyền hình ở Hàn Quốc từng rất khắt khe khiến các chương trình khi lên sóng phải dùng kỹ thuật chỉnh sửa che đi các nhãn hiệu vô tình xuất hiện, như trên trang phục các khách mời hay đạo cụ trong trường quay.

Kết quả của điều luật mới là một loạt phim truyền hình và chương trình bắt đầu nhận tiếp thị ào ạt đến nỗi khán giả có cảm tưởng các chương trình này là một chuỗi quảng cáo dài không dứt.

Trong "Secret Garden", logo của MontBell còn hiện lên trên màn hình mỗi khi diễn viên mặc trang phục của hãng này. Ảnh: SBS.

Lấy một phim truyền hình đang gây sốt ở Hàn Quốc là Secret Garden (Hyun Bin, Ha Ji Won đóng vai chính) làm ví dụ. Đây là một bộ phim có bối cảnh hiện đại nhưng mang tính giả tưởng về hai nhân vật hoán đổi linh hồn cho nhau. Trong phim, các hình thức tiếp thị xuất hiện dường như không có giới hạn, ở mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh có thể, từ cafe hiệu Caffe Bene đến trang phục và đồ dùng hiệu MontBell.

Chẳng hạn, trong Secret Garden có cảnh một nhân vật nam sử dụng điện thoại và nhãn hiệu chiếc điện thoại được quay cận cảnh, xuất hiện rõ rệt trên hình. Hay cảnh quay cả nhóm các chàng trai đi mua sắm dụng cụ ở cửa hàng của MontBell, logo của hãng này xuất hiện nổi bật ngay sau lưng các diễn viên.

Điều này khiến không ít khán giả phàn nàn. “Secret Garden là một bộ phim rất ăn khách bởi cốt truyện sáng tạo và diễn xuất nhập vai của các diễn viên, nhưng việc tiếp thị các sản phẩm quá thường xuyên khiến nội dung phim phần nào bị loãng. Chất lượng bộ phim cũng vì thế mà sút giảm”, khán giả Yu Su Hyun phát biểu.

Mặc dù vậy, chi mạnh tay để tiếp thị chưa hẳn mang lại hiệu quả. Nhiều khi, các hình thức quảng cáo lộ liễu đập vào mắt khiến người xem có ác cảm với sản phẩm. “Tôi chán ngấy vì mấy kiểu quảng cáo này”, khán giả Jung So Yeon gửi ý kiến phản hồi trên trang chủ của bộ phim. “Tôi cũng chẳng muốn mua bất cứ sản phẩm nào được tiếp thị trong đó”.

MontBell Korea là một trong số những công ty nhanh nhạy thu lợi từ điều luật mới của Ủy ban Truyền thông. “Chúng tôi nhận tài trợ cho các phim truyền hình và ký hợp đồng để logo của hãng xuất hiện trong các cảnh phim mà diễn viên mặc trang phục của chúng tôi”. bà Lee Hye Sun, đại diện hàng MontBell nói. “Mẫu quần áo mà các diễn viên đó mặc về sau bán rất chạy”.

Hãng đồ uống Korea Yakult cũng tỏ ra hài lòng khi được nới lỏng phạm vi quảng cáo, tiếp thị. “Chúng tôi rất vui khi có thể quảng bá sản phẩm của mình thông qua các bộ phim nổi tiếng”, Lee Bae Young, đại diện hãng này cho biết.

Công ty này tài trợ đồ uống cho phim truyền hình Queen of Reversals của MBC. Phim này rất ăn khách với người đẹp Kim Nam Joo vào vai chính. “Trong phim có cảnh một nhân vật khuyên đồng nghiệp nên dùng một loại đồ uống do công ty chúng tôi sản xuất”, ông Lee nói.

Cảnh phim lồng quảng cáo đồ uống trong My Girlfriend is a Gumiho. Ảnh: SBS.

Công ty nước giải khát này bắt đầu tiếp thị sản phẩm qua phim truyền hình vào năm ngoái khi ký hợp đồng để một loại nước uống rau quả của họ xuất hiện trong phim My Girlfriend is a Gumiho (Lee Seung Gi, Shin Min Ah đóng vai chính) của đài SBS. Trong một cảnh phim, một người đàn ông đưa chai nước này cho nhân vật nữ chính và nói: “Uống đi, thứ này rất bổ đấy”.

Các đại diện của Korea Yakult và MontBell Korea đều từ chối cung cấp thông tin về giá trị các bản hợp đồng tiếp thị sản phẩm qua phim truyền hình.

“Chi phí để tiếp thị trong một phim truyền hình 20 tập là vô cùng lớn. Thành thật mà nói, cũng khó để sản xuất một bộ phim mà không lồng các hình thức tiếp thị sản phẩm vào, vì đó là một phần quan trọng trong kinh phí bộ phim”, một hãng sản xuất giấu tên cho biết. “Nhưng chúng tôi cố gắng tìm ra những cách tự nhiên nhất để lồng sản phẩm vào để người xem không khó chịu”.

Pham Mi Ly (Theo VNE)

Bình luận (0)