Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

100 năm vang bóng một thời

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Nguyễn Tuân (bên phải) với nhà văn Đoàn Minh Tuấn
Trong bức điện từ TP.HCM gửi ra Hội Nhà văn chia buồn với hội, với gia đình bác Nguyễn Tuân tôi thảo và Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng ký tên, khi nghe tin Nguyễn Tuân qua đời:
Có sanh ắt có tử,
Vạn cổ chưa ai thoát khỏi qui luật này,
Dẫu biết lá vàng đang treo trước gió,
Ngỡ còn lâu lá vẫn chưa bay,
Anh đã đi vào cõi bất tử,
Nào phải đâu chỉ “Vang bóng một thời”
Từ ngày bác Nguyễn về với cụ tú Hải Vân thân sinh ra bác, tôi vẫn tưởng hồn bác còn quanh quất đâu đây với cỏ cây, mây nước, núi non quê nhà. Và những áng văn chương bất hủ của bác vẫn còn mãi với tháng năm, chứ nào phải đâu chỉ Vang bóng một thời, như bác Nguyễn đã viết!
Có rất nhiều nhà nghiên cứu văn học rất yêu quí Nguyễn Tuân, trong đó có nhiều giáo sư đã khổ công sưu tầm làm toàn tập Nguyễn Tuân trên 5.000 trang – nhiều tác phẩm chưa xuất bản thành sách, rải rác trong các báo, tạp chí trước Cách mạng Tháng Tám do Nhà xuất bản Văn học phát hành. Cũng rất nhiều bạn viết, yêu văn, yêu người, yêu nhân cách Nguyễn Tuân ở khắp trong Nam ngoài Bắc, cả cộng đồng người Việt xa Tổ quốc. Đặc biệt nhà văn Marian Tkachôp – Nga dịch giả Vang bóng một thời trong nhà ông ngay trên bàn viết đã treo ảnh Nguyễn Tuân với lòng kính yêu tha thiết. Mỗi lần sang Việt Nam ông đều đến thưa chuyện với bác Nguyễn.
Đối với bản thân Nguyễn Tuân vào tháng 8 năm 1945 không còn gì phải phân vân lựa chọn, đó là cuộc cách mạng của ông. Không có cuộc cách mạng ấy, ông không thể hình dung được tương lai của dân tộc và số phận của chính mình. Chính vì thế mà khi bọn thực dân Pháp trở lại tấn công nước ta, ông đã cùng với các chiến sĩ bảo vệ Hà Nội rút vào rừng sâu. Tại vùng du kích ấy Nguyễn Tuân đã gia nhập Đảng Cộng sản. Năm 1948, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập tập hợp các lực lượng trí thức yêu nước, Nguyễn Tuân trở thành Tổng thư ký của hội. Với cuốn sổ ghi chép của một phóng viên, hay với tư cách là thành viên của các đoàn kịch lưu động ông đã đi khắp mọi nẻo đường chiến tranh, ông đã đến cả những vùng bị địch tạm chiếm. Ông đã hối hả viết, viết về những đề tài thời sự, nhưng bao giờ cũng rất tuyệt. Có lẽ ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên đã xây dựng được hình tượng tập thể, có sức khái quát cao về một dân tộc đang chiến đấu. Tùy bút kháng chiến và hòa bình đã trở thành một trong những cuốn sách hay nhất của ông…
Có một điều nhà văn Nguyễn Tuân cũng rất yêu quí Marian, căn nhà 3 phòng của Marian ở Mát-xcơ-va trong tủ kính có nhiều quà quí mà Nguyễn Tuân tặng, ông rất trân trọng. Marian còn kể với tôi:
Còn một điều “nghịch lý” nữa. Ông già Tuân, một con người thuần túy của miền nhiệt đới, đã rất yêu tuyết. Tôi còn nhớ hình ảnh ông đứng một mình giữa quảng trường Mai-a-cốp-xki ở Mát-xcơ-va, lòng bàn tay ngửa ra hứng lấy những bông tuyết nhỏ đang rơi. Chắc là đối với ông – một con người với cốt cách dễ say mê, đầy chất nghệ sĩ (tiện đây cũng nên nhớ là hồi trẻ ông đã từng diễn kịch khá thành công) thì tuyết quả đã là một biểu tượng đáng ghi nhớ nhất của nước Nga mà ông đã yêu hết lòng. Ông nhiều lần sang thăm nước Nga và đã viết về Mát-xcơ-va, Lê-nin-grat, Vonga-grát, Ô-đét-xa, Ri-ga. Ông có rất nhiều bạn bè trong giới văn học Liên Xô: An-tô-côn-xki, Xi-mô-nốp, Pô-lê-vôi, E-ren-bua… Ông chẳng bao giờ phân chia các nhà văn Liên Xô theo tuổi tác và thể loại: chỉ đơn giản là ông đã yêu các nhà văn Nga chúng tôi, biết chúng tôi sống và viết thế nào. Trong số những người bạn Xô-viết của ông không phải chỉ có các nhà văn mà còn có các nghệ sĩ, bác học, nhà hoạt động điện ảnh, bác sĩ. Ngôi nhà ở Hà Nội của ông, vào những năm chiến tranh cũng như thời bình, luôn mở rộng cửa đối với chúng tôi.
Những ngày chưa giải phóng miền Nam nhiều văn nghệ sĩ, trí thức có dịp ra thăm miền Bắc. Nhiều người xin được tiếp chuyện Nguyễn Tuân. Có người được tiếp, nhưng ông không nói chuyện văn mà chỉ nói chuyện “văn hóa ăn uống” thôi – Có vị giáo sư tiến sĩ – thứ thiệt – chưa được gặp. Chỉ xin “hầu chuyện” độ nửa giờ với Nguyễn Tuân cũng là một vinh dự lớn rồi.
Có người còn nghiên cứu Nguyễn Tuân ở khía cạnh là một nhà phê bình văn học – nhà lý luận phê bình tài tử – vì ông thích ai thì viết, đọc, xem thấy điều gì cần viết là ông viết. Ông luận bình từ Nguyễn Du, Tú Xương, Ngô Tất Tố, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng đến Sê-khốp, Tônxtoi, Lỗ Tấn… rồi Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Phủ Ngọc Tường… nữa. Ông đọc truyện, xem tranh, xem phim vui thì viết mà đã viết thì viết rất hay, rất tài hoa; như những bài Tản Đà một kiếm khác, Một đêm đưa ma Phụng, Phố Phái, Đọc và xem A Phủ…
Một lần ở Ba Đình, hội trường kỷ niệm một nhân vật nào đó, tôi không còn nhớ rõ, tôi ngồi sau bác Nguyễn – Giờ giải lao thấy đồng chí Trường Chinh cùng bác Nguyễn tay nắm vào, tay xòe ra như “oẳn tù tì”. Thấy vui vui tôi về hỏi bác. Lúc ấy bác cười cười bảo tôi:
– Quốc trưởng hỏi mình bao nhiêu tuổi rồi; mình cũng thưa lại và nhớ hồi học ở Collège Nam Định – xưa ông Trường Chinh cũng hóm hỉnh và vui tính:
– Thưa anh, anh sinh năm nào? Vì không dám hỏi tuổi vị nguyên thủ quốc gia. Anh Trường Chinh bảo:
– Mình lớn hơn Nguyễn Tuân một vài tuổi mà!
– Thế thì anh và tôi cùng viết vào bàn tay bí mật rồi xòe ra, thì biết ai bao nhiêu thôi!
Hai cụ hồi ấy tinh nghịch như thời học trò trường tỉnh, thân tình, vui vẻ và hồn nhiên của tuổi trẻ! Và bữa ấy đồng chí Trường Chinh có khen những trang tùy bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân là tác phẩm tốt, có tính chiến đấu cao! Nhưng Tình rừng thì cần phải bàn lại…
Có những độc giả mê văn Nguyễn, khi Sài Gòn vừa giải phóng bác Tuân vào, bác gặp lại “cố nhân” đã là mệnh phụ tóc bạc phơ, cụ bà đến xin được “yết kiến” tác giả Vang bóng một thời biết Nguyễn thích món “cá bống kho tiêu”, ngày ngày Phạm Trường Hanh và tôi làm giao liên chuyển nồi đất cá kho ấy đến nơi ở của Nguyễn. Còn gì khích lệ hơn, động viên hơn khi sáng tác được bạn đọc yêu thích. Nồi cá kho ấy chẳng là phần thưởng vô giá cho tác giả Vang bóng một thời đó ư? Còn nguyên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mỗi lần công cán xa về có rượu ngon thường gửi cho Nguyễn Tuân nếm thử… và Nguyễn lại mời Tô Hoài, Đoàn Giỏi và tôi chia lộc của Tể tướng ban cho.
100 năm sinh của một người – con người của Nguyễn Tuân đầy cá tính, gai góc, xù xì như con tôm hùm chân, càng nghênh ngang, thế mà có người khi mới giải phóng Thủ đô 1954 đã nói với Nguyễn Đình Thi:
– Đảng Cộng sản giỏi thật, những người như Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư mà Đảng cũng mài giũa được tài thật. Nguyễn Đình Thi trả lời:
– Đấy là Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư tự mài mình để hòa vào với Đảng với nhân dân đấy thôi!
Hôm làm lễ ra mắt quỹ học bổng Nguyễn Tuân tại Đại học Sư phạm Hà Nội – 1997, tôi thưa với giáo sư Nguyễn Xuân Đào con trai Nguyễn Tuân và các bạn sinh viên: Sở dĩ tôi viết được cuốn sách nhỏ Với bác Nguyễn vì nhiều lần theo “điếu đóm” cho ông trong các chuyến “giang hồ”!
Nhà văn Tô Hoài còn kể:
– Nguyễn Tuân năm 30 tuổi đã tiếng tăm, cụ đã bệ vệ lắm rồi! Đầu đội khăn xếp, mình mặc áo sa tanh, đi giày Gia Định, cầm can như một vị thân hào, thân sĩ. Đến như Tô Hoài, Kim Lân chúng tôi còn phải “điếu đóm” huống hồ chi Đoàn Minh Tuấn. Với lại điếu và đóm của mình chưa chắc cụ gật cho.
Sinh thời Đoàn Giỏi rất kính phục Nguyễn, anh nói: Nguyễn Tuân là một tự hào của văn học Việt Nam và nền văn học cách mạng ta rất vinh dự có Nguyễn Tuân trong đội ngũ! Nếu không có cây to thì không có rừng và rừng không có cây non thì không phát triển được. Nguyễn là một cổ thụ của rừng văn ta.
Ngoài ra, ông yêu hội họa và hiểu biết kỹ lưỡng về lĩnh vực này. Nhờ ông mà tôi đã làm quen được với nhiều họa sĩ đầy tài năng: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Trung… Nhiều người trong số họ đã vẽ chân dung ông già Tuân; những bức chân dung ấy, tuy rất khác nhau nhưng đều đã ghi lại được ở ông vẻ đẹp đầy sức thu hút và nét dáng bình thản, thâm thúy, thông tỏ mọi sự trên đời này.n
Bến Nghé,
tháng 7 mưa ngâu 2010
Đoàn Minh Tuấn

Khi hay tin nhà văn Nguyễn Tuân qua đời, Marian Tkachốp – nhà văn Nga đã viết: Nguyễn Tuân là một nhà văn tuyệt vời… Hồi còn nhỏ Nguyễn Tuân đã cùng gia đình phiêu bạt ở các tỉnh xa… Tuy học giỏi, mê đọc sách, ham hiểu biết nhưng cậu học sinh Nguyễn Tuân đã bị đuổi khỏi trường vì tham gia bãi khóa. Sau này ông không theo học bất cứ trường nào nữa nhưng đã trở thành một người có học vấn rất uyên thâm. Khi đã nổi tiếng rồi ông vẫn không chuyển được về Hà Nội – do bị qui vào vi phạm thể lệ cư trú của thực dân, ông bị cảnh sát quản thúc ở Thanh Hóa…

 

Bình luận (0)