Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Muôn nẻo làng nghề TP.HCM: Kỳ 1: Thời quá vãng của “làng xe bò”

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Bảy say sưa kể về cái nghề mà ông đã gắn bó hơn 50 năm qua

Đến ấp 3, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM hỏi ông Bảy lò xe ai cũng biết. Ông là nghệ nhân duy nhất còn lại của làng nghề xe bò nơi đây.
Bén duyên với xe bò
Ông Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hia, năm nay đã 76 tuổi nhưng trông ông vẫn còn rất khỏe mạnh. Đón chúng tôi tại căn nhà nằm trên tỉnh lộ 8 bằng nụ cười niềm nở, ông bắt đầu kể về cái nghiệp làm xe bò của mình. Cái nghề mà hiện nay tìm người để kể về cội nguồn xuất xứ cũng khó như “tìm kim đáy biển”.
Xuất thân trong một gia đình thuần nông, nghèo khó lại đông anh em, từ nhỏ ông Bảy đã quen với cảnh ruộng đồng. Năm 16 tuổi, ông nhập ngũ, và 4 năm sau, ông trở về xin làm “đệ tử” của ông Lê Đình Xá – một người làm xe bò có tiếng trong vùng. Ngày ấy, ở ấp Cây Trôm, xã Hiệp Phước, cái nghề này rất thịnh.
Thời bấy giờ, đất nước vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, người dân suốt ngày bám lấy ruộng đồng. Vì thế chiếc xe bò trở thành một phương tiện đắc lực trong mọi hoạt động vận chuyển nông sản. Sau khi học nghề thành thạo, ông Bảy đi khảo sát các xã ở Củ Chi như Tân Thạnh Tây, Bình Mỹ, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức… Nhận thấy ở những nơi này nông nghiệp phát triển mạnh nhưng lại không có ai hành nghề xe bò nên ông bắt lấy cơ hội, lập tức khăn gói lên Tân Thạnh Tây lập nghiệp. Với ít vốn liếng trong tay, ông thuê mặt bằng rộng 300m2 với giá 200 đồng/ tháng (tương đương 2 triệu đồng tiền bây giờ) để mở xưởng làm xe bò.
Lúc mới mở xưởng, khách không được nhiều. Nhưng do tay nghề vững vàng nên ngày càng nhiều người tìm đến mướn ông đóng xe. Người ta đóng xe bò để kéo lúa, kéo tre, vận chuyển các loại nông sản… từ miệt Củ Chi (TP.HCM), Dầu Tiếng, Bến Cát (Bình Dương) đến tận chợ Thiếc (Q.11, TP.HCM), các quận xa trong thành phố bán lấy tiền vì lúc đó chưa có xe tải. Ông Bảy kể: “Thời đó, hễ nhà nào trong xóm đóng xe bò vừa xong mang về là có bà con đến chung vui, gia chủ phải làm gà, mua rượu mời”. Khi tới mùa vụ (khoảng từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), số lượng đơn đặt hàng mà ông nhận được khá nhiều. Nhưng từ tháng 6 đến tháng 9, do trời mưa nên không ai đặt xe vì sợ gỗ phơi không khô, xe sẽ mau hư mục.
Ông Bảy cho biết, một người làm xe bò phải thành thạo ba nghề: mộc, sắt và tiện. Ba nghề này phải kết hợp hài hòa với nhau mới cho ra được một sản phẩm hoàn chỉnh. Tương ứng với ba nghề thì một chiếc xe bò có ba dàn chính, đó là dàn gỗ, dàn sắt, dàn cái. Trong đó, dàn sắt là khó nhất, nếu không có kinh nghiệm thì không thể hàn mối sắt được vì thời đó người ta dùng lửa lò để hàn chứ không như bây giờ. Lúc này ở Tân Thạnh Tây chỉ có ông Bảy là người thạo cả ba nghề này. Hàng ngày một nhiều, ông mở xưởng và mướn thêm thợ mộc, thợ tiện…
“Trung bình một chiếc xe bò hoàn chỉnh có giá 6 ngàn đồng tiền bấy giờ (nay tương đương với 60 triệu đồng). 4 người thợ cùng ông có thể sản xuất được 3 chiếc xe trong vòng 1 tháng. Gỗ làm xe được mua từ những thương lái trên rừng. Gỗ giáng hương rất bền và đẹp nên được sử dụng để làm bánh xe; sao, chò để làm dàn xe. Dàn xe để vận chuyển đồ có thể hư hại nhưng bánh xe thì tuyệt nhiên không. Tuổi thọ của bánh xe không dưới 50 năm, để đạt được chất lượng này, đòi hỏi người đóng xe phải hết sức thạo nghề và có cả bí quyết gia truyền”, ông Bảy chia sẻ.
“Xã hội phát triển, mình không thể mãi đi lùi”
Năm 1983, nghề đóng xe bò ăn nên làm ra. Đóng xe mới chỉ có mình ông Bảy, nhưng sửa xe cũ thì có nhiều cơ sở hơn. Việc sửa xe đơn giản mà lại kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng đến năm 1998, Nhà nước bắt đầu có chính sách cơ giới hóa nông nghiệp, giải tán con trâu cái cày, đường sá được xây dựng khang trang, xe bò không được dùng nữa, ông Bảy cũng đành “gác kiếm”. “Tuy đã gắn bó với cái nghề làm xe bò này gần như cả cuộc đời, không làm nữa cũng buồn, cũng tiếc nhưng tôi vui vì đất nước đổi mới, người nông dân bớt cực nhọc. Bây giờ đường sá mở rộng, trải nhựa thẳng tắp chẳng ai cho xe bò đi nữa, mà người ta cũng có nhiều loại máy móc thay thế hiện đại hơn. Xã hội tiến lên mình không thể mãi đi lùi, tôi chẳng còn gì để hối tiếc, có chăng là thế hệ mai sau, khi tôi chết đi rồi chắc chẳng ai còn biết đến cái nghề truyền thống của ông cha”.
Ông Bảy đã “giải nghệ” lâu nhưng thỉnh thoảng vẫn có người đến ngỏ ý nhờ ông đóng cho một cỗ xe. Chẳng phải đóng xe để kéo rơm rạ hay chở lúa, chở tre mà người tới đóng xe chỉ để đem về làm cảnh, tìm chút hương vị đồng quê nơi thị thành. Bây giờ ai muốn tìm xe bò thì chỉ có nước đi đến những vùng nông thôn xa xôi, còn không thì đến các quán cà phê, những khu du lịch sinh thái may ra còn có. Ông Bảy dẫn chúng tôi đến nhà ông Năm, một người cùng xã. Nhà ông Năm nuôi rất nhiều bò sữa nên chẳng lạ gì khi ông phải sắm một chiếc xe để kéo rơm. Nhưng bây giờ chiếc xe bò nhà ông Năm đã không còn được sử dụng, nó nằm chỏng chơ trong kho nhường chỗ cho chiếc rờ-moóc máy cày.
Chiếc xe bò từng là phương tiện vận chuyển chính của bà con nông dân nay dần lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những máy móc hiện đại. Đời sống người nông dân cũng nhờ vào sự hiện đại hóa mà bớt nhọc nhằn, vất vả. Nghề làm xe bò một thời “đình đám” là thế giờ chỉ còn lại những dư âm, người ta cũng chỉ biết đến chiếc xe bò để làm cảnh, vật trưng bày. Rời mảnh đất Củ Chi chúng tôi thầm nghĩ, liệu những thế hệ mai sau mấy ai biết được ở cái Sài Gòn sầm uất này từng tồn tại làng nghề truyền thống – làng xe bò.
Hoàng Thuận – Tiểu Di

Ông tổ của nghề làm bánh xe bò là cụ Lê Đình Liên, người đã tạo ra chiếc xe bò thô sơ. Bấy giờ, hai bánh xe được làm từ hai miếng gỗ Sao tròn có đường kính 1,4m, chèn cây cốt (cây dí) vào giữa hai bánh làm trục kéo. Cụ Liên mất năm 1947, lúc đó cụ 82 tuổi, còn ông Bảy chỉ mới còn trẻ con và xe bò đã được chế tạo thêm các căm xe, bộ đùm hoàn chỉnh.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)