Y tế - Văn hóaThư giãn

Xem Pee Mak, nghĩ đến phim kinh dị Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ sau 1 tuần công chiếu, phim kinh dị – hài Pee Mak (tựa tiếng Việt Tình người duyên ma – do Thái Lan sản xuất) đã thu về 6 tỷ đồng. Có thể nói, Pee Mak đang gây “sốt” tại các phòng vé và trở thành một hiện tượng trong mùa phim hè năm nay.
Poster phim kinh dị – hài Pee Mak.
Khi phim được công chiếu trên chính đất nước chùa Vàng, Pee Mak đã được đánh giá là bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại của điện ảnh Thái Lan, với doanh thu hơn 1 tỷ baht (tương đương hơn 33 triệu USD). Câu chuyện phim dựa theo một tích truyện lâu đời trong dân gian Thái Lan – Mae Nak Phra Khanong, nhưng ê kíp làm phim đã đưa vào phim những sáng tạo mới, cùng những tư tưởng, lời thoại mang đầy phong cách hiện đại, hài hước khiến câu chuyện vừa có tính ma quái, kinh dị nhưng vẫn hài hước, cảm động. Chính điều này đã làm nên độ thu hút và sự thành công của bộ phim. Khán giả luôn phải bật cười vì cái cách bốn người bạn rất sợ ma của anh chàng Mak ngốc nghếch, tìm mọi cách cho Mak biết, cô vợ Nak xinh đẹp của anh chính là một con ma. Nhiều tình huống hù dọa khiến người xem giật mình, nhưng ngay sau đó khán giả sẽ phải bật cười vì lời thoại hoặc cách ứng xử ngô nghê của các nhân vật. Là phim kinh dị nhưng Pee Mak không đẩy tâm lý người xem đến chỗ quá căng thẳng, rùng rợn mà biến mỗi tình huống, trở nên nhẹ nhàng hơn vì cách xử lý hài hước, đôi chỗ còn khiến người xem thấy cảm động vì tình yêu của Mak và Nak. Có thể nói, bộ phim Pee Mak đúng kiểu một sản phẩm giải trí, đem lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Điện ảnh Việt cũng từng sản xuất phim đề tài kinh dị, ma quái nhưng cho đến nay chưa có bộ phim nào để lại dấu ấn cho người xem. Các phim ra rạp rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng, hoặc được chú ý vì những chuyện… bên ngoài bộ phim. Có thể tạm kể ra: Mười (2007) ngay khi bấm máy đã được chú ý vì là sản phẩm hợp tác với Hàn Quốc nhưng khi ra rạp, khán giả thất vọng vì phim không có gì ma quái, ngoài một số cảnh máu me và dàn diễn viên Việt Nam xuất hiện hết sức mờ nhạt. Giữa hai thế giới là một câu chuyện rời rạc và theo mô típ cũ rất dễ đoán kết cục. Ngôi nhà trong hẻm được đầu tư tốt về kỹ thuật, âm thanh nhưng phần tâm lý nhân vật lại không thuyết phục vì lộ rõ ý đồ cố tình sắp xếp của người làm phim. Lời nguyền huyết ngải tạo được sự tò mò nhưng khá nặng nề. Cột mốc 23 được nhà sản xuất thông báo là phim kinh dị, nhưng khi phim ra rạp đã nhận nhiều lời chê và chìm ngay vào quên lãng… Một vài phim khác như: Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn… chung số phận bị quên lãng rất nhanh, ngay sau khi phim công chiếu.
Điện ảnh Việt Nam còn khá dè dặt với phim kinh dị, ma quái vì đây vốn là đề tài nhạy cảm. Chính vì vậy, các nhà sản xuất, nhà làm phim Việt thường ít chọn đề tài này và có lẽ vì vậy nếu có làm, rất khó để làm “tới nơi”. Tuy nhiên, xem Pee Mak người viết nhận ra: cũng là ma quái, kinh dị nhưng bộ phim hết sức dễ xem, dễ cảm và thật sự rất thoải mái khi thưởng thức. Cách khai thác tình huống kinh dị và cách xử lý khéo léo khiến câu chuyện không nghiêng quá về yếu tố ma quái mà cũng không hẳn là hài dễ dãi, nhảm nhí. Có lẽ, những phim kinh dị Việt Nam thời gian qua chưa làm tốt điều này, nên chưa có bộ phim nào tạo được tiếng vang và tạo dấu ấn cho thể loại phim này.
theo SGGP

 

Bình luận (0)