Dù không "tuyên truyền" lý tưởng, chính trị lộ liễu mà tập trung miêu tả giới hạn chịu đựng của những người lính, Lone survivor (Sống sót) vẫn nhức nhối một vết thương chiến tranh và chia rẽ chưa thể liền da.
Dựa trên sự kiện về chiến dịch Red Wings của quân đội Mỹ tại Afghanistan và cuốn hồi ký của nhân vật có thật, bộ phim tường thuật hành trình "đi vào cõi chết" và sống sót của Marcus Luttrell – một người lính SEAL (lực lượng đặc nhiệm của hải quân Mỹ) vào năm 2005. Đơn vị của anh nhận nhiệm vụ bắt sống hoặc ám sát Ahmad Shah, thủ lĩnh cấp cao của Taliban tại một vùng núi Afghanistan đầy hiểm trở. Vì một quyết định cẩn trọng và nhân đạo, Team 10 gồm Matthew Axelson, Danny Dietz, Marcus Luttrell do Michael P. Murphy lãnh đạo phải đối diện với lực lượng kẻ thù áp đảo…
Sau phần mở đầu êm đềm, pha chút hài hước, mạch phim chìm trong căng thẳng. Sống sót miêu tả chân thực và hấp dẫn cuộc chiến đấu sống còn đầy khốc liệt, tàn bạo: ngập ngụa mưa đạn, những vết thương khủng khiếp… Hình ảnh đặc tả từng gương mặt đẫm máu, cát và mồ hôi cùng các pha hành động gay cấn như quăng mình xuống vách đá, bắn hạ máy bay… có thể khiến người xem nghẹt thở. Kịch bản thắt mở hợp lý, đẩy tới hạn cảm xúc khán giả trong tình tiết hy vọng rồi thất vọng của người lính khi nhìn thấy máy bay tiếp viện. Bối cảnh, phục trang, âm thanh trong phim được đầu tư kỹ lưỡng từ những mỏm đá sắc nhọn, chi tiết trên áo choàng người Hồi giáo, lỗ đạn trên quần áo những người lính SEAL, tiếng cánh quạt trực thăng…
Mark Wahlberg (vai Marcus Luttell) đã có một nhân vật ấn tượng. Anh thể hiện thành công hình ảnh một gã tưởng như thô lỗ, chửi thề luôn miệng nhưng biết suy xét, trân trọng đồng đội và có ý chí sinh tồn mạnh mẽ. Người khổng lồ xanh Hulk và Hector thành Troy ngày nào, Eric Bana, trở lại trong vai sĩ quan chỉ huy Erik S. Kristensen điềm đạm.
Có lẽ người Mỹ sẽ lắng lại trước màn hình rất lâu để chiêm ngưỡng các bức ảnh và thước phim "người thật việc thật" của những người lính nguyên mẫu ở cuối phim. Có ảnh họ đang tập luyện trong bộ quân phục, nhưng bùi ngùi nhất là hình ảnh đời thường của họ bên vợ con, gia đình… Trong phim, trước khi bước vào cuộc chiến sinh tử, có người còn chat với người vợ xinh đẹp, có người dự định mua cho bạn đời một chú ngựa để làm quà cưới, có tân binh còn đang tìm cách hoà nhập với các "ma cũ" bằng một điệu nhảy sôi động…
Bộ phim không đưa ra câu hỏi hay đặt vấn đề phải trả lời: Vì sao lính Mỹ phải đến và hy sinh ở một đất nước xa lạ? Để vinh danh những binh sĩ sau này được nhận huân chương của chính phủ Mỹ, tác phẩm lung linh hoá nguyên tắc nhân đạo, tình đồng đội, tinh thần "không bao giờ đầu hàng" của các nhân vật chính, không quên ca ngợi tình quân – dân thắm thiết giữa Marcus và những người dân địa phương cứu sống anh.
Nhưng Lone survivor , vô tình hay hữu ý, cũng cho thấy vết thương chia rẽ đau đớn của người Afghanistan trước sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Họ có thể bị Taliban chặt đầu man rợ nếu ủng hộ người Mỹ. Ở một phía khác, họ là những người chăn dê được trang bị bộ đàm liên lạc với phiến quân khi chạm trán SEAL. Ánh mắt của hai cậu bé nhìn Marcus, một ngùn ngụt căm thù, một rụt rè thân tình ám ảnh và nhức nhối như sự chia rẽ ấy.
Phim do Peter Berg đạo diễn, khởi chiếu từ 10/1/2013.
Theo PNO
Tin liên quan
Tối 1-11, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi bài ca kết đoàn”....
Dự án số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM tạo nên những hình ảnh, nét văn hóa...
Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP.Cần Thơ phối hợp tổ...
PGS.TS.NGƯT Ngô Minh Oanh sinh năm 1957 quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình (nguyên là giảng viên Trường ĐH Tây Nguyên, ĐHSP...
Bình luận (0)