Y tế - Văn hóaThư giãn

Thư giãn: Lo xa cho con cháu

Tạp Chí Giáo Dục

Sở Quạng (hậu duệ 900 đời Sở Quảng đời xưa) làm quan trên dưới hai chục năm và mặc dù không thuộc biên chế đội bay nào nhưng vẫn “hạ cánh an toàn” trở về nơi chôn rau cắt rốn. Khi về quê, mọi người thấy Sở Quạng giản dị một bộ quần áo trên người và chỉ xách một cái va-ly nhỏ đựng vài ba thứ lặt vặt…

Con cháu, họ hàng nội ngoại thấy thế lấy làm rất buồn vì họ nghĩ “ông thanh liêm quá” mới nên nỗi “trên răng dưới dép” và con cháu nhà này không thể “giàu” lên được như con cháu những vị khác khi “về vườn” ! Không tiện hỏi cụ (sợ bị la rầy thì quê độ) nên con cháu nhờ cậy những người “cây cao bóng cả” trong họ hàng đến dò hỏi cụ sự thể như thế nào (vì “làm sếp” mười mấy hai chục năm mà về “lép kẹp” như vầy là chuyện lạ, đáng ghi vào sách kỷ lục “Ghi-net”!).

Một hôm, nhân lúc thư nhàn, những người già cả đem câu chuyện “làm giàu” cho con cháu thưa lại để cụ nghe thì cụ xuống giọng rằng:

– Ta nay đã già, há lại không nghĩ đến con cháu hay sao? Nhưng ta về ở nơi miền quê này thì phải “nhập gia tùy tục” chứ ! Về nghỉ hưu mà xe cộ chạy chở đồ ầm ầm hoá ra “lạy ông tui ở bụi này” sao ? Người ta sẽ nêu câu hỏi “lương ổng bao nhiêu mà của chìm của nổi như vậy”? Rồi làng trên xóm dưới bàn tán ì xèo thật không nên chút nào!

Xin nói nhỏ trong họ hàng nghe thôi: ta đã lo xa cho con cháu từ “ngày xửa ngày xưa” rồi! Mấy ngôi nhà mặt tiền trên phố ta “tậu” được sau ba lần “quản lý yếu kém, gây hậu quả nghiêm trọng”. Năm miếng đất thuộc “khu đất vàng” có được sau đợt “rút kinh nghiệm” và mấy cái xe đời mới đang cho bên du lịch thuê sau lần “nghiêm khắc kiểm điểm, rút ra bài học cho bản thân”… Mỗi khi “có bài học kinh nghiệm” là mỗi lần ta kiếm được một mớ kha khá. Nhớ cha ông xưa từng “khuyên nhủ” rằng “Ăn ít no lâu, ăn nhiều mau đói”; nên ta “ăn” vừa phải, chùi sạch miệng (dùng loại kem mà “các nha sĩ khuyên dùng”). Hơn nữa, ta đâu “hưởng lộc” một mình vì “ăn một mình đau tức/ làm một mình cực thân”. Còn “quan trên nhắm xuống, người ta trông vào” nữa chứ ! Có được những của chìm của nổi như vậy là nhờ phước đức ông bà, tổ tiên để lại; chứ ta đâu có công trạng gì cho cam!

Những người già cả trong họ nghe Sở Quạng “khiêm tốn” như vậy, ai nấy đều cảm phục “đức tính thanh liêm” của cụ…

ĐÀO QUỐC XỚI (Sóc Trăng)

Bình luận (0)