Y tế - Văn hóaThư giãn

Nghệ sĩ và Trường Sa

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tháng 6 vừa qua, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) tổ chức cầu truyền hình Hát cùng Trường Sa – Song Tử Tây thân yêu kết nối giữa TPHCM và đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Là hòn đảo nằm ở cực Bắc quần đảo, Song Tử Tây cách Cam Ranh hai ngày hải trình. Chiều 25-6, tàu HQ 996 đã chở đoàn thực hiện cầu truyền hình gồm các nhân viên kỹ thuật, biên tập và các nghệ sĩ lên đường ra đảo.

Đối với rất nhiều nghệ sĩ, chuyến ra Trường Sa này đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên như trường hợp “chàng lãng tử Hội An”, ca sĩ Duy Dũng, giải nhất Tiếng hát mãi xanh 2013. Vừa đoạt giải, được mời tham gia chương trình, Duy Dũng lên đường ngay. Hiếm ca sĩ nào nhiệt tình như Dũng trong hành trình này. Trên tàu, trong lúc các ca sĩ khác nghỉ ngơi do chưa quen sóng biển thì Dũng nhiệt tình tham dự cuộc thi “hát với sóng biển”, cùng các thành viên trong đoàn hát liên tục từ 9 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều. Đến khi về phòng giọng anh khàn đặc nhưng khuôn mặt rạng ngời vì lần đầu tiên được hát giữa biển.
Khi đến với chương trình, một vấn đề nảy sinh là Dũng có mái tóc dài, mặc bộ đồng phục hải quân không phù hợp với hình ảnh người chiến sĩ. Dũng đã phải cắn răng cắt bớt mái tóc “thương hiệu lãng tử” của mình để phù hợp với chương trình. Lên màn hình hầu như chẳng có ai nhận ra chàng lãng tử trước đó mà chỉ còn hình ảnh người lính hải quân hơi gầy, khoản này thì mọi người không cách nào khắc phục được cho Duy Dũng.
Nếu Duy Dũng háo hức với Trường Sa thì ca sĩ trẻ Đức Tuấn lại được bình chọn là ca sĩ tỉnh táo nhất. Lúc nhiều người trong đoàn choáng váng do sóng biển thì Tuấn tỉnh bơ, anh cho biết sóng thế này chưa ăn thua gì, trong một số chuyến đi diễn ở châu Âu, anh đã từng gặp sóng còn dữ dội hơn rất nhiều. Khi lên đảo, Tuấn có lẽ là nghệ sĩ duy nhất vẫn duy trì được sinh hoạt thường nhật, mỗi chiều, lính đảo lại thấy chàng ca sĩ trẻ chạy bộ dọc theo bờ kè, hình ảnh này được HTV ghi lại như một hình ảnh đẹp về sự bình yên của đảo xa.
Trái ngược hoàn toàn với Tuấn là nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm. Cứ lên tàu, không cần biết là biển êm ả hay sóng gió, Lâm cứ lăn ra say sóng. Nhưng cũng chỉ có thế, sau đó Lâm lại tỉnh như sáo, tiếp tục vui vẻ chạy khắp tàu. Có điều, mỗi khi say sóng, không biết nghe lời khuyên của ai, Lâm lại ca vọng cổ cho đỡ say. Thế là mỗi khi tàu khởi hành, các thành viên trên tàu lại được nghe đủ bài vọng cổ qua giọng ca ngọt ngào của Lâm.
Nghệ sĩ hài Phước Sang tuy chưa lần nào đi Trường Sa nhưng anh lại không lạ lẫm gì với các hoạt động biểu diễn phục vụ chiến sĩ. Lúc tàu vội vàng rời đảo để tránh bão, khi mọi người lo lắng thì Phước Sang lại vui vẻ kể về lần biểu diễn dưới tiếng gầm của pháo trong một chuyến đi biểu diễn ở Campuchia. Chuyện kể của anh đã phần nào giúp nhiều người bớt đi cảm giác lo lắng.

Khác với các nghệ sĩ khác có phân công rõ ràng, tiết mục của Phước Sang chỉ có phần khung, khi lên đảo, quan sát cuộc sống của người dân, trò chuyện với chiến sĩ đã giúp anh hoàn tất tiết mục của mình. Điều đáng nói là anh tập với người bạn diễn dưới sự chứng kiến của các chiến sĩ trên đảo và họ trở thành người tư vấn giúp anh những chi tiết đặc sắc cho tiết mục của mình.
Theo SGGP

 

Bình luận (0)