Thụy Sĩ có diện tích chỉ hơn 2 lần tỉnh Nghệ An, dân số ít hơn cả TP.HCM và không có biển, tài nguyên chủ yếu là đồi núi, nhưng lại là một nước lớn về kinh tế và có vị thế toàn cầu nhờ công nghiệp chế tạo và dịch vụ hết sức phát triển. Khẩu hiệu quốc gia của Thụy Sĩ là “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” (Unus pro omnibus, omnes pro uno) nghe rất quen thuộc, dù đã có từ trước rất lâu so với quan điểm “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” ở VN.
Thiên hạ gọi Thụy Sĩ là xứ sở đồng hồ hàng hiệu quả không sai. Những thương hiệu: Omega, Rolex, Tissot, Swatch, Longines, Roamer, Frederique Constant, Chopard, Rado, Juvenia, Audemars Piguet… chiếm hơn 90% thị phần đồng hồ đắt tiền của thế giới. Là “thủ đô của đồng hồ”, Thụy Sĩ có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Tùy theo lứa tuổi, văn hóa, sở thích, công dụng và túi tiền mà lựa chọn. Từ đồng hồ đeo tay, đeo cổ; đồng hồ báo thức đến đồng hồ công cộng; từ giá bình dân đến giá đắt tột đỉnh. Nửa thế kỷ trước Omega thì làm bá chủ.
Ảnh: Shutterstock
|
Hiện nay, Swatch và các thương hiệu đột phá khác với nhiều sáng tạo độc đáo rất được giới trẻ sành điệu ưa chuộng. Chỉ cần vài chục USD là có thể sở hữu một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Còn để khẳng định đẳng cấp thì cần đến vài chục ngàn USD trở lên. Có chiếc đồng hồ đeo tay khủng, đắt nhất thế giới, giá tới gần 8 triệu USD! Tại Đại hội thể thao châu Á ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Thụy Sĩ đã cung cấp cho chủ nhà đồng hồ đo thời gian giá tới hơn 1 triệu USD! Tại Bern – thủ đô của Thụy Sĩ – nơi nhà bác học Albert Eisnstein từng sinh sống, có tháp đồng hồ Zygloggeturm – một cỗ máy thời gian thú vị theo
Thụy Sĩ là dân tộc thích đi bộ. Môn thể thao phổ cập – phương tiện di chuyển không tốn tiền mà rất lợi cho sức khỏe. Người dân có thể đi bộ mọi nơi, mọi lúc và được chính phủ khuyến khích |
đặc trưng Thụy Sĩ. Trước 5 phút của mỗi giờ; bộ ba gồm chú hề, công và gấu sẽ chui ra từ tháp nhảy múa ngộ nghĩnh, sau đó một hình nhân vật có tên gọi là Cha Thời Gian bước ra vặn kim đồng hồ trước rất nhiều cặp mắt tò mò bên dưới đang chờ đợi và chụp ảnh. Bienne và La Chaux de Fones là thủ phủ của nhiều xưởng sản xuất đồng hồ. Khu vực thung lũng Jura còn được gọi là Swatch Valley – thung lũng đồng hồ – vương quốc thời gian của thế giới.
Thụy Sĩ là dân tộc thích đi bộ. Môn thể thao phổ cập – phương tiện di chuyển không tốn tiền mà rất lợi cho sức khỏe. Người dân có thể đi bộ mọi nơi, mọi lúc và được chính phủ khuyến khích. Đi bộ để mua sắm, để la cà quán xá, lang thang ngắm phố đêm; đặc biệt để ngoạn cảnh và khám phá những danh thắng tuyệt vời của Thụy Sĩ. Người lười thể thao nhất mà sống ở Thụy Sĩ cũng thành siêng đi bộ. Thụy Sĩ có trên 40 dãy núi cao hơn 4.000m mà nổi tiếng hơn cả là Alps với rất nhiều hồ đẹp. Núi Santis hơn 2.502m là điểm hẹn thú vị. Từ làng Wasserrauen, khách đi bộ đến Schwagalp chừng 10km, đường đẹp còn hơn tranh vẽ – rồi đi cáp treo lên đỉnh để thỏa sức ngắm nhìn toàn cảnh núi non hùng vĩ. Khu vực Grosse Scheidegg, vùng Jungfrau với những phong cảnh ấn tượng về các dòng sông băng và những khối đá kỳ lạ vùng Wetterhorm. Các hồ ở vùng Upper Engadine, hồ Lucerne và hồ Leman… cũng là những điểm thỏa sức đi bộ để “kiểm tra sức khỏe”. Khám phá núi băng và các dòng sông băng, các hang động kỳ thú dưới lớp băng huyền ảo, trượt băng và trượt tuyết cũng được rất nhiều du khách các nước, các vận động viên chuyên nghiệp chọn lựa. Nhờ vậy mà vận động viên Thụy Sĩ thường đoạt nhiều thứ hạng cao trong các bộ môn mà họ tham gia.
Thụy Sĩ là xứ sở khôn ngoan, vì thái độ trung lập, luôn đứng ngoài các cuộc chiến tranh và xung đột thế giới. Ngay cả trong thế chiến thứ 2, lửa chiến tranh bùng phát cả châu Âu, Thụy Sĩ vẫn bình yên và ung dung phát triển. Chính sách đối ngoại trung lập nhằm giữ vững chủ quyền và bảo vệ lợi ích quốc gia. Tất cả nam thanh niên Thụy Sĩ đến tuổi 20 phải đi nghĩa vụ quân sự 3 tuần; sau 33 tuổi, cứ mỗi 3 năm phải tập huấn lại. Dù không có chiến tranh nhưng hầu như nhà nào cũng có súng để không ai bắt nạt được mình. Bên dưới những bệnh viện, những công trình… có khi là các căn cứ quân sự và kho lương thực dự trữ. Những việc đó đều ẩn chứa thông điệp: “Đừng dại dột mà chọc giận chúng tôi”.
Ai đó nói vui “Ở Thụy Sĩ có cả thiên đường và địa ngục”. Khi mọi việc được tự động hóa thì cuộc sống con người có phần tẻ nhạt, khép kín và phát sinh tâm lý muốn phá cách. Thật ra người Thụy Sĩ trung thực, tôn trọng luật pháp và làm việc rất hiệu quả. Ngoài luật chung, còn có luật vùng; thậm chí luật từng chung cư. Có nơi còn quy định cụ thể: “cửa sổ phải có rèm”; “sau 22 giờ và trước 7 giờ” là giờ nhạy cảm, “không được tắm”; “làm ồn” như nói chuyện, nghe nhạc… Thậm chí “đàn ông không được đứng tiểu vì có thể gây tiếng động”… Vi phạm sẽ bị phạt nặng. Văn hóa và cả ẩm thực Thụy Sĩ là tổng hòa tinh hoa của châu Âu. Các phương tiện giao thông công cộng ở đây chính xác tới từng phút. Khi mua vé hạng 2 mà ngồi chỗ hạng 1 không chỉ phải trả thêm tiền mà còn bị phạt. Việc xả – đổ rác bừa bãi cũng bị phạt không nương tay. Với người Thụy Sĩ, đúng giờ thể hiện sự tôn trọng tối thiểu đối với bản thân và cả người khác. Chẳng bù cho VN, đúng giờ có khi bị coi là chuyện lạ, là việc không bình thường.
Bern là thủ đô của Thụy Sĩ nhưng các thành phố Geneve, Zurich, Lausanne… được nhiều người biết hơn. Geneve – nơi thành lập Hội Chữ thập đỏ quốc tế, cũng là trung tâm đầu não của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Zurich thơ mộng bên dòng Limmat là thành phố công nghiệp và thương mại nằm trong top 10 thành phố có chất lượng sống cao nhất thế giới. Lausanne có hội sở của Ủy ban Olympic quốc tế và các tập đoàn Phillip Morris, Malboro, Toblerone… – là trung tâm nghiên cứu và học thuật với nhiều trường đại học danh giá, đặc biệt là ngành quản trị khách sạn – nhà hàng. Lausanne ôm gọn hồ Leman – được xem là hồ trung tâm của châu Âu – nơi “phố trong rừng và rừng trong phố”. Bảo tàng Olympic Lausanne là điểm tham quan kỳ thú với nhiều hiện vật và mô hình trực quan sinh động. Thụy Sĩ tự hào có hệ thống ngân hàng uy tín – chất lượng – bảo mật tuyệt đối với đội ngũ nhân viên tận tình, chuyên nghiệp và nói được hàng trăm ngôn ngữ của mọi khách hàng. Những ngân hàng trên vài trăm tuổi và vốn tích sản hơn 200 tỉ USD là bình thường. Các ngân hàng nổi tiếng hơn cả là Swiss Bank Coperation, Credit Suisse, Union Bank of Switzerland và Swiss Volks Bank.
Trong khi VN tập trung quan tâm đại học thì Thụy Sĩ đặc biệt chú trọng giáo dục phổ thông gồm 13 năm học và được miễn phí. Học sinh lớp 3 đã học thêm 1 ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ (Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính: Đức, Ý, Pháp, Latinh). Lên lớp 5 học thêm ngôn ngữ thứ 2. Từ lớp 7 học tiếp ngôn ngữ thứ 3 và bắt đầu học ngoại ngữ. Thụy Sĩ không có Bộ Giáo dục. Chương trình học các cấp do địa phương thiết kế, chủ yếu dạy các kỹ năng sống trong xã hội, gắn bó với thiên nhiên và một số kiến thức cơ bản. Phương pháp dạy nhẹ nhàng, sinh động, phù hợp từng lứa tuổi, từng vùng. Học sinh lớp 1 đã đi dã ngoại gần trường, học sinh lớp 3 có thể đi trượt tuyết. Học sinh phổ thông được hướng nghiệp, chọn nghề theo sở trường để học, chứ không phải “chọn trường điểm thấp, dễ đậu” hay chọn nghề theo kiểu “kiếm tiền nhanh” như ở ta. Nổi tiếng đắt đỏ nhưng Thụy Sĩ vẫn luôn tạo cơ hội cho những người trẻ thích chu du khám phá với nhiều ưu đãi về du lịch. Các Youth Hostel (nhà nghỉ tập thể) giá rất mềm; lại còn được tặng thêm thẻ đi xe bus, vé cáp treo, phiếu giảm giá shopping và thuê xe đạp miễn phí…
Nguyễn Văn Mỹ / TNO
Bình luận (0)