Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phân phối ngoại hết bắt nạt doanh nghiệp nội

Tạp Chí Giáo Dục

Khác với nỗi lo thua trận thời kỳ đầu gia nhập WTO, đến nay, rất nhiều DN nội địa đã bước đầu khẳng định được mình. Nếu chọn đúng hướng đi, DN nội hoàn toàn thắng thế và chiếm phần đáng kể trong "chiếc bánh" phân phối. 
Ảnh: minh họa – Internet
Không phải là "mảnh đất trống"
Đến thời điểm này, dự đoán sẽ có hàng loạt tập đoàn phân phối lớn đổ bộ vào Việt Nam đã không còn là lo ngại quá lớn. Vẫn có một số nhà phân phối "ngoại" dòm ngó Việt Nam, nhưng chủ yếu là các tên tuổi ở châu Á, không lớn và không hề có chuyện đầu tư theo kiểu "đổ bộ" để thâu tóm thị trường.
Các DN mới cũng khởi động một cách khá thận trọng. Điều đáng lo hơn chính là sự mở rộng khá nhanh của những nhà đầu tư ngoại – vốn đã thành công tại Việt Nam.
Mới đây, tập đoàn E-Mart của Hàn Quốc công bố thành lập liên doanh ở Việt Nam. Dự kiến, E-Mart sẽ mở tới 52 điểm bán hàng trong cả nước. Năm 2010, Big C khai trương thêm 5 siêu thị nâng tổng số siêu thị Big C tại Việt Nam lên con số 14. Dự kiến tập đoàn này sẽ nâng tổng số siêu thị ở Việt Nam lên con số 29 vào năm 2013. Metro cũng nhiều lần họ bày tỏ sẽ không dừng lại ở 13 điểm bán hàng như hiện nay. Còn Lotte, sau hai năm vào Việt Nam đã sở hữu 2 siêu thị lớn tại Việt Nam và đang quyết liệt săn lùng mặt bằng để thực hiện mục tiêu mở 30 siêu thị vào năm 2018. Parkson cũng đã thành công trong việc mở rộng và hiện diện khá đầy đủ ở các đô thị lớn của Việt Nam.
Thị trường phân phối Việt Nam vẫn tiếp tục đón nhận thông tin nhiều tập đoàn lớn đổ bộ, chẳng hạn như Family Mart. Tuy nhiên, dù có mức tăng trưởng tốt nhưng thị trường Việt Nam vẫn được cho là ở dạng tiềm năng, với đa số dân ở mức nhóm thu nhập thấp… quy mô thị trường khá khiêm tốn so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, mức độ tập trung trong ngành phân phối bản lẻ của Việt Nam còn chưa cao, cơ sở hạ tầng kém.
Để đối phó, các DN trong nước đang chọn hướng đi khác, đó là liên doanh với các DN nước ngoài. Cụ thể, G7Mart kết hợp với Ministop; Phú Thái liên doanh với đối tác Nhật Bản để mở hệ thống siêu trên cả nước. Đây được cho là cách đi phù hợp với các doanh nghiệp thiếu vốn, yếu về công nghệ, trình độ quản lý…
Tuy nhiên, điều lo ngại là, nếu DN nước ngoài có tỷ lệ góp vốn và mức độ chi phối thì đáng ngại, vì đây như là cửa sau để họ chi phối DN phân phối Việt Nam.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội, sau 5 năm phát triển, đã có hệ thống 50 siêu thị và 700 cửa hàng tiện ích Bên cạnh đó, Hapro đang tiến hành phát triển hệ thống chợ hiện đại tại nhiều tỉnh thành miền Bắc, như các trung tâm thương mại và siêu thị, trung tâm kinh doanh trên cơ sở các nâng cấp và hiện đại hóa các chợ truyền thống, các trung tâm bán buôn gắn với vùng sản xuất và chế biến… Đặc biệt, DN này đang đẩy mạnh hệ thống Haprofood chuyên kinh doanh thực phẩm.
Còn Saigon Co-op, năm 2010, tổng doanh thu tăng 39,7% so với năm 2009, lợi nhuận tăng 32,7%. Tổng số siêu thị của DN này là 50 và tiếp tục giữ vị trí là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Năm 2011, Saigon Co-op phấn đấu tăng doanh số 35% so cùng kỳ, mở rộng mạng lưới với việc khai trương thêm tối thiểu 10 siêu thị và 30 cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co-op Food mới. Ngoài ra, DN này cũng có dự định mỗi năm đầu tư một trung tâm thương mại, phức hợp có quy mô lớn.
Các DN khác như Fivimart, Citimart đều có sự tăng trưởng rất ấn tượng.
Bên cạnh đó, mỗi năm, Sài Gòn Co-op phục vụ hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất với doanh số tăng 30% mỗi năm.
Hiện nay, phân phối về nông thôn đang được mở rộng. DN đang được hưởng lợi từ các chương trình đưa hàng về nông thôn, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt của Chính phủ. Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam dự báo, năm 2011, thị trường bán lẻ khu vực nông thôn Việt Nam sẽ khởi sắc do rộng lớn, nhu cầu ngày càng tăng cao.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) cho rằng, chính sách đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua cho thấy, chỉ có DN trong nước tham gia chứ không có DN nước ngoài. Vì vậy, đây là một cơ hội để DN trong nước thâm nhập thị trường sâu hơn.
Điều này cho thấy, sau thời gian đầu lao đao, cầm cự để tồn tại, các DN trong nước đã có được hướng đi và dần khẳng định được chỗ đứng của mình. Các DN bắt đầu mở rộng kinh doanh, cạnh tranh với các tập đoàn đến từ nước ngoài, tạo ra ảnh hưởng rõ nét tới thị trường bán lẻ Việt Nam. Đối với DN nước ngoài, thị trường Việt Nam không còn là "mảnh đất trống" dễ thâu tóm như lo ngại trước đây của nhiều người.
"Hai nửa chiến trường"
Thực tế, những DN nội thành công đều có chung đặc điểm quy mô vừa và nhỏ, nguồn hàng dồi dào, đi sâu vào các khu dân cư thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng dân sinh… như: Hapro, Sài Gòn Co-op, Phú Thái, Vinatex Mart…
Ngay từ thời kỳ đầu khởi động kinh doanh siêu thị, Hapro đã khẳng định sẽ đi theo hướng các các siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện ích gắn với các khu dân cư. Gần đây, DN này khởi động chuỗi Haprro Ford cũng theo phương thức này cộng với thế mạnh sẵn có hệ thống thu mua và chế biến thực phẩm.
Chính vì thế, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho rằng, ngoài thành công bước đầu với mô hình siêu thị nhỏ, chuỗi cửa hàng tiện ích, thì các DN nên hướng vào thị trường nông thôn Việt Nam nơi chiếm 70% lượng tiêu thụ hàng hóa cả nước.
Trong khi đó, trên một diễn đàn gần đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ, dự báo, trong năm 2011, chúng ta sẽ có một số thay đổi đáng kể. Cụ thể, siêu thị lớn phát triển tới mức cao nhất trong năm 2011-2012 và chậm dần tại các đô thị lớn. Các hình thức siêu thị nhỏ hơn ngày càng phổ biến và kết hợp. Hệ thống siêu thị tổng hợp và chuyên lương thực, thực phẩm.
Trong khi đó, một chuyên gia từ Bộ Công Thương cho hay, đề án "Phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ trên địa bàn nông thôn hướng theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế" đã được khởi động. Theo đó, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cấp 113 chợ đầu mối nông sản ở địa bàn nông thôn, 418 chợ biên giới, chợ cửa khẩu và 3.000 chợ dân sinh tại những xã chưa có chợ trên toàn quốc. Tổng kinh phí cho đề án dự kiến khoảng trên 9.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn cho cho các DN trong nước tiếp cận.
Trong khi đó, theo tính toán, mua sắm thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích của VN mới chiếm khoảng 18%. Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố lớn cũng mới đạt trên 20%. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng 35-40%. Như vậy, cơ hội đang rất nhiều cho cả DN trong nước và cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Với thực tế trên đây, các DN Việt Nam đang có lợi thế hơn trong việc phát triển các cửa hàng tiện tích, siêu thị nhỏ và lợi thế hơn hẳn ở khu vực nông thôn. Dường như thị trường bán lẻ đang phân chia thành hai nửa với thế mạnh và cách đi khác nhau của mỗi bên.
Một chuyên gia của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam thừa nhận, rất khó để đối đầu trực tiếp với các đại gia bán lẻ thế giới với hàng trăm kinh nghiệm, vốn lớn, công nghệ hiện đại nhưng với những gì đã có và thực lực hiện tại, nếu chọn đúng hướng đi, các DN trong nước sẽ khẳng định được hướng đi của mình.
Tuy nhiên, theo địa diện của Saigon Co-op thừa nhận, các DN nội cần nỗ lực hơn nữa để khẳng định mình. Bên cạnh đó, rất cần vai trò "bà đỡ"của chính sách trong giai đoạn 5-10 năm tới. Cụ thể, Nhà nước nên có chính sách quy hoạch cho từng địa phương về số lượng siêu thị được mở, trong đó quy định cụ thể khoảng cách các siêu thị cách nhau bao nhiêu… với những ưu đãi hợp lý kèm theo. Bên cạnh đó, cần có những chính sách cụ thể về đất đai, thuế, vốn vay và cả nhân lực để DN trong nước không bị đuối sức mà phát huy được các yếu tố sân nhà với "thiên thời, địa lợi" của mình.
Theo Lê Khắc
Diễn đàn kinh tế Việt Nam

 

Bình luận (0)