Bị phụ thuộc
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010, VN nhập khẩu (NK) từ TQ 20,02 tỷ USD hàng hóa. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét: “Trong quan hệ NK với TQ những năm qua, VN chịu tác động chuyển hướng thương mại nhiều hơn là tạo lập thương mại”.
TS. Thành phân tích, nhập siêu cao đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, song xử lý không đơn giản, do liên quan đến nhiều chính sách vĩ mô khác. NK của VN chủ yếu từ TQ, Hàn Quốc và ASEAN.
Nhưng tỷ trọng NK từ TQ tăng trung bình 13% giai đoạn 2001-2005 lên 20% giai đoạn 2006-2009, cho thấy tốc độ tăng NK cao hơn so với các thị trường khác.
Bên cạnh đó, máy móc công nghệ nhập từ TQ có vòng đời ngắn, tiêu hao nguyên nhiên liệu lớn, gây lo ngại tăng trưởng NK có thể sẽ vẫn duy trì trong nhiều năm tới.
Ở góc độ thị trường, TQ không nằm trong nhóm các thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của VN. Tính đến hết năm 2004, TQ đã trở thành đối tác thương mại số 1 của VN với tổng kim ngạch hai chiều đạt 71,91 tỷ USD.
Nhưng đến năm 2010, XK của VN sang TQ chỉ đạt 7,3 tỷ USD. Một trong những giải pháp được xem là căn cơ để hạn chế nhập siêu là thúc đẩy XK hàng hóa VN sang TQ, nhưng thực tế, việc gia tăng kim ngạch vào nước này là một bài toán hóc búa, bởi chính sách thương mại của TQ khá linh hoạt, lượng hàng và giá NK thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa.
Gia tăng nhập siêu từ TQ, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, cho rằng, do các nhóm hàng trung gian và hàng hóa vốn, xuất phát một phần từ các công trình tổng thầu của TQ tại VN.
“Việc cho TQ đấu thầu EPC (hợp đồng trọn gói) và đưa cả lao động vào VN là lỗi của chúng ta”, và “ta hoàn toàn có quyền khước từ”.
Theo ông Tuyển, DN TQ có thể trúng thầu nhưng nguyên tắc là không thể đưa lao động vào, trừ lao động trình độ cao mà VN không thể thay thế. Chính điều này đã làm tăng chi phí bằng ngoại tệ mà chúng ta phải trả cho TQ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chiến lược với thị trường TQ rất quan trọng, nhất là khi xét TQ như là một nhân tố lớn chi phối sự phát triển trong khu vực và là một láng giềng của VN.
“Vấn đề chính với thị trường TQ là xem xét lại cơ cấu hàng hóa, cách thức làm ăn với họ để tránh tình trạng chúng ta nhập siêu lớn từ TQ và lệ thuộc quá nhiều vào họ”, bà Lan nói.
Động thái mới
Mục tiêu của chính sách thương mại giai đoạn 2011- 2020 là cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; tăng XK và giảm nhập siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
TS. Võ Trí Thành lưu ý, nước ta đang và có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn về bất ổn kinh tế vĩ mô và tài chính. Trong quá trình hội nhập, nước ta dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài.
“Giai đoạn 2001-2010, nhập siêu từ TQ là lớn nhất, chiếm 23,2% trong tổng nhập siêu với các nước. Mức độ thâm hụt với TQ kể từ khi ký ACFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN – TQ) cũng tăng rất nhanh, từ 189 triệu USD năm 2001 lên 11,5 tỷ USD năm 2009”. (Theo TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương). |
Việc nhìn nhận đối tác và vấn đề nhập siêu cần đặt trong khung cảnh thị trường và mạng sản xuất khu vực, toàn cầu”, TS. Thành nói.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đưa ra một khung chính sách thương mại mới là rất cần thiết.
Song ông Tuyển đặc biệt lưu ý, sự vươn lên của TQ là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn cho kinh tế VN. Ta phải quan tâm hơn và theo dõi chặt ba động thái mới của TQ.
Thứ nhất, TQ đang chuyển từ cạnh tranh giá rẻ dựa trên chi phí nhân công thấp sang cạnh tranh bằng chất lượng. Như vậy, một số mặt hàng của TQ không còn khả năng cạnh tranh, ta phải nhanh chóng vào chiếm lĩnh thị trường này, để giảm bớt chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước.
Thứ hai, TQ đang hướng chính sách tăng trưởng theo hướng giảm bớt tăng trưởng dựa vào XK, chuyển sang coi trọng nhu cầu trong nước. Đây cũng là điều kiện để ta xâm nhập vào thị trường này.
Thứ ba, trước sức ép của Mỹ, EU và một số nước khác, TQ buộc phải điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ (NDT) với USD Mỹ theo hướng tăng giá đồng NDT. Động thái này có thể tác động nhiều mặt đến kinh tế VN. Giá đồng NDT tăng, tạo điều kiện cho XK VN tăng mạnh vào TQ nhưng cũng có mặt trái.
Nhiều người vẫn tưởng giá đồng NDT tăng sẽ hạn chế NK từ TQ, nhưng trên thực tế, mức hạn chế không lớn, nên nhập siêu từ TQ vẫn tăng, bởi đồng NDT lên giá nhưng sức cạnh tranh hàng TQ vẫn rất cao so với hàng hóa các nước khác.
Trong bối cảnh đó, VN không giảm được nhập siêu mà có thể còn làm cho nhập siêu từ TQ tăng lên, thậm chí, cũng với khối lượng ấy nhưng giá trị sẽ cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, VN cũng cần cẩn trọng xu hướng chuyển đầu tư ra nước ngoài tăng lên khi đồng NDT lên giá. Người ta chỉ bỏ ra 1 NDT, thì số USD tính đổi sẽ nhiều hơn. Khi đó, “VN sẽ là điểm đến của TQ, nếu ta không có lựa chọn tốt, cứ nhận đầu tư ào ào như hiện nay”, ông Tuyển cảnh báo.
“Giai đoạn 2001-2010, nhập siêu từ TQ là lớn nhất, chiếm 23,2% trong tổng nhập siêu với các nước. Mức độ thâm hụt với TQ kể từ khi ký ACFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN – TQ) cũng tăng rất nhanh, từ 189 triệu USD năm 2001 lên 11,5 tỷ USD năm 2009”. (Theo TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).
TRÌNH TIÊU / DNSG
Bình luận (0)