Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tin đồn hạ nốc ao người nuôi cá điêu hồng miền Tây

Tạp Chí Giáo Dục

 

Từ đầu năm đến nay, người nuôi cá điêu hồng lồng bè tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục gặp khó khăn do tin đồn cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm. Hồi tháng 4 vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng bác bỏ thông tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm, cá điêu hồng đã được minh oan và tăng giá trở lại.

Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, cá điêu hồng lại lao dốc do vướng phải tin đồn thất thiệt làm tăng nguy cơ tan rã làng bè. Đây là cú hạ nốc ao người nuôi cá điêu hồng, với hệ luỵ nặng nề hơn cả những gì đã từng xảy ra với cá kèo và cá rô đầu vuông trước đây.
Chịu lỗ vẫn không bán được cá
Theo ông Trần Văn Đức, nông dân nuôi cá bè ở xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), hiện nay giá cá điêu hồng chỉ ở mức 25.000 – 25.500 đồng/kg, giảm khoảng 5.500 đồng/kg so với gần một tháng trước. Trong khi đó, giá thành nuôi cá điêu hồng lồng bè hiện khoảng từ 28.000 – 30.000 đồng/kg (tuỳ kỹ thuật nuôi), do vậy, người thu hoạch cá vào thời điểm này bị lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg cá, tính ra lỗ khoảng 18 – 30 triệu đồng đối với bè có năng suất 6 tấn cá.
Nuôi cá điêu hồng tại phường Tân Long, TP Mỹ Tho, Tiền Giang.
Ông Đức cho biết hơn hai tuần trước, giá cá điêu hồng tăng lên 30.000 đồng/kg, ông chỉ kịp bán được một bè với 5,5 tấn cá, lãi được 10 triệu đồng. Tuy nhiên, hai bè cá nhỏ còn lại chưa kịp bán, giá giảm liên tục, tình hình tiêu thụ cá chậm trở lại. “Thương lái cứ hẹn lần hẹn lượt nên tôi phải bỏ tiền mua thức ăn cho cá ăn cầm cự tới bây giờ”, ông Đức nói.
Theo một số thương lái, thời gian gần đây giá cá giảm là do nhiều người ở TP.HCM sợ ăn cá điêu hồng bị bệnh, dẫn đến thị trường này không còn chuộng cá điêu hồng. Thông tin này đã khiến hơn 280 bè cá với gần 1.700 tấn cá tới lứa thu hoạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không tiêu thụ được, dù các chủ bè muốn bán hết cá dù phải chịu lỗ; bởi lẽ, nếu neo cá lại càng lâu, thì chi phí nuôi càng cao, lỗ càng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Ru, người có 11 bè nuôi cá điêu hồng với kinh nghiệm nuôi hơn mười năm ở xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, cho biết người tiêu dùng bây giờ rất “nhạy cảm”, chỉ cần một sơ suất nhỏ về chất lượng là họ tẩy chay ngay. Vì vậy mà người nuôi cá điêu hồng phải luôn cập nhật những thông tin về các loại hoá chất, kháng sinh cấm để loại ra khỏi danh mục thuốc sử dụng. “Vừa qua, các cơ quan chức năng cũng liên tục lấy mẫu kiểm tra và đã khẳng định cá điêu hồng không có chất cấm. Bản thân chúng tôi hàng ngày đều ăn cá điêu hồng, đến nay đã hàng chục năm mà có thấy bệnh tật gì đâu”, ông Ru bức xúc.
Tình hình giá cả và tiêu thụ cá
điêu hồng tại các địa phương có nghề nuôi cá lồng bè phát triển như Đồng Tháp, Vĩnh Long… cũng đang diễn ra tương tự. Nhiều người nuôi cá điêu hồng đang dở khóc dở cười, vì họ tưởng đã qua được “cơn bĩ cực” sau vụ tin đồn thất thiệt cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm trifluralin nên đã thúc cá ăn trở lại để bán cho được giá. Thế nhưng, có ai ngờ khi giá cá ở mức 30.000 – 31.000 đồng/kg của mấy tuần trước chưa kịp giúp người nuôi gỡ vốn, thì họ lại bị tin đồn ăn cá điêu hồng bị bệnh, làm cho họ không bán được cá nuôi tới lứa bán.
Nguy cơ treo bè tăng cao
Khi đề cập đến vấn đề thả cá giống trong vụ nuôi mới, nhiều nông dân lắc đầu ngao ngán. Ông Lê Văn Thanh, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho nói: “Mấy năm trước, giá cá chỉ sụt vài tháng rồi tăng trở lại, nên nhiều người nuôi cá bè vẫn thả giống để canh lúc giá cá cao và nhiều người đã trúng lớn. Thế nhưng, thời gian gần đây cá điêu hồng nuôi bè gặp hết “sự cố” này đến “tai nạn” khác khiến giá cá sụt giảm liên tục, làm cho người nuôi bị lỗ nặng. Vì vậy, bản thân tôi cũng như hầu hết người nuôi cá không ai dám thả cá giống cho vụ mới. Trước mắt, chỉ cần bán hết lượng cá đang có trong bè là tui mừng lắm rồi”.
Ông Dương Thọ Trường, phó chi cục trưởng chi cục Thuỷ sản Đồng Tháp cho rằng, thông tin ăn cá điêu hồng bị bệnh có thể chỉ là chiêu ép giá của một số thương lái làm ăn không chân chính, là một tin đồn không căn cứ. Chi cục Thuỷ sản tỉnh Đồng Tháp hồi tháng 4 cũng khẳng định không tìm thấy chất cấm trifluralin trên những mẫu cá điêu hồng kiểm tra ở địa bàn. Trifluralin là chất dùng để diệt trừ sâu rầy, côn trùng. Ngay khi bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi, trồng trọt, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp cũng đã cấm người dân sử dụng và buôn bán các hoạt chất tương tự chất trifluralin. Chi cục đã kiểm tra các hộ nuôi cá điêu hồng thường xuyên và không phát hiện có gì bất thường.
Phó chi cục trưởng chi cục Thuỷ sản Tiền Giang Phan Hữu Hội, cho biết làng bè nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền được hình thành và phát triển mạnh qua hơn chục năm nay. Cá điêu hồng lồng bè được ngành nông nghiệp kiểm soát chặt chẽ chất lượng trước khi xuất bán ra thị trường. Cụ thể, các bè nuôi cá điêu hồng được lấy mẫu định kỳ để kiểm tra hoá chất, kháng sinh cấm dùng theo quy định. Theo ông Hội, nếu phát hiện có dư lượng của các chất cấm, sẽ có biện pháp xử lý, giám sát đến khi cá đào thải hết dư lượng các chất này thì các chủ bè mới được xuất bán cá ra thị trường. Do đó, thông tin ăn cá điêu hồng bị bệnh là thiếu cơ sở.
bài và ảnh: Thành Công
Số lồng bè nuôi cá điêu hồng giảm
Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, tỉnh Tiền Giang hiện có 1.379 bè nuôi cá điêu hồng (273 hộ), giảm 139 bè (20 hộ) so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số bè bỏ trống lên đến 213 bè. Nguyên nhân là do giá cá điêu hồng ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất trong thời gian dài, việc tiêu thụ cá diễn ra chậm, trong khi người nuôi không có lãi nhiều trong những vụ nuôi trước khiến người nuôi kiệt sức. Bên cạnh đó, người nuôi cá càng khó khăn hơn khi các đại lý kinh doanh thức ăn thuỷ sản chuyển từ việc bán thức ăn cá cho các chủ bè theo kiểu gối đầu, sang phương thức bán lấy tiền mặt ngay khi họ thấy nghề nuôi cá bộc lộ nhiều rủi ro.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 1.765 bè nuôi cá điêu hồng, mỗi vụ nuôi cho sản lượng trên 13.000 tấn. Tuy nhiên, trước tin đồn cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm, 922 hộ nuôi cá điêu hồng của tỉnh đã không thể bán được cá nuôi.
Sẽ kiểm tra thông tin và có ý kiến bảo vệ người nuôi cá
Chiều 7.8, trước thông tin ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (như Tiền Giang, Đồng Tháp) rộ lên tin đồn về việc cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm, khiến nhiều hộ nuôi cá khu vực này nguy cơ thua lỗ, do giá đang giảm mạnh, ông Nguyễn Huy Điền, phó tổng cục trưởng tổng cục Thuỷ sản (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết sẽ cho kiểm tra thông tin này. Theo ông Điền, gần đây, bộ đã cấm một số chất kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản, như enthoxiquin, trifluralin… Hồi tháng 4, sau khi có thông tin các tỉnh miền Tây có cá điêu hồng nhiễm kháng sinh, tổng cục Thuỷ sản đã chỉ đạo các địa phương lấy mẫu mẫu xét nghiệm trên cá điêu hồng, kết quả không có gì đáng lo ngại. Còn thông tin về cá điêu hồng mới đây có chứa chất kháng sinh thì tổng cục Thuỷ sản chưa có thông tin. Vừa rồi, chỉ có chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản Hậu Giang báo cáo về việc có phát hiện mẫu cá rô đồng nhiễm kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng là Sulfadiazine, Enrofloxacin và Ciprofloxacin. Hiện địa phương đã có thông báo cho vùng nuôi, đưa ra biện pháp khắc phục.
Còn thông tin trên cá điêu hồng, “ngày 8.8, bộ có cuộc họp giao ban quý về An toàn thực phẩm trên thuỷ sản, tôi sẽ lưu ý và cho kiểm tra thông tin này từ các địa phương. Việc này, nếu không có thực, mà chỉ là tin đồn, làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, bán cá của bà con, tổng cục sẽ có ý kiến để bảo vệ người nuôi trước tin đồn thất thiệt”, ông Điền nói.
Châu An

 

SGTT.VN

 

Bình luận (0)