Ngày 9-1, tại buổi tổng kết tình hình xuất khẩu gạo năm 2013 và triển khai công tác năm 2014 ở TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cho rằng, tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2014 sẽ tiếp tục khó khăn và không thể dự báo xa.
Gạo xuất khẩu của Công ty Gentraco (Cần Thơ). Ảnh: THÁI BẰNG
Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức Lương Nông của Liên hiệp quốc (FAO) đều dự báo nguồn cung gạo tiếp tục thừa, tạo sức ép lên thị trường thế giới, trong đó, giá gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực gạo bán hạ giá của Thái Lan. Hiện nay, gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ còn 375 USD/tấn và còn có thể tiếp tục giảm để giải quyết tồn kho, nhất là gạo cũ. Do vậy, Thái Lan sẽ là yếu tố chính chi phối thị trường năm 2014, giá gạo của Thái Lan sẽ định hình giá gạo các nguồn cung cấp khác, làm suy yếu thị trường trong vài năm tới. Trong khi Ấn Độ vẫn là nguồn cung cấp hàng đầu năm nay, khoảng 10 triệu tấn (năm 2013 là 9,6 triệu tấn). Vì vậy, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, nhấn mạnh, năm 2014 sẽ khó khăn hơn 2013, cạnh tranh thị trường khốc liệt, giá có khả năng giảm sâu hơn nên không thể đánh giá và dự báo xa, dài hơi được. Vấn đề là làm sao xử lý tốt để đảm bảo đời sống cho bà con nông dân. Thương mại gạo qua biên giới Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng thời gian tới. Nhưng mua bán qua biên giới luôn tiềm ẩn rủi ro, cần có cơ chế kiểm soát thích hợp để quản lý và thúc đẩy thương mại gạo chính quy.
Tuy nhiên, theo nhận định, gạo thơm và gạo trắng chất lượng cao của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với gạo cùng loại của Thái Lan ở thị trường châu Phi và các thị trường gần, đặc biệt là vùng Đông Nam Á, nhờ giao hàng nhanh và là thị trường truyền thống có hợp đồng tập trung.
Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu là trọng tâm mà các doanh nghiệp (DN) phải tiến hành trong thời gian tới. Đó cũng là khuyến cáo của Bộ Công thương và đề nghị sớm có lộ trình liên kết, bởi Thủ tướng Chính phủ sẽ có quy định này và có chính sách giải quyết những khó khăn của DN khi triển khai. PGS-TS Phạm Văn, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đã đề nghị các địa phương tích cực hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, cần liên kết các hộ thành tổ hợp tác hay hợp tác xã. Cuối năm 2013, VFA đã ký kết với 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng các cánh đồng liên kết ngay từ vụ đông xuân 2013 – 2014.
CÔNG PHIÊN (SGGP)
Bình luận (0)