Chị Nguyễn Thị Điền: Phong cách không chỉ là ở thời trang, nó còn là văn hóa, phong cách sống |
Nổi tiếng với sản phẩm Pirerre Cardin, đồ may, thuê, chị Nguyễn Thị Điền – TGĐ Công ty An Phước cho rằng, “trên quần áo chúng ta có chứa cả sự trung thực và sự chăm chỉ”.
Hai Lúa đi Tây
– Thưa chị, có phải công ty An Phước của chị nổi tiếng được là nhờ dựa vào thương hiệu, kỹ thuật của người khổng lồ Pierre Cardin?
Năm 1997 chúng tôi mua bản quyền Pierre Cardin cho một số đồ nam giới như sơ mi, vest, quần tây, đồ lót… Độc quyền sản phẩm Pierre Cardin tại Việt Nam và Đông Dương. Phải nói đó là bước ngoặt của chúng tôi trong bối cảnh thế giới có khủng hoảng tài chính. Nhưng đến nay, An Phước còn được biết đến qua rất nhiều sản phẩm khác như quần áo, đồ thêu, giày thể thao…
Mua bản quyền của thương hiệu danh tiếng thế giới phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, vậy dấu ấn An Phước – Việt Nam thể hiện ở sản phẩm “như Tây” ra sao?
Thí dụ, tối thiểu một sản phẩm sơ mi Pierre Cardin có giá 35 đô la trên toàn cầu. Đi Pháp hay qua Thái, Singapore… cũng mua chiếc áo với giá như thế. Nhưng chất Việt Nam, dấu ấn An Phước là trung thực trong từng đường kim, mũi chỉ. Sự trung thực này quan trọng. Vì ông Pierre dư tiền nên không quá chú trọng chuyện tiền mà cần giữ gìn tên tuổi. Đó là một sứ mạng.
– Trước An Phước, đã từng có đơn vị của Việt Nam mua bản quyền này rồi nhưng không thành công vì tận dụng vải nội địa gia công để may, gây ra sự phàn nàn của khách nên không được chấp nhận. Vì sao ông Pierre chấp nhận An Phước?
Như tôi vừa nói, An Phước tuân thủ nghiêm ngặt tính trung thực, chăm chút từng đường kim. Chúng tôi tâm niệm, chất lượng không chỉ là chứng chỉ ISO mà còn nằm ở sự cẩn trọng ngay từ đầu trong mọi công việc. Đó là đặc tính của may An Phước. Họ đã biết chúng tôi từ trước đây, khi tôi làm hàng Pierre Cardin gia công cho các công ty Nhật.
– Vợ chồng chị đã sang Pháp gặp ông Pierre Cardin như thế nào?
À, đó là chuyến “Hai Lúa đi Tây”. Năm 1998 có cuộc triển lãm ở Paris, những người mua bản quyền được mời. Chúng tôi được đến văn phòng ông, được đi xem cách bài trí cửa hàng mẫu, rất độc đáo. Có cả cái treo quần bằng sơn mài giống xương cá, rất nghệ thuật. Sau này vào năm 1999, nhân dịp qua TPHCM làm một chương trình trình diễn thiết kế ở nhà hát Hòa Bình, ông đã đến thăm cửa hàng chúng tôi.
– Phong cách Pierre Cardin được An Phước gìn giữ ra sao?
Ngay cửa hàng cũng phải theo mẫu gốc. Đối với Tây, đơn giản, ít, không luộm thuộm. Rối thì không sang. Ông Cardin còn đến xem cửa hàng chúng tôi để tận mắt kiểm tra xem chấp hành có đúng không. Phải chú ý cả cách bày cái điện thoại ở đâu, sao cho không rối.
– Còn phong cách áo quần, sản phẩm, có đặc trưng gì Pierre Cardin?
Mẫu mã của ông hơi cổ điển, với quan niệm cổ điển sẽ không bao giờ lỗi mốt, cho dù thời trang là phá cách. Sản phẩm mua bản quyền là dành cho nam, ở độ tuổi 30 – 40 thuộc giới văn phòng, doanh nhân.
– Tại sao chọn lứa tuổi ấy trong khi các hãng săn đón tuổi teen?
Trẻ quá hay thay đổi, mau chán, chưa định hình. 35 – 40 tuổi đã qua thời thích diêm dúa, đã lập nghiệp, có địa vị, ưa sự lịch lãm, sang trọng, chú ý chất liệu vải.
– Làm hàng hiệu Pierre Cardin có khó không?
Chất liệu vải quyết định tới 40%. Có điều là càng đơn giản càng khó may. Nếu là một áo jacket chẳng hạn, phía trong còn có một lớp. Những đồ phức tạp có khi kết miếng nhỏ, nối lồng, lỗi che được phía trong. Sơ mi đơn giản nhưng ăn nhau “mặt tiền”, cổ phải vừa vặn không khó chịu. Chỉ bung xì một tí là thấy ngay. Chúng tôi có sản phẩm độc quyền tại Đông Dương, đăng ký sở hữu bản quyền An Phước tại Úc. Những hàng cho Việt kiều Úc thì đơn giản. Khó là Nhật. Đường kim mũi chỉ rất kỹ, dù kiểu dáng không phá cách lắm. Đức cũng kỹ. Kiểm hàng từng cái. May cho Mỹ thì đòi chất lượng, rẻ, số lượng nhiều. Tôi được nhận làm cho Pierre Cardin cũng vì học được “tính kim chỉ” kỹ càng khi làm hàng cho Nhật. Muốn lấy tiền của Nhật: may nghiêm túc sẽ có tiền.
Bước ra từ cái bóng khổng lồ
– Chị hài lòng gì nhất ở hàng An Phước?
Tự tin nhất là sơ mi, quần, đồ vest. Lăn lộn với nó. Trong đồ vest phải may tay khá nhiều chứ đâu bỏ mặc cho máy móc hết. Nhiều người trong ngành nhìn đường kim mũi chỉ như may đo, bảo: tỉ mỉ thế sao ăn? Nhưng chúng tôi chú tâm ngay từ đầu. Sẽ không có cái thứ hai lặp lại đâu, có rủi ro đấy. Cho nên cẩn trọng kỹ lưỡng trong từng hành vi. Hài lòng nhất là được khách hàng tín nhiệm và An Phước đã là một thương hiệu tầm cỡ quốc gia.
– Ở tủ kính trưng bày, An Phước được rất nhiều giải vàng, cúp, danh hiệu, huân chương. Có tới 50 bằng khen. Theo chị, trong số đó, cái nào cao và khó đạt nhất?
Cái nào cũng cao quý, phấn đấu nhiều lắm mới đạt được. Nhưng phải đi qua mấy khâu: từ chỗ đạt “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, rồi “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành may”, đến “Thương hiệu dẫn đầu” rồi mới đạt “Thương hiệu quốc gia”. Đó là cả một sự phấn đấu cật lực. Từ chỗ khởi đầu không ai biết đến, nay được xã hội công nhận. Rất vất vả. Thăng trầm. Lời tiền không phải nhiều lắm. Nhưng nghề máu huyết, theo lâu dài.
– Chị có nghĩ An Phước sẽ ra với toàn cầu không?
Muốn thì có thể ra được. Nhưng vấn đề là mỗi người có giá trị cốt lõi nào để đi ra. Các công ty nước ngoài hơn mình ở máy móc hiện đại, computer… Tôi làm từng bước chắc chắn, không ồ ạt.
– Khủng hoảng kinh tế trên thế giới, lạm phát rồi lại tới giảm phát trong nước ảnh hưởng tới mọi doanh nghiệp. Chỗ chị thế nào?
Hiện nay khó khăn tài chính là vấn đề đầu tiên. Hồi năm 1997 không ảnh hưởng, nay vay ngắn hạn cũng bị ảnh hưởng. Trước 10 phần nay còn 7. Năm 1997 không thiếu nhân công, nay thì thiếu do các công ty nước ngoài vào nhiều. Giờ đây thiếu người có tay nghề, tôi phải đào tạo toàn thợ mới. Hình như bây giờ người ta không còn chăm chỉ, thích thú với nghề may nữa, mà chỉ coi là một nghề để sống. Thợ giỏi chỉ còn độ 40 – 45%.
– Thế nào là một thợ giỏi của An Phước?
Là những người đầu tàu biết tự ứng xử, biết quyết định. Thợ may một mình 3 – 4 công đoạn, điều hành nhiều máy.
– Chị có như các doanh nghiệp phải giảm bớt đầu tư, tiết kiệm mọi mặt?
Đó là biện pháp thông thường nhất. Chúng tôi ổn định sản xuất, không để tồn kho đại trà. Ra mẫu mã mới, giảm giá, đa màu sắc, chủng loại, thay đổi phong thái, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, phục vụ chu đáo, nhận cả sửa chữa sản phẩm. Thực hiện rà soát chi phí; trước quảng cáo hoành tráng, nay tiết kiệm hơn.
An Phước chỉ chú ý lứa tuổi 35 – 40 hay là vẫn có đích ngắm đến tuổi trẻ hơn?
Những sản phẩm bản quyền Pierre Cardin cho giới thành đạt, có địa vị xã hội, nhưng An Phước luôn đa dạng hóa mặt hàng.
– An Phước hướng tới giới trẻ bằng những sản phẩm loại nào?
Màu sáng, ca-rô, sọc, áo body bỏ ngoài quần. Cơ bản là chất liệu vải và kiểu dáng phong phú. Năm 2009 tới sẽ còn khó khăn, chúng tôi sẽ đa dạng hóa chất liệu vải, phân khúc thị trường một cách linh hoạt… Chúng tôi sẽ sản xuất thêm cả đồ jeans.
Thời trang – Những hiện tượng tâm lý
– Chị thích ăn mặc thế nào?
Đơn giản, không lòe loẹt. Tôi không “hoành tráng”. Tiếp khách tôi mặc váy và áo vest kiểu doanh nhân. Xuống xưởng mặc quần tây. Tôi không là “tủ vàng di động”. Công nhân còn khổ mà mình trang trí gì! Đi đoạn đường gần, có người “hết hồn” thấy tôi phóng xe đạp. Phải giao tiếp nhiều, cần sang mà đơn giản, hợp tuổi. Áo dài là ưu điểm của tôi, mặc nó thấy tự tin và hợp dáng. Nhiều bạn bè trong giới kinh doanh của tôi mặc đồ mắc tiền. Khi có ai đó nói tới cách ăn mặc của tôi, tôi thường trả lời vui rằng: “Tôi chưa đến model đó”. Không biết tôi có đơn giản quá không. Tôi trang điểm như không, không nổi bật từ xa…
– Chị hiểu thế nào về “thời trang”?
Hàng cho Việt kiều Úc thì đơn giản. Khó là Nhật. Đường kim mũi chỉ rất kỹ, dù kiều dáng không phá cách…
|
Thời trang, model chỉ là những hiện tượng tâm lý thôi. “Thời trang” chỉ là để muốn người ta nhìn nhận cá tính mình, nó luôn nhất thời thôi. Với tôi, thời trang không cần xa hoa. Thể hiện được tính chất của mình: chân thật, trung thực. Đó chính là phong cách.
– Thế “cái lý” của người xa hoa là ở đâu, đẳng cấp hay phong cách của họ?
Phong cách không chỉ là ở thời trang, nó còn là văn hóa, phong cách sống. Có thể những người giàu có sẽ cho rằng, những người ăn mặc đơn giản là do chưa đủ tiền. Tôi đã tham gia nhiều đoàn doanh nhân ra nước ngoài. Trong bàn tiệc có bà than phiền vì chưa mua được cái túi Louis Vuitton giá 4.000 đô la Canada. Một chị ở Nha Trang cũng nói chuyện cái túi 3.000 đô la mà nhẹ như bông gòn. Một cái đầm đen 2.500 đô la. Chắc họ kiếm lời từ các dự án bất động sản chứ không thì làm ăn sao ra. Mà tôi nghĩ mua quá mắc làm chi. Không thể mặc mãi một thứ. Mình căn cơ kim chỉ, không thể xa hoa. Ngay cả khi có tiền cũng phải nhìn xung quanh, còn người nghèo. Tôi khâm phục một ông chủ hãng đồ mộc rất lớn của Thụy Điển. Ông tỉ phú nổi tiếng toàn cầu mà tự lái chiếc xe Volvo cũ còn dùng tốt.
Phụ nữ làm lãnh đạo
– Trước đây chị đã từng đi du học ở Nhật và Singapore về quản trị. Bận rộn thế chị vẫn tiếp tục học và vừa hoàn thành xong chương trình thạc sỹ?
Học cả đời mà. Tôi học để được cập nhật thông tin và phương pháp mới. Trước đây mở công ty, cắm đầu làm; nay là tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược, quản lý thương hiệu. 12 môn học phục vụ doanh nghiệp. Giáo sư Bỉ dạy 1 tháng 5 ngày, ngoài ra làm bài thu hoạch, mở rộng kiến thức, ứng dụng vào thực tế doanh nghiệp.
– Chị học vào lúc nào?
Chỉ còn ban đêm thôi. Tôi rất hài lòng vì ngoài 50 tuổi còn được nhận bằng, áo mão cân đai.
– Anh chị lập nghiệp từ trong nghèo khó thời bao cấp, cửa hàng cũng do cha mẹ cho mượn, nay thành một thương hiệu quốc gia. Chồng chị cũng làm chung một doanh nghiệp. Chị xử lý mối quan hệ gia đình này có khó lắm không?
Dù có làm lãnh đạo, người phụ nữ vẫn luôn nhớ mình làm vợ, làm mẹ. Đôi khi anh ấy phê phán khá nóng nảy, tôi chịu đựng kiên nhẫn, vì anh cũng hết lòng với sự nghiệp. Tôi nhắc các con phải học tập, lao động, phải trau dồi, đừng sống trong cái bóng của An Phước. Tôi thành công cũng vì con nghe lời. Tôi đã từng phát biểu trong lễ ở trường của con tôi: “Mẹ cảm ơn Khoa, con học nên người, tự đi bằng chân của Khoa”. Tôi thường bàn với chồng: làm quản lý là làm gương, đừng nói nhiều mắc mệt. Phải lo cho công nhân và có trách nhiệm với xã hội. Mình phát tâm, không đua theo phong trào cho có.
– Chị tự đánh giá thành công của mình ở mức nào?
Dù đã là một thương hiệu quốc gia, một doanh nghiệp với gần 3.000 cán bộ nhân viên, những cố gắng của mình đã được xã hội công nhận, nhưng chúng tôi vẫn chỉ đang ở giai đoạn kiếm đủ tiền để tái sản xuất, chưa thật giàu.
Tôi chưa bệnh, còn khỏe. “Vô sản” nên đêm nằm xuống ngủ liền. Còn nhiệt huyết. Tôi thường đùa người hay cáu giận: “da dẻ nhăn lại kìa”. Người ta mất tiền lớn để làm thẩm mỹ “ủi giãn ra” không được, sao mình lại cứ cau có vào…
Ngọc Hải (doanhnhan)
Bình luận (0)