Nhiều doanh nghiệp khai thác cát nhiễm mặn trong cả nước vừa gửi đơn “kêu cứu” đến Thủ tướng và các cơ quan liên quan, khiếu nại bị cấm xuất khẩu cát đột ngột khiến họ thất thoát tiền tỷ.
Những ngày đầu tháng 11, toàn bộ lô hàng cát mặn chuẩn bị xuất khẩu đã bị kẹt lại ở các cảng vì hải quan ách lại. Trước đó, ngày 29/9 Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương dừng việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng, vật liệu san lấp. Trong khi đó, các tỉnh lại phê duyệt phương án nạo vét luồng cửa biển cho các tàu tránh trú bão và thông luồng giao thông thủy. Bù lại, doanh nghiệp được lấy cát nhiễm mặn xuất khẩu, bù chi phí.
Theo các doanh nghiệp, những dự án xuất khẩu cát được duyệt đều nằm trong Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, theo quyết định số 288 ngày 8/11/2005 của Chính phủ. Để thực hiện dự án, doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Song chưa kinh doanh được bao lâu thì có lệnh cấm xuất khẩu cát đột ngột.
Tàu khai thác cát mặn ở cửa biển. Ảnh: Hà Thanh. |
Theo văn bản được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 29/9, các địa phương phải dừng việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng, cát vật liệu san lấp, nhằm chấn chỉnh tình hình xuất khẩu cát tràn lan. Bộ Xây dựng được giao lập đoàn để kiểm tra và đề xuất hướng giải quyết. Song văn bản này không đề cập đến việc cấm doanh nghiệp đang khai thác cát nhiễm mặn để xuất khẩu, trong các dự án được cấp phép.
Vụ việc trở nên căng thẳng khi ngày 30/9, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố dừng làm thủ tục xuất khẩu cát các loại. Vì vậy, nhiều lô hàng của doanh nghiệp tắc tại cảng vì hải quan không làm thủ tục mở tờ khai và thông quan.
Ngày 7/10, Bộ Xây dựng có văn bản số 2173, cho phép doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cát nhiễm mặn từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch tại cửa sông, cảng sông giáp biển đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng đến tháng 11, việc xuất khẩu cát vẫn bị ách tắc ở khâu hải quan.
Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư ở Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Dũng than: "Đổ 300 tỷ đồng vào dự án nạo vét luồng cửa sông Dinh và sông Phan, nay đột ngột bị cấm xuất khẩu cát, công ty như chết đứng".
Giám đốc Công ty Tất Đại Thành tại Phú Yên, bà Nguyễn Thị Mai Thành cho biết đang bị "chôn" 160 tỷ đồng vì không xuất được cát. Còn theo ước tính của Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Cát Biển – Lê Xuân Ninh (tỉnh Quảng Bình), hiện mỗi ngày doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì trễ hợp đồng và tiền lưu kho, thuê mướn phương tiện do không thể làm thủ tục thông quan để xuất khẩu. Chỉ riêng tiền phí cảng một ngày cho một tàu trọng tải 40.000 tấn là 7.000 USD, tiền neo đậu do không xuất hàng là 22.000 USD mỗi tàu một ngày.
Đồi cát dôi ra biển cần khai thác để thông luồng lạch tàu biển. Ảnh: Hà Thanh. |
Các công ty khai thác cát mặn tại Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Vũng Tàu… đều phát hoảng khi nhận được đề nghị của cơ quan chức năng xem xét việc dừng xuất khẩu.
Hiện lãnh đạo các tỉnh thành có cửa biển như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu, đã gửi công văn kiến nghị, đề nghị Chính phủ tiếp tục cho doanh nghiệp khai thác cát nhiễm mặn để xuất khẩu.
Theo UBND các tỉnh thành này, loại cát nhiễm mặn nạo vét từ các cửa biển không phục vụ cho thị trường trong nước. Nếu cấm xuất khẩu thì nạo vét xong phải đem ra biển đổ. Việc này gây bồi lấp trở lại, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới biển, gây khó khăn cho việc nuôi trồng hải sản và cản trở luồng thông thuyền của tàu bè.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan ảnh hưởng đến môi trường, cạn kiệt tài nguyên và lở đất. Trong khi đó, giá cát xây dựng trong nước tăng cao, nhiều công trình xây dựng lại thiếu cát. Một số nước trong khu vực như Singapore, Campuchia… cũng dừng việc xuất khẩu cát vì thấy không có lợi. Thủ tướng đã ra lệnh tạm dừng xuất khẩu cát với lý do như vậy. Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn hải quan địa phương thực hiện theo chỉ đạo này.
Trước đây, Bộ Xây dựng có quy định cho phép khai thác cát nhiễm mặn và xuất khẩu, lâu nay vẫn thực hiện. Tuy nhiên, chỉ đạo của Chính phủ là tạm dừng xuất khẩu cát, không phân biệt chủng loại. Vì vậy, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan địa phương hướng dẫn tạm thời dừng xuất khẩu. Văn bản của Bộ Xây dựng và Tổng cục Hải quan có sự “vênh nhau” đã được các địa phương phản ánh.
"Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính về việc này và Bộ đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng. Việc xử lý hoạt động khai thác cát xuất khẩu cũng như vướng mắc giữa 2 văn bản đang chờ chỉ đạo từ Chính phủ", ông nói.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, kinh phí để nạo vét khơi thông luồng lạch các cửa sông, cảng biển hàng năm lên đến hơn 1.200 tỷ đồng, tất cả đều lấy từ ngân sách.
Trong các năm 2007-2009, việc cho phép doanh nghiệp xuất khẩu cát mặn đã góp phần giảm bớt nguồn chi từ ngân sách, tăng ngân sách địa phương thông qua các khoản thu như thuế xuất khẩu 17%, thuế tài nguyên 5%, phí bảo vệ môi trường 2.000 đồng mỗi m3. Loại cát nhiễm mặn hiện không thể dùng cho xây dựng, san lấp mà chỉ có thể xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Sigapore, nơi đang có những dự án lấn biển nên buộc phải mua loại vật liệu này. |
Vũ Lê – Hồng Anh (VnE)
Bình luận (0)