Trong khi Bộ và Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam khuyến khích nghề nuôi ong mật thì tại H.Bắc Trà My chính quyền địa phương “ra sức” xua đuổi doanh nghiệp (DN) đến địa bàn hành nghề.
3.000 đàn ong đang bị chính quyền H.Bắc Trà My đẩy đuổi, gây thiệt hại nặng nề cho DN – Ảnh: Trần Hanh
Người nuôi lao đao
Theo nghề “du mục” cùng đàn ong đã hơn chục năm qua nhưng chưa bao giờ ông Mai Văn Hương (thuộc Công ty TNHH SX TM-DV Vinawax, trụ sở tại TP.HCM) lại gặp cảnh bị chính quyền địa phương kiên quyết đẩy đuổi như H.Bắc Trà My. Trong hồ sơ gửi Báo Thanh Niên, ông Hương-hiện đang giám sát 6 trại nuôi ong tại H.Bắc Trà My khẳng định, việc đặt thùng ong ở các xã là hợp pháp bởi ông có đầy đủ giấy tờ liên quan. “Trước khi vào các xã đăng ký đưa ong vào, chúng tôi đã làm việc với Phòng NN-PTNT, Trạm Thú y của huyện và đã được đồng ý. Đến khi về xã thỏa thuận với các hộ dân, chúng tôi cũng được bà con chấp thuận. Duy chỉ lãnh đạo UBND H.Bắc Trà My lại thẳng thừng từ chối và quyết đẩy đuổi bằng được…”, ông Hương nói.
Theo ông Hương, cách đây 2 tháng, khi hoàn tất các thủ tục, ông cùng những người nuôi ong khác đã đưa 3.000 đàn ong vào các xã: Trà Tân, Trà Giang, Trà Dương, Trà Giáp và Trà Sơn để lấy mật. Kinh phí để vận chuyển hết trên 500 triệu đồng. “Thêm vài tháng nữa thì tất cả 3.000 đàn ong sẽ thu hoạch mật nhưng nếu bị đẩy đuổi trong thời gian này, người nuôi ong ôm lỗ, thiệt hại rất nặng nề…”, ông Hương than thở. Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Nhuần, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My quả quyết việc đẩy đuổi các đàn ong mật là “chính đáng” nhưng ông Nhuần lại đưa ra những lý do rất khó hiểu. Cụ thể, ông Nhuần nêu 4 lý do để đuổi đàn ong của Công ty Vinawax là: không thông qua địa phương và gây ô nhiễm môi trường. “Bên cạnh đó, hiện huyện chưa có quy hoạch nuôi ong nên không cho đặt thả ong. Nuôi ong trên địa bàn sẽ làm mất đi những đàn ong tự nhiên, do đó sẽ dẫn tới mất thương hiệu mật ong tự nhiên của H.Bắc Trà My và tỉnh Quảng Nam. Sang năm có quy hoạch mới cho nuôi…”, ông Nhuần nói.
Chính ông Nguyễn Nhuần đã ký công văn số 801/UBND-NN yêu cầu Phòng NN-PTNT, Trạm Thú y huyện và UBND các xã, thị trấn kiểm tra giấy tờ liên quan đến việc cấp phép của ngành chức năng của tỉnh, của huyện về tổ chức nuôi ong lấy mật. Mới đây, thực hiện theo công văn này, ngày 10.7, UBND H.Bắc Trà My lập đoàn kiểm tra và lập biên bản đối với các chủ trại ong. Trong đó, có nội dung: các cơ sở và người nuôi ong chưa đảm bảo các giấy tờ theo quy định của nhà nước (không có giấy phép nuôi ong của UBND huyện cấp). (?)
“Tôi không hiểu sao kỳ lạ vậy…”
Đặc biệt, khi đưa ong vào Bắc Trà My, Công ty Vinawax đã trình các công văn về việc khuyến khích nuôi ong từ Cục Chăn nuôi, Sở NN-PTNT Quảng Nam cho Phòng NN-PTNT huyện này. Trong công văn số 621/CN-GSN của Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) ngày 17.6.2014 khẳng định, ong mật không những mang lại nhiều lợi ích trực tiếp từ các sản phẩm của ong mật mà còn có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thụ phấn cho cây trồng. Ong mật hoàn toàn không ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và phát triển của hạt lúa, cây keo, do đó không nên xua đuổi. Cục Chăn nuôi còn yêu cầu, Sở NN-PTNT các tỉnh “cử người theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình và không để người dân xua đuổi đàn ong mật tại các điểm đặt nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống”.
Trước cam kết ong mật có lợi cho cây trồng từ phía Công ty Vinawax, Sở NN-PTNT Quảng Nam cũng có công văn số 999/SNN-PTNT-KT (ngày 17.6.2014), gửi cho các UBND huyện khẳng định lần nữa lợi ích con ong mật đem lại, trong đó có gửi cho H.Bắc Trà My. Công văn này cũng đề nghị các huyện, thành phố tạo điều kiện cho các DN nuôi ong. Thế nhưng, UBND H.Bắc Trà My lại phớt lờ và đưa ra những lý do đẩy đuổi gây bức xúc cho người nuôi ong. Ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, khi đến địa phương để đặt đàn ong, miễn DN không xung đột lợi ích với người dân là được. Về việc chính quyền H.Bắc Trà My không đồng ý để DN thả nuôi đàn ong, ông Muộn tỏ ra bất ngờ: “Tôi không hiểu sao lạ kỳ vậy. Chúng tôi không tán thành cách làm của huyện. Thông thường, sau khi thông qua ngành chuyên môn thì người nuôi ong chịu trách nhiệm quản lý ở cấp xã, còn giấy tờ để di chuyển ong thì đầy đủ giấy kiểm dịch là được. Nếu thấy đảm bảo điều kiện thì nên tạo điều kiện cho người nuôi ong…”, ông Muộn nói.
Ông Muộn cũng khẳng định không có chuyện quy hoạch việc nuôi ong bởi “không ai lấy tiền đi làm quy hoạch chi tiết việc nuôi ong mật”.
Hoàng Sơn (TNO)
Bình luận (0)