Trong thời buổi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp đặt việc sắp xếp lại lao động lên hàng đầu, người lao động cũng chật vật tìm việc, giữ việc.
Anh Đỗ Hoài Bảo, nhân viên Công ty PNG, quận 3, TP.HCM. Công việc chính trước đây của anh là giao sản phẩm cho khách hàng. Giờ đây anh phải kiêm thêm một số công việc như đóng nút, bế thành phẩm… theo sự sắp xếp lại công việc của công ty – Ảnh: Minh Đức |
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, bốn tháng đầu năm 2012 có 16.700 lao động thiếu việc, mất việc tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng sản xuất và di dời do suy giảm kinh tế. Số lao động trên rơi vào các ngành nghề: xây dựng, thương mại-dịch vụ, cơ khí…
Xáo trộn từ văn phòng đến sản xuất
Ba tháng nay, dù đôn đáo nộp hồ sơ nhiều doanh nghiệp nhưng Hồng Điệp vẫn chưa tìm được việc làm. Điệp cho biết các công ty có rao tuyển nhưng nộp hồ sơ xong, chờ hoài không thấy công ty hồi âm. Gọi điện hỏi thì phòng nhân sự trả lời công ty giữ hồ sơ, khi nào có nhu cầu sẽ gọi phỏng vấn. Giữa tháng 6, Điệp được nhận thử việc thư ký giám đốc cho một công ty phụ liệu may mặc ở Q.Tân Bình. Tuy nhiên khi nhận việc thì Điệp được giao thêm làm tiếp tân, thủ kho và kiêm luôn phần việc của kế toán là báo cáo công nợ. “Mình không rành Excel (chương trình xử lý bảng tính – PV) nên việc báo cáo công nợ bị chậm, sếp gọi lên la mắng và cho nghỉ việc”, Điệp ấm ức. T.L., nhân viên một công ty xuất khẩu cà phê, cho biết ra tết công ty cắt giảm 1/3 nhân sự, những người còn lại phải “ôm” việc cho những người nghỉ nên hôm nào cũng tối mịt mới về, trong khi thu nhập vẫn giữ nguyên.
Thu Hương, phụ trách truyền thông một công ty bất động sản ở Q.7, cho biết dù thị trường “đóng băng” nhưng công việc lại bù đầu. “Trước đây bên mình thuê công ty tổ chức sự kiện làm các chương trình, còn giờ công ty bắt tự làm từ A-Z để giảm chi phí”, Hương than thở. Giám đốc một doanh nghiệp in ấn ở Q.3 cho biết công ty mở rộng sản xuất nhưng không tuyển thêm nhân viên văn phòng, thay vào đó là sắp xếp lại nhân sự theo hướng “gom” việc cho mỗi người. Đơn cử, nhân viên kế toán còn kèm thêm việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội; khai báo tăng, giảm lao động…
Không chỉ khối văn phòng mà khối sản xuất cũng rơi vào tình cảnh sắp xếp lại lao động. Kim Yến, công nhân ở KCX Tân Thuận, bị cho nghỉ việc do công ty thiếu đơn hàng. “Trong khu chế xuất giờ tuyển dụng lao động rất ít. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giảm ca, giảm giờ làm nên tôi không xin đi làm nữa”, Yến nói. Hiện Yến hùn hạp cùng mấy người bạn bán giày dép để kiếm sống, chờ các doanh nghiệp phục hồi mới xin đi làm lại. Theo Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP.HCM (Hepza), thời gian qua nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất đã cho gần 1.000 công nhân nghỉ việc. Trưởng phòng nhân sự một công ty thủy sản ở Q.Tân Phú cũng xác nhận định hướng của công ty trong sắp xếp lại lao động là hạn chế sức người bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết qua khảo sát đời sống công nhân ở huyện Bình Chánh, có hiện tượng một doanh nghiệp may ngừng hoạt động tập trung, cho công nhân mang máy về nhà làm để giảm chi phí các chế độ của người lao động và thuê nhà xưởng…
Cần phát huy nhân lực
Ông Trần Anh Tuấn – phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – cho biết do tác động của nền kinh tế, thị trường lao động TP trong sáu tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới sự ổn định. Nhiều doanh nghiệp, do nhiều áp lực đã phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoạt động, tinh giản bộ máy, nhân sự, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công sản xuất, chế biến.
Theo ông Tuấn, việc sắp xếp lao động từ yêu cầu phải tái cấu trúc doanh nghiệp, về bản chất đó chính là việc thay đổi doanh nghiệp một cách toàn diện, tự làm mới mình cho phù hợp với tình hình hiện tại nhằm nâng cao hiệu suất kinh doanh, tính cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Đây là yêu cầu mà mỗi doanh nghiệp đang tính toán thực hiện trong năm 2012 và các năm sắp tới, rõ nét nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng, dịch vụ, công nghiệp…
Ông Tuấn cũng cho biết hình thức sắp xếp lại lao động phổ biến hiện nay là sáp nhập các bộ phận một lúc hoặc từng bước sáp nhập (tổ, phân xưởng, phòng,…). Từ đó thuyên chuyển, hạ cấp người quản lý, nhân viên làm việc năng suất thấp sang bộ phận mới mà không tuyển thêm lao động mới. Ngoài ra, doanh nghiệp còn giảm tiền lương đối với nhân viên hành chính có mức lương cao, với lý do doanh nghiệp không đạt doanh số kinh doanh, hoặc điều chuyển nhân viên sang đơn vị khác, đơn vị mới thành lập. Nhiều doanh nghiệp cũng không ký lại hợp đồng đối với người làm việc có thời hạn từ 1-3 năm nếu năng lực làm việc, hiệu quả không cao.
Theo ThS Trần Minh Trọng, giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực HD-Leaman, một số doanh nghiệp chỉ biết cắt giảm nhân sự mà chưa phát huy hết năng lực của người lao động. “Trong lúc khó khăn này doanh nghiệp nên tập trung vào nguồn lực con người” – ông Trọng chia sẻ.
Hãy là người doanh nghiệp cần
Hơn 100 công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận ngỡ ngàng với cái tên hội thảo “Hãy là người doanh nghiệp cần” do Quỹ Hỗ trợ công nhân TP tổ chức mới đây. Bằng những câu hỏi trực tiếp, Th.S Trần Minh Trọng – giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực HD-Leaman, đã chứng minh và dẫn dắt người nghe về thông điệp: doanh nghiệp cần gì ở bạn và bạn phải thay đổi ra sao để đáp ứng với thực tế công việc.
“Doanh nghiệp đang gặp khó khăn, “chết lâm sàng” và hầu hết doanh nghiệp đang giải bài toán cắt giảm lao động. Bạn có muốn nằm trong số bị cắt giảm?”, diễn giả mở đầu hội thảo bằng câu hỏi gắn với sự sống còn của người lao động.
Người lao động phải làm gì để không nằm trong danh sách “đen” bị cắt giảm? Diễn giả nêu một “quy luật vàng”: khi bạn có những điều doanh nghiệp cần, bạn sẽ được những cái bạn muốn. Theo diễn giả, trước hết người lao động phải có khả năng “ghi bàn”, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Khả năng đó chính là năng lực chuyên môn trong công việc cụ thể. Tuy nhiên: “Đa số người lao động chỉ làm vừa đủ việc doanh nghiệp giao, trong khi doanh nghiệp cần làm nhiều hơn”, diễn giả nói. Và do đó, theo diễn giả, người lao động đã không muốn “ghi bàn” trong khi có rất nhiều cơ hội. Thông điệp mà diễn giả muốn gửi đến người lao động là: “Hãy là người biết “ghi bàn”, là người chủ động trong công việc”.
Phẩm chất tiếp theo mà người lao động cần có là những thái độ để doanh nghiệp tuyển dụng và giữ lại, gồm: tinh thần lạc quan, hiểu người khác, biết học hỏi và sẵn sàng làm việc nhỏ. Theo khảo sát, diễn giả thông tin: trong trường hợp cắt giảm lao động, các doanh nghiệp chỉ giữ lại những người có những tố chất trên, dù có thể còn hạn chế về chuyên môn. Phẩm chất cuối cùng không kém phần quan trọng là phong cách chuyên nghiệp, gồm: hình thức (trang phục, đầu tóc…); tác phong (đi, đứng…) và biết thể hiện quan điểm cá nhân như hỏi, nghe.
Trao đổi ngoài lề hội thảo, diễn giả cho biết trong thời điểm này, điều doanh nghiệp cần nơi người lao động là hiểu và chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể.
|
TRUNG CƯỜNG (TTO)
Bình luận (0)