Nếu bạn thấy mình luôn bị hụt hơi, thiếu sức sống; ngủ chập chờn và hay mộng mị, đau nhức cơ bắp, đau đầu, đau họng… kéo dài vài ba tháng, bạn
cần đi khám bác sĩ ngay, vì đó là dấu hiệu báo động rằng các cơ quan trong cơ thể của bạn đang bị trục trặc, thậm chí đã ở vào giai đoạn “báo động đỏ”.
Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều chứng bệnh "lạ", trong đó có hội chứng mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân. Chứng bệnh này thường gặp ở phụ nữ. Điều này không có gì lạ, bởi sức đề kháng của phụ nữ thường yếu hơn nam giới. Ngoài công việc xã hội họ còn phải đảm trách việc nhà, chăm sóc và dạy dỗ con cái. Sức chống đỡ của phụ nữ đối với những áp lực trong cuộc sống cũng kém hơn. Đó là chưa kể do hoạt động của nội tiết tố, phụ nữ thường bị mệt mỏi khi sắp có kinh nguyệt, mãn kinh, bắt đầu thai kỳ…
Biểu hiện của bệnh
Những người mắc hội chứng mệt mỏi kéo dài thường có các biểu hiện sau: không tập trung được tư tưởng và hay quên, ảnh hưởng đến công việc, học tập; đau họng; nổi hạch ở cổ hoặc nách; đau nhức các bắp thịt; một số khớp bị đau nhức nhưng không có dấu hiệu sưng đỏ, nóng; có những cơn nhức đầu dữ dội không khu trú ở một điểm nào nhất định; ngủ được nhưng vẫn mệt; mọi cố gắng đều làm người bệnh mệt mỏi cả ngày.
Khi đã mắc hội chứng mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, người bệnh dù không phải làm gì cũng thấy mệt mỏi, thậm chí, dù có nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng vẫn không hết. Những đợt mệt có thể trở đi trở lại hệt như những cơn cảm cúm, mỗi cơn có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần.
Phương pháp điều trị
Nếu đúng là mắc phải hội chứng mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, người bệnh cần kết hợp dùng thuốc và liệu pháp tâm lý trong điều trị thì bệnh mới khỏi. Kết hợp xoa bóp, chườm nóng hoặc lạnh, thể dục, thư giãn, châm cứu. Bên cạnh đó, thầy thuốc có thể chỉ định thuốc an thần. Ngoài dùng thuốc, thì tâm lý liệu pháp đóng vai trò quan trọng trong quá trình trị liệu để giúp bệnh nhân lấy lại lòng tin, không để bệnh điều khiển tư tưởng và hành động của mình nữa. Bệnh nhân của hội chứng mệt mỏi kinh niên nên thay đổi lối sống, cố gắng tập thể dục, tập dưỡng sinh, ăn uống điều độ và khoa học (nhiều rau quả tươi, ít mỡ, thịt động vật).
Ngoài hội chứng mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, còn rất nhiều bệnh khác cũng khiến người bệnh bị mệt mỏi, đó là:
– Dị ứng thức ăn: thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày khi gặp nhau trong dạ dày, cùng với tác động của các loại men tiêu hóa, sẽ gây ra các phản ứng tạo thành các chất đặc biệt. Một vài những chất đó có thể sẽ gây dị ứng. Ở cấp độ nhẹ thì gây buồn ngủ. Nặng hơn thì gây ra uể oải, mệt mỏi, khó chịu… Những người luôn thấy mệt mỏi nên tránh xa các thực phẩm có chứa cafein như cà phê, cola, soda… vì tuy là chất kích thích hưng phấn, nhưng đối với một số phụ nữ, cafein có tác dụng ngược lại: gây mệt mỏi.
– Trầm cảm và suy nhược thần kinh: Làm việc căng thẳng thường xuyên, cơ thể bạn sẽ cạn kiệt năng lượng. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi.
– Ngủ không ngon giấc: nguyên nhân khiến bạn ngủ không ngon giấc có rất nhiều. Đó có thể là do thần kinh của bạn quá nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh; do thời tiết thay đổi; nhưng cũng có thể do bạn bị hội chứng ngừng thở khi ngủ – một chứng rối loạn làm bạn ngừng thở giây lát và xảy ra nhiều lần trong một đêm. Mỗi lần ngừng thở, bạn lại tỉnh giấc và thường không nhận thức được việc này. Ngừng thở khi ngủ là do tắc nghẽn đường thở trên, thường xảy ra ở phụ nữ thừa cân hay béo phì. Nếu bị bệnh này, bạn nên đi khám bệnh sớm, vì nếu không được điều trị, chứng ngừng thở khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.
– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Khi bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đa số bệnh nhân thường bị nóng rát và đi tiểu nhiều lần, nhưng không hiếm trường hợp không có triệu chứng điển hình trên, mà chỉ thấy mệt mỏi, ấm ách vùng bụng dưới.
– Tuyến giáp hoạt động kém: rất nhiều người bị rối loạn tuyến giáp, khiến cơ thể mệt mỏi triền miên mà không biết, vì họ cho rằng, sự mệt mỏi đó là do ăn uống và nghỉ ngơi kém.
– Do lão hóa: quá trình lão hóa xảy ra không loại trừ bất kỳ một ai. Ở những người lớn tuổi, tình trạng mệt mỏi thường hay xảy ra, nhất là khi họ phải lo toan, gánh vác một công việc nào đó.
– Thiếu máu: đây là chứng bệnh thường thấy ở phụ nữ, nhất là ở giai đoạn sinh sản. Chu kỳ kinh nguyệt dài, bị u xơ, polip tử cung hay mới sinh…, tình trạng mất máu sẽ dẫn đến thiếu máu. Khi thiếu máu sẽ dẫn đến thiếu hemoglobin, một loại protein giàu chất sắt trong tế bào hồng cầu mang ôxy từ phổi đến các bộ phận khác trong cơ thể. Khi các mô và cơ quan không đủ ôxy, bạn sẽ thấy mệt mỏi. Bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Khi được điều trị hiệu quả chứng thiếu máu, sự mệt mỏi sẽ dần cải thiện.
– Huyết áp thấp: Những người có huyết áp thấp thường thiếu glucose và ôxy trong não nên dễ gây mệt mỏi và buồn ngủ, chậm chạp, hay bị chóng mặt vào ban ngày.
– Viêm khớp dạng thấp: bệnh nhân thường cảm thấy vừa mệt mỏi, sốt vừa đau nhức các khớp.
– Nhiễm ký sinh trùng: khi nhiễm ký sinh trùng ở hệ thần kinh, bệnh nhân thường bị mệt mỏi kéo dài kèm theo sốt, chán ăn, người lừ đừ, nhức đầu…
– Bệnh tim: khi cơn mệt mỏi xuất hiện, nhiều bệnh nhân tưởng mình bị cảm, không ăn được, nhưng thực ra đó là dấu hiệu của bệnh tim.
Phòng bệnh
Khi bị mệt mỏi, trước hết bạn hãy xem lại chế độ làm việc, sinh hoạt, ăn uống của mình đã khoa học chưa. Nếu chưa, hãy sắp xếp lại cho đúng. Để tránh mệt mỏi, bạn nên thường xuyên tập thể dục, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, có thể dùng thêm các thuốc trị suy nhược chức năng hoặc viên đa sinh tố theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu đã thực hiện các điều trên trong 1 tuần mà tình trạng mệt mỏi không hết, nhất thiết phải đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân và co hướng điều trị thích hợp.
ThS. Hà Hùng Thủy (SK&ĐS)
Bình luận (0)