Đợt nóng nóng đang kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước, với nền nhiệt độ cao trên 40 độ C khiến nhiều người thực sự cảm thấy “nóng” trong người. Có những loại trà trong dân gian rất dễ kiếm, giúp thanh nhiệt cơ thể rất hữu hiệu.
Tăng nhiệt do đâu?
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng nóng trong người đông y gọi là nội nhiệt. Đó là hệ quả của một trạng chứng mà đông y gọi là âm hư. Âm hư hiểu đơn giản là phần âm trong cơ thể (gồm máu, nước, các chất dịch) bị suy yếu, bị tổn hại. Khi phần âm này bị suy yếu sẽ dẫn đến phần âm của ngũ tạng, lục phủ bị suy yếu, tức là phủ, tạng đó bị nhiệt (nóng trong người).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng nhiệt này: Như mất nước do đổ mồ hôi vì vận động, sốt cao, do nôn mửa; Thiếu nước do uống quá ít nước, do ăn quá mắn, quá ngọt, ăn thức ăn giàu năng lượng, ăn uống nhiều chất cay, nóng…
Đặc biệt, một yếu tố dẫn đến tình trạng nóng trong người mà mọi người thường không để ý, đó chính là yếu tố về tâm lý. Đông y cho rằng, gận làm hại can, mừng vui quá độ làm hại tâm, bi ai buồn phiền sẽ hại phế, lo âu suy nghĩ sẽ hại tỳ, sợ hãi quá làm hại thận. Do vậy, tất cả các yếu tố khiến cuộc sống căng thẳng, stress, cáu gắt, giận giữ, buồn phiền… đều góp phần làm tăng nhiệt cơ thể.
Giải nhiệt bằng thảo dược dân gian
Lương y Đinh Công Bảy cho biết, khi nóng trong người, người bệnh không nên tùy tiện sử dụng các loại thảo dược mà nên được thăm khám để xác định phủ tạng nào bị nhiệt (có triệu chứng rất điển hình), tùy từng phủ tạng bị nhiệt mà lựa chọn các loại thảo dược thích hợp. “Tất cả các tạng phủ nào bị nhiệt, thì trong y học cổ truyền đều có các loại thảo dược theo chứng, loại nhiệt để giải quyết. Khi xác định được nhiệt phủ tạng nào, việc lựa chọn thảo dược (mỗi thảo dược lại có tính chất khác nhau) sẽ giải quyết tình trạng nóng trong người hiệu quả hơn”, lương y Bảy nói.
Dưới đây là những loại thảo dược phù hợp với từng loại phủ tạng bị nhiệt:
Gan – mật nóng (Can – Đởm nhiệt):
Người bệnh có biểu hiện bực dọc, cáu gắt, mắt đỏ, đau khung sườn, táo bón… thì có thể sử dụng các loại thảo dược như rau má, rau đắng, nhân trần, dành dành (chi tử), cúc hoa, kim ngân hoa… làm trà giải nhiệt.
Như vị thuốc kim ngân hoa, người bệnh có thể dùng 8-16g sắc uống mỗi ngày có tác dụng làm mát cơ thể, giải nhiệt độc, trừ rôm sảy, mẩn ngứa do gan, mật nóng. Còn vị thảo dược rau má rất thông dụng, dễ kiếm tại vườn nhà, bờ ruộng thì có thể dùng 30-50g tươi mỗi ngày bằng cách rửa sạch, ép nước uống. Còn nếu dùng rau má đã phơi khô, thì mỗi ngày dùng 12–16g, sắc uống.
Tâm – Tiểu trường nhiệt (Tim – ruột non nóng):
Với thể này, người bệnh có biểu hiện miệng khát, họng khô, lưỡi đỏ, người nóng bức rứt mất ngủ… Các loại thảo dược như lá sen, hạt sen, lá tre, bông súng, nha đam, khổ qua, hoa thiên lý, hoa dâm bụt, đậu đỏ, dừa… rất có hiệu quả để giúp an thần, ngủ ngon, giúp tiểu trường hoạt động tốt hơn.
Như với lá sen, có tính đắng, mát, tác dụng thanh thử nhiệt, an thần rất có tác dụng với người say nóng, bức rứt, mất ngủ. Người bệnh dùng 8-16g lá sen khô sắc uống hàng ngày. Còn với khổ qua, có thể dùng tươi 30-35g/ngày hoặc 12-20g khô sắc uống có tác dụng chữa khô miệng, người nóng bức rứt, mụn nhọt, tiểu tiện không thông…
Với trường hợp tỳ vị nhiệt (lách – dạ dày nóng):
Khi tỳ vị nhiệt, cơ thể mệt mỏi, miệng khô khát, đau cơ bắp, táo bón. Người bệnh có thể sử dụngcác thảo dược như sắn dây, khoai mài, mía lau, diếp cá, rau sam, sữa đậu nành, các loại đậu (đạu hủ, đạu ván, đậu xanh), bột củ năng, bột dong… rất hữu ích.
Như với mía và mía lau, có thể ép lấy nước uống 100-150ml mỗi ngày. Hay với diếp cá, dùng 20-40g ăn sống mỗi ngày hoặc lấy 10-12g khô sắc uống.
Với người bệnh có phế – đại trường nhiệt (phổi – ruột già nóng):
Với trường hợp này, người bệnh tiểu không thông, tiểu ít, phù thũng, người nóng, mụn nhọt, dễ sinh sỏi niệu… thì sử dụng các loại thảo dược như mã đề, đậu đen, rẻ cỏ tranh, râu ngô, củ sắn, ý dĩ, đậu đỏ, rau muống, mộc nhĩ, bí đao… rất hữu ích, do đây là các loại thảo mộc có tính mát, thanh nhiệt, lợi tiểu. Như với bí đao, người bệnh có thể dùng nấu canh, sắc uống hàng ngày giúp chữa tiểu không thông, tiểu ít, mụn nhọt.
Các loại mạch môn đồng, bông quỳnh, rau câu, nha đam, sau sam, thanh long, cam thảo, bạc hà, la hán quả là những thảo dược hữu hiệu giúp mát phổi, mát ruột do bị phế – đại trường nhiệt. Như quả la hán dùng 10 – 16g sắc uống mỗi ngày chữa nóng trong phổi, hơi thở nóng, khát nước.
Các loại thảo dược trên đều là những loại quen thuộc, dễ kiếm trong tự nhiên. Tùy từng loại thảo dược mà có thể sử dụng để ăn sống, giã lấy nước như rau má, rau diếp cá, vừa có thể nấu nóng dùng liền, hoặc sử dụng như một loại rau, thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
Hồng Hải / Dan tri
Bình luận (0)