Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vi khuẩn LC – sát thủ trong thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Những thực phẩm bị nhiễm khuẩn LC làm lây bệnh thường là: Xà lách trộn, patê, thịt lợn đóng gói, xúc xích…

Tính đến ngày 9/11, sau một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân Nguyễn Đức T vẫn phải thở máy. Theo Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực và Hồi sức cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới TƯ), bệnh nhân này bị nhiễm khuẩn listeria monocitogenes (LC) hiếm gặp, suýt tử vong.
Vi khuẩn tấn công mạnh vào não
Theo bệnh án, Nguyễn Đức T mắc bệnh da liễu mãn tính nên hệ miễn dịch bị suy giảm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến vi khuẩn LC dễ dàng tấn công, làm gia tăng suy các tạng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng shock, huyết áp giảm, hôn mê. Sau một tháng điều trị, bệnh nhân có biểu hiện hoại tử bàn tay, vùng bụng.
Bệnh nhân T đang được điều trị trong BV Nhiệt đới TƯ
(Ảnh chụp ngày 8/11). Ảnh: Vân Khánh.
Đặc biệt, vi khuẩn LC đã tấn công trực tiếp vào não khiến bệnh nhân bị viêm màng não mủ, phải thở máy, sử dụng phối hợp các loại kháng sinh mạnh. Các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân có tiến triển, khả năng cứu sống cao nhưng tốn thêm nhiều thời gian chữa bệnh.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, vi khuẩn LC thường tấn công thai phụ, trẻ em, người già, bệnh nhân ung thư, tiểu đường. Đầu năm 2010, BV cũng đã tiếp nhận bệnh nhân mang thai mắc bệnh do vi khuẩn LC. Nhưng chỉ sau một thời gian điều trị, bệnh nhân này đã tử vong.
BS Cấp cũng cho biết, khi bệnh nhân nhập viện, quá trình tìm vi khuẩn phải mất khoảng ba ngày. Và khi xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh, cũng là lúc bệnh nhân lâm vào tình trạng nặng. Do bệnh “lạ” nên hiện nay, các bác sĩ hướng điều trị theo kiểu “dò bệnh”.
Nhiễm khuẩn từ thức ăn 
Người bị bệnh ăn phải thức ăn đã nhiễm LC, nhưng không giống như hầu hết nguồn thức ăn truyền bệnh khác gây bệnh ở đường ruột, vi khuẩn này gây ra viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng đệm và màng ối, tử vong ở trẻ sơ sinh…
Theo các tài liệu y khoa, LC là trực khuẩn phát triển ở nhiệt độ từ 1 – 45oC. LC gây bệnh nội bào ở những người mà hệ thống miễn dịch qua trung gian tế bào bị suy giảm. Phụ nữ mang thai gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn có lẽ do sự thay đổi về miễn dịch tại chỗ và toàn thân trong thai kỳ.
LC gây ra viêm màng não, người bị nhiễm bệnh do thức ăn nhiễm khuẩn. Thời gian ủ bệnh từ sau khi dùng thức ăn nhiễm khuẩn từ 2 – 6 tuần. Những thực phẩm bị nhiễm khuẩn làm lây bệnh thường là: Xà lách trộn, patê, thịt lợn đóng gói, xúc xích. Do thời gian ủ bệnh lâu, gây khó khăn trong việc xác định nguồn thực phẩm gây bệnh. Những người trồng rau, tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm khuẩn cũng dễ mắc bệnh.
BS Nguyễn Trung Cấp giải thích, hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn đều xảy ra vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Đa số phụ nữ mang thai bị nhiễm LC có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau lưng, có khi thấy tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn trong suốt thời kỳ nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể lây truyền qua rau thai dẫn đến nhiễm khuẩn tử cung, viêm màng đệm, màng ối, dẫn đến sinh non, hoặc bệnh khởi phát ở giai đoạn sớm ở những trẻ mới sinh.
Phụ nữ nhiễm bệnh dễ bị sảy thai tự nhiên. Trẻ sơ sinh tuần lễ đầu tiên khởi phát bệnh với những dấu hiệu nhiễm khuẩn, khó thở, có những tổn thương ở da, tuyến thượng thận, phổi và những cơ quan khác. Một số trẻ sơ sinh phát bệnh ở giai đoạn muộn thường bị viêm màng não nhiều hơn so với trẻ khởi phát ở giai đoạn sớm.
Vân Khánh / Gia Đình

Bình luận (0)