Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trời lạnh viêm tiểu phế quản gia tăng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trẻ VTPQ đang được điều trị

Những ngày này, số trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I và Nhi đồng II TP.HCM tăng đột biến. Nguyên nhân là do thời tiết trở lạnh về đêm và sáng…
Viêm tiểu phế quản (VTPQ) là bệnh do nhiễm virus hô hấp hợp bào xảy ra vào lúc giao mùa, hoặc vào mùa thời tiết lạnh. Trẻ em dưới 2 tuổi, nhất là trẻ dưới 6 tháng là đối tượng dễ bị nhiễm.
Nhiều trẻ nhập viện
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh, Bệnh viện Nhi đồng II cho biết: “Những năm gần đây, bệnh lý VTPQ càng ngày càng trở nên nhiều. Trong đó có không ít trẻ phải nhập viện vì có nguy cơ diễn tiến đến suy hô hấp cấp…”. Cụ thể như trường hợp của bé Gia Hào – 12 tháng tuổi, P.Đa Kao, Q.1. Chị Thu Loan, mẹ của bé cho biết: “Cách đây khoảng một tuần, ban ngày bé vẫn ăn uống và vui chơi bình thường, tối đi ngủ đúng giờ. Đến khoảng nửa đêm về sáng, bé trở mình và cứ ấm ức khóc. Cứ tưởng bé đói nên tôi pha cho bình sữa nhưng bé không chịu bú. Rờ vào người bé thấy hơi nong nóng nhưng tôi không nghĩ là bé bệnh. Sáng sớm thức dậy, thấy mắt bé lờ đờ, người vẫn nóng. Tôi dặn chị giúp việc, bé mệt nên không cho ra ngoài. Buổi chiều đi làm về, tôi thấy bé ho, sốt nhẹ, sổ mũi nên đưa đến phòng mạch tư khám. BS cho thuốc uống, uống gần hết ngày thứ hai thì bé có triệu chứng khò khè, thở nhanh nông và ăn uống càng ngày càng kém. Thế là chúng tôi phải đưa bé tới Bệnh viện Nhi đồng II khám. Các BS cho biết, bé bị VTPQ…”.
Một trường hợp khác là bé Hạnh Nhi – 3 tuổi, P.4, Q.5. Lúc đầu bé cũng có triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi nhưng chị Hà Quyên (mẹ bé) chủ quan không đưa con đi khám bệnh. Mãi đến khi phát hiện bé thở có vẻ khó khăn, phập phồng cánh mũi, co kéo các cơ liên sườn ở ngực. Mỗi khi bé khóc đều dẫn đến thở mệt, da tái và tím. Lúc này, gia đình mới đưa bé đi khám. Tại đây, các BS cho biết nếu đem bé tới trễ hơn một chút thì dễ dẫn đến suy hô hấp nặng.
Giữ ấm để phòng bệnh cho trẻ
Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh, để đề phòng bệnh VTPQ, các bà mẹ cần lưu ý: “Cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sinh cho đến 2 tuổi, như vậy trẻ sẽ có nhiều kháng thể chống lại bệnh. Bên cạnh đó phải chú ý dinh dưỡng cho trẻ, nên ăn dặm đúng cách, cho uống nước nhiều và phải chủng ngừa đầy đủ. Điều đáng lưu ý là khi trời lạnh nên mặc ấm cho trẻ, để trẻ tránh xa khói thuốc lá và cách ly những người đang bị bệnh hoặc rửa tay và đeo khẩu trang trước khi chăm sóc trẻ…”.
Bệnh VTPQ thường kéo dài từ 5-7 ngày và có thể chăm sóc tại nhà. Đó là cho trẻ uống nước thường xuyên và từng ngụm nhỏ, cho ăn ít và nhiều lần. Chú ý cho trẻ nằm đầu cao khoảng 45 độ, điều chỉnh nhiệt độ phòng vừa phải sao cho không khí không quá khô và lạnh. Trước khi chăm sóc trẻ, người lớn phải rửa tay sạch sẽ.
Về thuốc điều trị bệnh, cho trẻ uống paracetamol nếu trẻ sốt. Lưu ý, không cho trẻ uống thuốc chống ho khi trẻ có nhiều đàm, nên vỗ lưng nhẹ khuyến khích trẻ ho để có thể tống đàm ra; không cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Đặc biệt, không được có khói thuốc lá trong phòng trẻ.
“Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi phát hiện một trong số các dấu hiệu: sốt cao, khó hạ; thở nhanh, mệt; khó thở, thở co lõm ngực hoặc phập phồng cánh mũi; da tím tái; trẻ bỏ bú, nôn ói nhiều và không uống được nhiều nước. Hiện nay bệnh VTPQ cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ nhỏ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, các phụ huynh cần hiểu đúng về bệnh lý VTPQ để biết cách chăm sóc cũng như đề phòng bệnh cho trẻ”, BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh khuyến cáo.
Bài, ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)