Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tác hại lớn từ những con giun nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Ăn chín, uống sôi là một cách để phòng ngừa giun sán

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên 70% trẻ từ 2 đến 5 tuổi nhiễm giun sán. Ngoài ra, cả nước có khoảng 60 triệu người nhiễm giun đũa, 40 triệu người nhiễm giun tóc, 20 triệu người nhiễm giun móc. Những con giun nhỏ xíu này đã gây không ít tác hại cho sức khỏe của người bệnh…
Nhiễm giun có thể tử vong
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hương, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết: “Nhiễm giun sán gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, người lớn, thậm chí có thể tử vong”. Ở phụ nữ trưởng thành, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản thì việc nhiễm những loại giun truyền qua đất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Chẳng hạn như gây dị tật cho thai nhi, sinh non, sinh ra trẻ thiếu cân, thậm chí có thể tử vong cả mẹ lẫn trẻ sơ sinh. Còn đối với trẻ em,  giun sán có thể tiết ra các loại độc tố hoặc thải ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể. Trong đó bao gồm tác hại cơ học: Giun tóc, giun móc bám vào niêm mạc ruột gây viêm loét ruột, thậm chí gây chảy máu rỉ rả, nhiều bé bị thiếu máu có khi phải truyền máu. Còn giun đũa có thể dẫn đến tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy gây ra các triệu chứng đau bụng dai dẳng hoặc kịch phát, ói mửa, vàng da, viêm gan. Trong khi đó nếu nhiễm nang ấu trùng sán dây heo, chúng di chuyển tới não có thể gây động kinh, làm đột tử, nếu ký sinh ở mắt sẽ gây mù lòa. Ngoài ra, còn có sán lá phổi xâm nhập làm vỡ thành mạch máu phổi gây ho ra máu. Không chỉ có vậy, giun đũa, giun tóc, đặc biệt là giun xoắn còn gây dị ứng nặng, sốt cao, phù nề, tăng bạch cầu eosinophil.
Trường hợp của chị Cẩm Tú (Q.3) là một ví dụ. Chị cho biết: “Da của tôi bỗng dưng bị nổi nhiều nốt nhỏ li ti và ngứa, lúc đó tôi nghĩ là dị ứng thực phẩm nên không dám ăn đồ biển. Thậm chí tôi còn không dám xài bất kỳ thứ mỹ phẩm, sữa tắm nào nhưng vẫn không khỏi bệnh. Nhiều lần đi bệnh viện, cuối cùng tôi mới biết mình bị nhiễm giun. Sau khi uống thuốc tẩy giun, bệnh ngứa của tôi hết hẳn”…
Cách phòng ngừa nhiễm giun sán
Sở dĩ tỷ lệ người Việt Nam nhiễm giun sán cao như vậy là bởi nước ta có khí hậu nhiệt đới. Đây là môi trường thuận lợi để giun sán phát triển. Song, trên hết vẫn là thói quen ăn các thực phẩm sống như gỏi cá, tiết canh, bò tái; ăn các loại rau thủy sinh còn sống như rau xà lách xoong, rau muống; tập quán sinh hoạt của người dân… “Muốn loại bỏ nguồn lây nhiễm thì người dân phải cương quyết loại bỏ những tập quán chưa hợp vệ sinh. Phải đảm bảo 3 sạch: Ăn sạch (ăn thức ăn nấu chín), uống sạch (nước nấu sôi để nguội), ở sạch (xử lý các chất thải sạch sẽ, không phóng uế bừa bãi)… Mỗi người phải tập cho mình thói quen rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt trước khi chế biến các món ăn, chuẩn bị cơm cho trẻ. Trái cây, trước khi ăn nên rửa sạch, gọt vỏ. Cha mẹ phải cương quyết không cho trẻ mút tay, vì mút tay dễ bị nhiễm giun kim và trứng giun kim. Loại này có thể tồn tại trên bề mặt quần áo, chăn mền và đồ chơi khoảng 2-3 tuần. Theo đó, các dụng cụ, đồ chơi dành cho trẻ phải được vệ sinh hằng ngày, sau mỗi khi chơi”, BS. Thanh Hương khuyến cáo. Ngoài ra, các ông bố, bà mẹ, nhất là ở nông thôn không nên cho trẻ mặc quần rách đũng. Vì giun sán có thể từ dưới đất thông qua chỗ rách này để xâm nhập vào cơ thể trẻ. Không cho trẻ lăn lê, bò toài dưới đất… Song song đó, định kỳ 6 tháng/lần phải tẩy giun cho cả người lớn lẫn trẻ em.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)