Tòa soạnThư đi – tin lại

Nhiều con đường để bước vào đời

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh được tư vấn chọn trường ĐH-CĐ là rất cần thiết. Ảnh: S.M

Trước đây, chỉ cần có tấm bằng đại học (ĐH), bất luận là tốt nghiệp trường nào bạn cũng có thể yên tâm coi như “tấm bùa hộ mệnh”, bảo đảm đời sống và công ăn việc làm. Còn bây giờ mọi sự đã khác, tấm bằng ĐH chỉ là sự xác nhận tri thức đã học để chứng minh vào đời. Mọi việc phải qua sự sàng lọc của nơi tuyển dụng.
Bạn chọn đúng nghề, đúng trường học theo khả năng yêu thích tất nhiên bạn sẽ giỏi việc, tất yếu xã hội sẽ chấp nhận bạn. Ngược lại là thất nghiệp, là đào thải. Chọn trường để thi, để học thật muôn màu muôn vẻ. Đó là quyền tự do của mỗi người, nhưng khi chọn trường gắn liền với nghề nghiệp tương lai, việc tỉnh táo, biết người biết ta cần được tính toán kỹ. Bạn tôi, Lê Công Hải (THPT Nguyễn Đình Chiểu – Tiền Giang) trước đây vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không có điều kiện học ĐH nên Hải chọn thi vào Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang. “Trường này không tốn học phí, vừa có học bổng, lại gần nhà sáng đi chiều về, không phải làm phiền gia đình, ra trường sẽ có việc làm ổn định…” – Hải bảo thế. Sau khi ra trường, đi dạy được hai năm, có điều kiện, Hải đã học tiếp lên Đại học Sư phạm TP.HCM. Hiện Hải là giáo viên dạy giỏi, đảng viên gương mẫu đồng thời vừa nhậm chức Phó hiệu trưởng một trường THPT tại huyện Tân Phước. Cũng vì hoàn cảnh không cho phép mà bạn Nguyễn Thanh Nhanh (THPT Hoàng Hoa Thám – TP.HCM) năm nay chỉ đăng ký thi vào Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm. “Mình muốn rút ngắn thời gian học để ra trường tìm việc làm phù hợp, phụ ba mẹ nuôi tiếp hai em kế. Trước đây, mình thích ĐH Luật lắm nhưng trường này học phí cao, mua giáo trình nhiều nên phải đành gác ước mơ này lại…”. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn chọn trường không phải vì những lý do… hổng giống ai như bạn N.N (THPT Nguyễn Công Trứ – TP.HCM): “Tôi chọn thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh đơn giản vì muốn sau này ra đường ai cũng biết tên mình, xin chữ ký của mình…”. “Quái đản” như M.T (quận 8 – TP.HCM) đăng ký thi vào ĐH Kiến trúc vì “ra đường đeo cọ, mấy cuộn giấy vẽ, oai lắm…”. Bạn M.K (THPT Trần Khai Nguyên) khoe: “Bố mình hứa, nếu đỗ vào Đại học Ngân hàng, mình sẽ sở hữu một chiếc SH mới coóng đồng thời sẽ được chuyến đi nghỉ mát ở Singapore”. Bản thân tôi trước đây cũng mơ ước được vào ĐH Bách khoa, nhưng vì biết được sức học của mình nên đã chọn ngành điện Trường Trung cấp Kỹ thuật Cao Thắng (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TP.HCM) để học. Cho đến bây giờ, trở thành một người thợ lành nghề, có thu nhập ổn định, tôi thấy mình đã chọn đúng, con đường vào đời không nhất thiết phải có tấm bằng đại học. Tôi rất tự hào khi vào học dưới mái trường mà cách đây hơn 80 năm, Bác Tôn đã được đào tạo thành một người thợ. Theo tôi, nghề nào cũng tốt, miễn là nuôi sống được bản thân, phụ giúp ba mẹ và đóng góp cho xã hội là tốt rồi. Nếu ai cũng là “thầy” thì ai sẽ là “thợ” đây. Đất nước mình trên đà phát triển rất cần những cử nhân, bác sĩ nhưng cuộc sống vẫn không thể thiếu những y tá, hộ lý giỏi, người thợ có kỹ thuật cao”. Bạn Minh Tú (quận 5) cho biết: “Không đậu vào Đại học Bách khoa, tôi quyết định không thi nữa mà ở nhà học nghề tiện nối nghiệp cha”. “Tôi cũng thế, sẽ học nghề sửa chữa điện tử cùng với ông anh” – BạnNguyễn Hữu Tín – Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bình Thạnh – TP.HCM bảo thế!
Nguyễn Minh Hoàng (quận Bình Thạnh – TP.HCM)
Có nhiều con đường để chiếm lĩnh tri thức và thành đạt trong tương lai. Điều cần thiết là mỗi bạn trẻ đừng bao giờ đánh mất lòng tin vào khả năng của bản thân mình, học bằng nhiều cách khác nhau…
 

Bình luận (0)