Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Lại đến mùa vung tiền “săn” cầu thủ ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Cửa sổ chuyển nhượng giữa mùa (tạm gọi là chuyển nhượng mùa hè) của bóng đá Việt Nam sắp mở cũng là lúc hầu hết các đội bóng lại lao vào cuộc thi ném tiền qua cái ô cửa ấy.

"Cỗ máy ghi bàn" Almeida đến với Đà Nẵng qua lời giới thiệu của người đồng hương Rogerio.

Ném đi hàng chục tỉ đồng mỗi năm

Ở đội bóng như Hoàng Anh Gia Lai có 7 cầu thủ ngoại (tính cả người đã nhập quốc tịch Việt Nam), nhưng tới giờ chỉ có 3 cầu thủ chơi tạm ổn. Nghĩa là họ sẽ sử dụng tối đa 3 quyền thay thế cầu thủ ngoại.

Đồng Tâm Long An có 6, cũng chỉ có 3 vị trí hoặc đáp ứng được yêu cầu, hoặc sẽ được giữ lại nhờ khẳng định tốt trình độ từ mấy mùa trước. Vậy, sẽ có 3 cầu thủ ra đi để lấy chỗ cho 3 người khác về.

Thể Công hiện có 5 cầu thủ ngoại, họ đã chọn xong 3 lính lê dương mới đến từ  Brazil. Tức là có 3 cầu thủ chưa ấm chỗ từ đầu mùa trở thành người thừa. Và còn  rất nhiều đội bóng khác nữa ở V-League và hạng nhất (mỗi giải 14 CLB) cũng ở trong tình trạng đó, may ra chỉ hài lòng với 3 cầu thủ ngoại mà họ đang sở hữu. Liệt kê không xuể.

Để có được những cầu thủ ngoại bổ sung cho giai đoạn hai của mùa giải, hầu hết các CLB đều đi theo quy trình, từ tìm kiếm, tới thử việc rồi ký hợp đồng. 3 công đoạn ấy đều là dịp để tiêu tiền: mua vé máy bay, trả tiền thử việc, lót tay khi đặt bút vào bản hợp đồng, trả lương và cả một cục tiền nữa cho nhà môi giới.

Rất ít các trường hợp chuyển nhượng theo kiểu cho mượn cầu thủ, việc này đỡ tốn kém hơn, thường chỉ phải trả tiền lương hoặc một ít tiền cho cái gọi là “bôi trơn”.

Để dọn chỗ cho các cầu thủ mới đến, các CLB sẽ phải thanh lý hợp đồng với những cầu thủ cũ, công đoạn sẽ như sau: thông báo cắt hợp đồng, rồi trả tiền đền bù (nếu thỏa thuận được) thường là 2 tháng lương, còn không sẽ đeo đuổi những vụ kiện tụng nếu không muốn phải đền bù cả phần còn lại của bản hợp đồng trong trường hợp có điều khoản ràng buộc. Vậy là cũng sẽ mất rất nhiều tiền.

Thậm chí, tốn kém hơn so với cả việc ký hợp đồng với các cầu thủ mới. Vì để có những người cũ, các CLB cũng đã phải trả chi phí chuyển nhượng, tiền môi giới, tiền lót tay. Chỉ mấy tháng đá giai đoạn lượt đi chưa thể giúp các CLB “khấu hao” xong mọi chi phí.

Dài dòng như thế để chúng ta nắm được quy trình ký hợp đồng với các cầu thủ ngoại ở bóng đá Việt Nam cũng như sự tốn kém của nó đủ để tin rằng, việc các CLB lao vào thị trường chuyển nhượng mùa hè thực sự là một cuộc đua ném tiền qua cửa sổ.

Rất khó để đưa ra một con số dự báo, các CLB sẽ ném bao nhiêu tiền qua cửa sổ khi xuân qua hè đến. Ngoại trừ lương, thì trị giá chuyển nhượng hay phí môi giới, hầu hết đều là những con số bí mật tương đối. Nhưng cũng có thể tính lương cầu thủ ngoại ở những đội bóng được xếp vào hàng đại gia như Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Bình Dương, Thể Công, Xi măng Hải Phòng có mức trung bình 4-5.000 USD/cầu thủ/tháng, phí ký hợp đồng, tiền môi giới dao động từ mức 30-40.000 USD/năm.

Còn các đội bóng nhà nghèo như Sông Lam, Quân khu 4, Nam Định… lương tháng từ 2-3.000 USD/cầu thủ, tiền ký từ 5-10.000 USD/mùa. Chỉ cần nhân lên với công thức 2 tháng lương đền bù và một nửa số tiền ký hợp đồng không đòi lại được từ cầu thủ và nhà môi giới, chúng ta sẽ thấy, mùa hè này sẽ có hàng chục tỉ đồng nữa được nướng vào những canh bạc cầu thủ ngoại.  

Những canh bạc thực sự

Gọi nó là canh bạc bởi khi các CLB ký hợp đồng với cầu thủ ngoại hiện tại, họ cũng không thật chắc chắn về khả năng của những người trước đó chưa từng chơi bóng ở Việt Nam. Mà hồi đầu mùa, thời gian dư giả hơn cũng đồng nghĩa với việc các CLB có điều kiện để đánh giá chút ít tài năng và kiểm nghiệm. Còn cho giai đoạn chuyển nhượng mùa hè, các CLB chỉ có chừng 1 tháng, hoặc nhiều nhất là 2 tháng để hoàn tất mọi công đoạn. Và hầu hết các cầu thủ nằm trong diện bổ sung cũng là những người mới.

Những bộ CV (hồ sơ cầu thủ) trong trường hợp này không có nhiều giá trị, bởi nó có thể được tô vẽ bởi chính chủ nhân của nó, hoặc bởi các nhà môi giới – những người làm cái nghề mà dân bóng đá hay vui miệng bảo là “thiếu tí lương tâm”.

Ngay những cuốn băng hình ghi lại những trận đấu, bàn thắng cũng thế. Tất nhiên không thể làm giả, nhưng ai cũng hiểu một người cả đời đá bóng ở vị trí tấn công thế nào chẳng có trận đá xuất thần, ghi được một vài bàn thắng đẹp. Các cầu thủ ngoại vẫn luôn tìm cách bắt mối với các phóng viên để xin băng hình những trận họ “bỗng nhiên” đá hay, “bỗng dưng” ghi được bàn thắng đẹp cũng để phục vụ ý đồ tiếp tục tìm những bến đậu mới, ở những nền bóng đá vùng trũng khác như Việt Nam.  

Các CLB biết điều đó, quá rõ là đằng khác. Họ cũng hiểu mình đang ném tiền qua cửa sổ. Nhưng vẫn lao theo. Vì họ không có nhiều sự lựa chọn khác ngoài việc trông chờ vào những nhà môi giới đưa đến những cầu thủ vô danh, những cầu thủ nước ngoài (thường là châu Phi hay Nam Mỹ) đến với Việt Nam tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Tự mình mò mẫm, dò đường để đến với tận nguồn cung cầu thủ, tự tay tuyển chọn, không phải CLB nào cũng có đủ tiềm lực tài chính và mối quan hệ để làm. Như Thể Công, chuyến đi Brazil mới đây của họ cần tới cả một người gạo cội như HLV Lê Thụy Hải tháp tùng và chỉ riêng chi phí đi lại, bắt mối cũng đã tốn tới bạc tỉ. Mà đi như thế chưa chắc sẽ thành công, sẽ mua được những cầu thủ “hàng hiệu” để tránh ném tiền qua cửa sổ một lần nữa.

Đà Nẵng từ ngày chơi bóng ở V-League và sử dụng cầu thủ ngoại, họ đã 2 lần sang Brazil để tìm cầu thủ. Cũng tốn kém. Cũng mất thời gian. HLV Huỳnh Đức và Phan Thanh Hùng năm 2006 đã lang thang ở bang Rio de Janeiro cả tháng trời. Cuối cùng họ cũng không tìm kiếm được một chân sút đẳng cấp.

Người Đà Nẵng mang được về từ Brazil và chơi tốt cho tới lúc này là Rogerio, sản phẩm của chuyến “đi săn” từ năm 2003 bởi vị Phó giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng, ông Vũ Duy Hưng khi ấy. Tất cả cũng chỉ có vậy. Almeida, cỗ máy ghi bàn của Đà Nẵng, thực ra lại đến theo nguồn khác, từ sự giới thiệu của anh bạn nối khố Rogerio.

Năm 2004, Nam Định cử đích thân Trưởng đoàn bóng đá Nguyễn Hưng Thái sang Nam Phi để tìm kiếm cầu thủ. Nhưng họ cũng không tìm kiếm được thần tài nào. Chân sút Amaobi đến với họ năm ấy lại là từ một tay “cò” người Nigeria, có tên Tobin.

Bởi vậy, khi cửa sổ chuyển nhượng mùa hè này mở, bóng đá Việt Nam có lẽ sẽ lại ném thêm nhiều tỉ nữa!

Trần Diệu Anh – Phương Thảo (theo CAND)

 


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)