Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự diễn biến của thời tiết cũng như việc tăng cường áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất lúa gạo, vụ lúa Đông Xuân 2014 của cả nước dự báo thuận lợi, được mùa.
Mặc dù có trận rét đậm, rét hại sau tết từ ngày 14-15/2 và ngày 19-22/2 làm thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, một số diện tích lúa bà con gieo đúng vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp 14-15 độ C làm lúa chết nhưng tỷ lệ không lớn chỉ chiếm vài phần trăm.
Tính đến hết tháng 2, tổng diện tích lúa gieo trồng các tỉnh phía Bắc tính cả Bắc Trung Bộ khoảng 755.000ha.
Với diễn biến thời tiết rét như hiện nay, Cục Trồng trọt đánh giá, vụ Đông Xuân này được mùa. Chính nhờ có trận rét mà lúa xuân được kìm lại và sẽ trỗ vào thời điểm hợp lý, cho năng suất cao hơn. Thực tế, theo kinh nghiệm nhiều năm tổng kết từ các vụ xuân rét cho thấy các vụ đều thắng lợi, được mùa lớn.
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tháng 1 và tháng 2 thu hoạch khoảng 500.000ha lúa Đông Xuân, dự kiến tháng 3 thu hoạch khoảng 500.000ha và tháng 4 thu hoạch khoảng 600.000ha.
Thu hoạch lúa Đông Xuân. (Nguồn: TTXVN)
Dự báo, vụ Đông Xuân này cả nước sẽ thu hoạch thuận lợi và được mùa. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất lúa gạo cũng góp phần làm tăng năng suất, chất lượng lúa.
Hiện, nhiều kết quả nghiên cứu, lai tạo đã hé mở giống lúa chuyển gen tốt, có chất lượng, chống chịu sâu bệnh nhưng cần có thời gian để kiểm chứng và đánh giá của cơ quan chuyên môn để công nhận là giống quốc gia. Cùng với giống, khả năng liên kết các "Nhà" sẽ tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, hiệu quả cao.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết việc đẩy mạnh phát triển cánh đồng mẫu lớn góp phần vào kết quả "được mùa" vụ Đông Xuân.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất lúa với tiêu thụ cũng như hướng tới lúa chất lượng. Các doanh nghiệp như công ty cổ phần An Giang và một số những doanh nghiệp xay sát, chế biến cũng kết nối, hình thành vùng nguyên liệu rộng hàng trăm, hàng nghìn hécta theo hướng sản xuất 1 trà, 1 giống lúa, quản lý chất lượng đồng ruộng, chỉ đạo sản xuất theo đúng quy trình góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, tránh tình trạng nông dân phải bán lúa non.
Doanh nghiệp cam kết tiêu thụ sản phẩm, ứng trước vật tư, phân bón cho người nông dân, tránh được tình trạng thiếu vốn đầu tư sản xuất. Đặc biệt, một số vùng đã tái cấu trúc, chuyển đổi từ giống lúa kém chất lượng, có giá trị hàng hoá thấp sang hình thành những vùng gieo cấy các giống lúa chất lượng cao.
Thực hiện quy định của Chính phủ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu, vì vậy, việc các doanh nghiệp liên kết phát triển vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn đã mang lại hiệu quả cao, chất lượng tốt, năng suất ổn định và công tác dự báo thị trường cũng được các doanh nghiệp chú trọng làm tốt. Nhiều doanh nghiệp thu mua tươi về chế biến, xay sát, đóng bao với thương hiệu doanh nghiệp.
Ông Trần Xuân Định cho biết hiện không chỉ các doanh nghiệp trong Nam như Vinafood 1, Vinafood 2, công ty cổ phần An Giang… mà một số công ty ngoài Bắc như công ty An Bình cũng đang phát triển, xây dựng vùng nguyên liệu.
Ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng như: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng… cũng đã bắt đầu hình thành những cánh đồng mẫu lớn có quy mô 50-70ha, có cánh đồng rộng tới hàng trăm hécta. Các doanh nghiệp cũng ứng giống, chỉ đạo quy trình, mua tươi về sấy, xay sát, chuyển đổi cơ cấu trong nội tại vụ lúa xuân.
Đối với cây lúa khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ cũng đã hình thành vùng sản xuất giống, và có lợi thế là sản xuất giống sớm hơn so với các tỉnh phía Bắc nên nhiều doanh nghiệp sản xuất giống, các công ty sản xuất giống phía Bắc đã mở rộng sản xuất vào các tỉnh miền Trung.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay lúa tạm trữ trong dân cũng đã hết, đứng trước áp lực thu hoạch rộ vụ Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam là rất lớn nên việc xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu đã được thực hiện nhằm tránh câu chuyện muôn thuở "được mùa rớt giá."
Năm 2014, dự báo thị trường thế giới phức tạp, khó khăn vì tình hình chính trị Thái Lan. Bên cạnh đó, Thái Lan lại xả hàng dự trữ bán dưới giá bán của Việt Nam nên tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang đối mặt với áp lực về giá.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã họp bàn với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các đơn vị liên quan để cảnh báo tình hình. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cũng phải tiến hành giúp người dân tìm kiếm, mở rộng thị trường, ngoài thị trường truyền thống cần tìm kiếm thị trường mới, không để xảy ra tình trạng "được mùa rớt giá."
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 20/2, tình hình tiêu thụ lúa gạo đạt 411 triệu tấn với giá bình quân 427,15 USD/tấn, giảm 19,22 USD/tấn, sản lượng và giá trị cũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, để chủ động tiêu thụ lúa vụ Đông xuân 2013-2014, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn. Đồng thời, đề xuất Chính phủ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong các tháng 3 và 4 khi giá lúa sụt giảm để tránh tình trạng rớt giá.
Để giảm áp lực cho thị trường lúa gạo, Cục Trồng trọt tiếp tục xây dựng các chính sách phục vụ chuyển đổi đất lúa, cũng như tham mưu cho bộ đề xuất với Chính phủ các chính sách đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi, đặc biệt là chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao.
Vụ lúa Hè Thu, Cục khuyến cáo chuyển đổi 200.000ha trên cả nước nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Chủ trương vụ tới, dự báo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hơn từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao./.
Thu Hà (TTXVN)
Bình luận (0)