Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đảm bảo chất lượng công trình giao thông: Cần sự đồng bộ trong các khâu quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

Gói thầu số 3 Dự án đường vành đai 3 Hà Nội đã cán đích trước thời hạn 5 tháng, chính thức thông xe ngày 30/6/2012, kết nối trục giao thông quan trọng cửa ngõ phía Nam Hà Nội, được xem là “điểm sáng” trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay của ngành giao thông vận tải (GTVT).

Đường vành đai 3 đoạn Thanh Xuân – Bắc hồ Linh Đàm (Hà Nội) trong ngày thông xe. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Trong bối cảnh gần như tất cả các dự án, công trình giao thông (CTGT) đều chậm tiến độ, thì các gói thầu của dự án trọng điểm này lại băng băng về đích, vượt xa kế hoạch. Rõ ràng khi vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư được đặt lên hàng đầu, các CTGT phục vụ dân sinh chắc chắn sẽ hoàn thành trước mục tiêu và tạo được lòng tin, sự đồng thuận trong dư luận. 

Quyết liệt vào cuộc
Gói thầu số 3 Dự án đường vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch – Bắc hồ Linh Đàm (giai đoạn 2) được khởi công xây dựng từ tháng 6/2010, có tổng chiều dài gần 9.000 m đường dẫn và cầu cạn chạy suốt, với tiêu chuẩn “đường cao tốc đô thị”, đạt tốc độ thiết kế 100 km/giờ, mặt cắt ngang 4 làn xe. Theo kế hoạch, gói thầu này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2012, nhưng với tiến độ “thần tốc”, đã cán đích trước 5 tháng. Việc đưa gói thầu 3 vào sử dụng sớm đã góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông hiệu quả trên cung đường.
Hiện tại, gói thầu số 1 (từ nút giao Mai Dịch tới nút giao Trung Hòa) và gói thầu số 2 (từ nút giao Trung Hòa tới nút giao Thanh Xuân) cũng đang được nhà thầu gấp rút hoàn thành trong năm 2012, để sớm thông toàn tuyến đường cao tốc trên cao dài hơn 28 km, từ cầu Phù Đổng đến Mai Dịch.
Từng là dự án bị đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng “sờ gáy” trước đây vì chậm tiến độ và cũng đích thân liên danh các nhà thầu gồm: Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Cienco4, Cienco8 thi công lấy ghế tổng giám đốc ra đặt cược thành công, đến nay các đơn vị thực hiện gói thầu số 3 đã có thể thở phào nhẹ nhõm và khẳng định vượt tiến độ đề ra, trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật công trình.
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT (Bộ GTVT), thời gian qua, hầu hết các công trình, dự án của ngành GTVT đều chậm tiến độ, thậm chí nhiều công trình bị kéo dài tới 2 – 3 năm, dẫn đến phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tiến độ, cùng với trượt giá khiến tổng mức đầu tư tăng và hiệu quả đồng vốn bị suy giảm. Hàng loạt dự án, công trình trọng điểm có số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, đang triển khai, đều trượt tiến độ đề ra như: Các tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình, cầu Nhật Tân… Trong bối cảnh này, Dự án đường vành đai 3 Hà Nội thực sự là một “điểm sáng”.
Cho tới thời điểm hiện nay, những yếu tố nào đã giúp dự án “vượt tốc độ” vẫn là chủ đề được dư luận và nhiều chuyên gia ngành GTVT quan tâm. Trao đổi với phóng viên, không ít chuyên gia cho rằng, cần phải đúc rút những bài học kinh nghiệm từ dự án này để áp dụng rộng rãi vào các công trình khác, mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, ngoài lý do dự án có nhiều thuận lợi về mặt bằng, sử dụng công nghệ dầm bê tông đúc sẵn, thì nỗ lực liên tục của đội ngũ cán bộ, công nhân của gói thầu, mỗi ngày làm 3 ca liên tục từ 12 – 14 giờ/ngày trên công trường, để đưa công trình về trước tiến độ, là điều đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, dự án tập trung được nhiều đơn vị thi công mạnh, có năng lực và có sự hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ khối lượng công việc, nên công trình luôn đạt tiến độ tốt.
Một yếu tố quan trọng khác là do việc hỗ trợ vốn kịp thời và có chế độ thưởng thỏa đáng cho các nhà thầu. Thời gian đầu, chủ đầu tư chỉ tạm ứng “nhỏ giọt” khiến các nhà thầu rất khó huy động máy móc, thiết bị, nhân lực. Đến giữa năm 2011, khi gói thầu có nguy cơ chậm tiến độ, các nhà thầu đều cam kết: Nếu Bộ GTVT và cơ quan viện trợ tăng tiền ứng cho nhà thầu từ 20% lên khoảng 30 – 40% để đầu tư thêm dây chuyền đúc và bãi đúc dầm, thì gói thầu này có thể rút ngắn được 5 – 7 tháng so với yêu cầu. Đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đó đã quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư tăng vốn ứng và yêu cầu các nhà thầu đảm bảo tiến độ, khối lượng thi công theo cam kết, nhà thầu nào không hoàn thành hoặc vi phạm sẽ bị xử phạt mạnh tay, thậm chí cắt chức tổng giám đốc, kèm theo đó là việc cam kết thưởng tiến độ thỏa đáng cho các nhà thầu, nếu dự án về đích trước thời hạn. Và kết quả đã thực sự rất khả quan.

 

Đến vấn đề trách nhiệm
Nhiều chuyên gia ngành GTVT cho rằng, đối với mỗi CTGT xây dựng hiện nay, kể cả hội đủ ba 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mà các chủ thể liên quan trực tiếp đến công trình thiếu trách nhiệm, thì dự án cũng khó cán đích sớm và không mang lại kết quả như mong đợi. Trách nhiệm đối với công trình phải được gắn chặt với từng chủ thể tham gia trong quá trình đầu tư xây dựng, từ cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đến tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và các bên liên quan. Tất cả những chủ thể này phải nỗ lực thực hiện thường xuyên, thông qua những chương trình, kế hoạch đồng bộ, kết hợp giữa nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, phù hợp với thực tiễn của đơn vị mình.

Về vấn đề này, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT (Bộ GTVT) cho biết, cục đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ GTVT rà soát, đánh giá lại chất lượng các CTGT một cách hệ thống với cách nhìn khách quan, khoa học, nhằm tham mưu Bộ đánh giá, xử lý những công trình có vấn đề tồn tại, yếu kém về chất lượng. Theo đó, cục sẽ thống kê các công trình, hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng theo các nhóm nguyên nhân chủ quan (xem xét vai trò của từng chủ thể), khách quan (xem xét từng loại nguyên nhân như do điều kiện tự nhiên, tác động của con người hoặc có thể là bất khả kháng), qua đó xác định trách nhiệm của từng chủ thể và các bên liên quan.

Từ thực tế của “điểm sáng” hiếm hoi trên, để tạo tiền đề thành công cho các CTGT khác, nhiều chuyên gia đề xuất Bộ GTVT cần sớm rà soát, hoàn chỉnh, xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách tuyển chọn và sử dụng nhà thầu. Đối với nhà thầu tư vấn, phải có chính sách thúc đẩy việc phát triển lực lượng tư vấn trong nước, đảm bảo cung cấp dịch vụ tư vấn cho các dự án có nhiều loại nguồn vốn khác nhau. Và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu lựa chọn tư vấn yếu kém. Đối với nhà thầu tư vấn giám sát, phải có kinh nghiệm cả về thiết kế, thi công và quản lý dự án. Do đó, khâu tuyển chọn phải nghiêm túc, chặt chẽ đối với chức danh tư vấn giám sát, điều chỉnh chi phí tư vấn giám sát phù hợp để đảm bảo tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của tư vấn giám sát. Đối với nhà thầu xây lắp, Bộ cần rà soát, thực hiện quy định về điều kiện trúng thầu trong trường hợp các nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu, nhưng lại cố tình bỏ giá thấp bất hợp lý. Chỉ khi có những điều kiện như vậy thì mới có thể buộc chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm khi lựa chọn nhà thầu xây dựng yếu kém.

Một thực tế lâu nay tồn tại trong nhiều dự án, đó là những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Khi đó, các CTGT thường đổ lỗi chung chung là do cơ chế nhiều vướng mắc, người dân chậm bàn giao, cản trở thi công… Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư trong việc chậm trễ này đến đâu, công tác chi trả, đền bù có đảm bảo, hay việc vận động, tuyên truyền để người dân thấu tình, đạt lý đã đáp ứng được yêu cầu, thì gần như không được đề cập đến.

Mới đây, khi đi kiểm tra tiến độ công trình Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và làm việc với tỉnh Nam Định, để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng cho dự án trọng điểm này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải đặt mình vào vị trí của người dân buộc phải di dời, giải tỏa chính ngôi nhà, mảnh đất của mình để phục vụ thi công công trình để tìm cách giải quyết thấu tình, đạt lý. Điều này cũng nên trở thành tiền lệ cho các công trình.

TTXVN/Tin Tức

Bình luận (0)